Đó là gợi ý của Đại sứ Việt Nam tại Mozambique Lê Huy Hoàng với doanh nghiệp khi muốn tìm hiểu đầu tư, kinh doanh tại quốc gia châu Phi trong cuộc trao đổi với phóng viên TG&VN.
Đại sứ Lê Huy Hoàng gặp làm việc với Ngoại trưởng Mozambique Verónica Nataniel Macamo Dlhovo, ngày 23/11/2020. |
Trong gần nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2021), Việt Nam và Mozambique đã ký kết nhiều hiệp định như Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và thương mại; Hiệp định thương mại; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư… Theo Đại sứ, những thỏa thuận này có ý nghĩa vai trò như thế nào đối với quan hệ hai nước?
Các hiệp định nói trên được coi là khuôn khổ pháp lý quan trọng, định hình tạo điều kiện cho sự hợp tác đa dạng giữa hai nước trong những năm qua. Những công cụ pháp lý này đã giúp tạo sự khác biệt, làm cho hợp tác hai bên có sự tăng trưởng thực chất, ấn tượng trên nhiều lĩnh vực.
Trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2015, kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Mozambique tăng hơn 10 lần (từ 13,8 lên 45,3 triệu USD). Từ năm 2016 đến nay, con số này bình quân đạt trên 150 triệu USD mỗi năm với mức tăng trưởng đạt xấp xỉ 12%.
Về đầu tư, Mozambique hiện đứng thứ 11 trong số 72 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có hoạt động đầu tư với điểm sáng là Liên doanh Movitel của Tập đoàn Viettel tại Mozambique.
Các lĩnh vực hợp tác khác như an ninh, quốc phòng, nông nghiệp, du lịch, giáo dục, văn hóa... đều chứng kiến sự phát triển tích cực, năng động, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Trong 10 năm gần đây, Việt Nam cũng đã cử trên 100 chuyên gia giáo dục, nông nghiệp và chuyên gia y tế sang làm việc tại Mozambique. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã cử nhiều đoàn chuyên gia tham gia các chương trình an ninh lương thực của Mozambique cũng như hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ thuật phát triển nông nghiệp, thủy sản.
Đáng chú ý, Dự án hợp tác nông nghiệp về nghiên cứu phát triển cây lương thực và thực phẩm do Việt Nam hỗ trợ Mozambique giai đoạn I trong các năm 2014-2018 (trị giá trên 2,2 triệu USD) được chính phủ và người dân Mozambique đánh giá rất cao.
Trong lĩnh vực giáo dục, theo Nghị định thư đã ký giữa Bộ Giáo dục hai bên (23/6/2014), hằng năm mỗi nước trao cho nhau 10 suất học bổng để thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tiếng Việt và tiếng Bồ Đào Nha cho sinh viên hai nước.
Ngoài ra, Việt Nam và Mozambique còn có nhiều dự án hợp tác song phương, ba bên, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ thuật phát triển (về chế biến nuôi trồng thủy sản và nhiều lĩnh vực khác) đạt kết quả tốt.
Như ông đề cập, Liên doanh Movitel được coi là “điểm sáng” trong quan hệ đầu tư giữa hai nước. Đại sứ có nhận định như thế nào về sự phát triển và những đóng góp của đơn vị này đối với sở tại và quan hệ hai nước?
Mạng thông tin di động Movitel (liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel và Công ty SPI của sở tại) có tổng vốn đầu tư trên 600 triệu USD, trong đó Viettel đóng góp trên 70%, được coi là dự án rất hiệu quả trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Nỗ lực khắc phục sự cố của công ty Movitel sau cơn bão IDAI vào tháng 3/2019 được sở tại đánh giá cao. (Ảnh: NVCC) |
Đi vào hoạt động từ tháng 5/2012, Movitel đến nay đã trở thành mạng viễn thông chiếm vị trí hàng đầu tại Mozambique với trên 6 triệu thuê bao, phủ sóng đến hơn 85% dân số tại toàn bộ 11 tỉnh, đến tận cấp huyện, được coi là “điều kỳ diệu châu Phi” bởi những đóng góp thông qua việc phổ cập viễn thông di động ở khu vực nông thôn.
Movitel hiện đang không ngừng thay đổi chiến lược cải tiến chất lượng dịch vụ để chiếm lĩnh mở rộng thị phần không chỉ ở nông thôn mà còn ở cả khu vực thành thị, trong đó mấy năm gần đây đã tham gia cung cấp những dịch vụ viễn thông hiện đại cho nhiều bộ ngành của chính phủ và các cơ quan của Mozambique.
Mặc dù dịch bệnh khó khăn nhưng thị trường đầu tư của Movitel thời gian gần đây tăng trưởng khá ấn tượng, với doanh thu quý II/2021 của đơn vị này tăng 45%, cùng các thị trường khác ở châu Phi đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng của Tổng Công ty Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global).
Bên cạnh hoạt động đầu tư - kinh doanh tại Mozambique, Movitel cũng đặc biệt quan tâm đóng góp phát triển xã hội của sở tại và luôn tích cực đồng hành cùng Đại sứ quán và cộng đồng.
Movitel tích cực tham gia các hoạt động từ thiện trong đó việc tặng cặp sách cho học sinh nghèo, hỗ trợ trang thiết bị cho một số trường phổ thông sở tại, đặc biệt là cung cấp Internet miễn phí cho hoạt động giáo dục trực tuyến cho nhiều trường dạy nghề của Mozambique trong bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của dịch bệnh Covid-19 trong hơn 1 năm qua...
Cán bộ Movitel nhanh chóng khắc phục sự cố sau cơn bão IDAI, tháng 3/2019. (Ảnh: NVCC) |
Khi 2 trận siêu bão nhiệt đới IDAI và KENNETH xảy ra tại miền Trung Mozambique (đầu năm 2019), Movitel chỉ trong 24h đã khôi phục được hoạt động, trở thành nhà mạng duy nhất giúp kết nối liên lạc được vùng bị nạn với bên ngoài, điều mà người dân và chính quyền sở tại luôn cảm kích.
Hoạt động của Movitel đã và đang đóng góp rất thiết thực cho quá trình phát triển hiện đại hóa tại Mozambique, phù hợp xu thế dựa vào công nghệ viễn thông mới, được chính phủ và người dân sở tại đánh giá cao.
Đây được coi là những câu chuyện thành công về đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước ta ở nước ngoài, là niềm tự hào của Việt Nam, đóng vai trò dẫn dắt mở đường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác của Việt Nam cùng phát triển ở sở tại.
Theo quan sát của Đại sứ, người tiêu dùng Mozambique ưa chuộng các sản phẩm nào của Việt Nam?
Nhìn chung, các mặt hàng nông, lâm sản như điều, gạo và gỗ là chủ yếu trong cơ cấu ngành hàng ta xuất sang Mozambique.
Gần đây, thị trường của bạn đón nhận thêm nhiều mặt hàng khác, khá đa dạng của ta, trong đó nổi bật là: Phân NPK, sản phẩm dệt may, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử, điện thoại di động được sản xuất hay lắp ráp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hải sản đông lạnh, vừng, bông, thuốc lá… là các nhóm sản phẩm đang thu hút được sự quan tâm cao của thị trường Mozambique.
Với thị trường gần 30 triệu người, ông lưu ý điều gì với các doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương, đầu tư với doanh nghiệp Mozambique?
Thị trường Mozambique đang có nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy kinh doanh làm ăn, mở rộng thị phần. Nhu cầu thị hiếu người dân sở tại cũng không quá khó tính như nhiều thị trường phát triển ở châu Âu hay châu Mỹ, khá phù hợp với hàng hóa và khả năng của doanh nghiệp Việt Nam.
Để thâm nhập thành công vào thị trường Mozambique, các doanh nghiệp Việt Nam phải có tinh thần “dấn thân”, “quyết liệt” hơn nữa.
Bên cạnh quyết tâm và nguồn lực, doanh nghiệp ta cần: Hiểu rõ về các doanh nghiệp đối tác Mozambique, các cơ chế lĩnh vực hợp tác của sở tại, ưu tiên các lĩnh vực ta có thế mạnh cạnh tranh đồng thời phù hợp với nhu cầu ưu tiên phát triển của bạn; có các chiến dịch vận động hiệu quả nhằm giành được các hợp đồng, dự án có giá trị.
Ngoài ra, cần tận dụng các kênh kết nối, mạng lưới hỗ trợ của các Đại sứ quán/Thương vụ, các kênh kết nghĩa giữa các địa phương để không ngừng cập nhật tình hình Mozambique, thế mạnh, chiến lược chính sách phát triển, nhu cầu của sở tại để tận dụng các cơ hội hợp tác phù hợp.
Hội nghị thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Mozambique tổ chức năm 2018 nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của chính quyền và các nhà tài trợ. (Ảnh: NVCC) |
Thêm vào đó, cũng cần phải luôn đề cao các tiêu chí trong kinh doanh, nhất là các yêu cầu về chất lượng, chữ tín, tuân thủ quy định pháp luật để đảm bảo sự kinh doanh lâu bền.
Hiện Mozambique đang trong quá trình cải cách kinh tế, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, công nghiệp dân dụng, xây dựng, năng lượng, viễn thông và hạ tầng công cộng.
Bên cạnh các mô hình đầu tư lớn hợp tác qua kênh Nhà nước (như doanh nghiệp Movitel), các doanh nghiệp ta có thể áp dụng các mô hình liên doanh nhỏ hơn qua kênh tư nhân hay hợp tác giữa các địa phương… để đảm bảo sự linh hoạt thuận tiện, nhanh hiệu quả trong triển khai.
Ví dụ như mô hình đầu tư về khai khoáng của Công ty TNHH GPM Bình Thuận liên doanh với công ty Tazette của sở tại, tổng giá trị dự án lên tới trên 100 triệu USD - với hơn 30 chuyên gia khai khoáng người Việt - từ 2018 đến nay đã triển khai khá thành công hoạt động khai thác titan tại tỉnh Zambezia.
Là một nhà ngoại giao đã từng có 2 nhiệm kỳ làm Đại sứ tại các nước châu Phi, ông quan niệm thế nào về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước?
Khi triển khai công tác, Đại sứ quán luôn xác định các hoạt động ngoại giao ở sở tại phải tập trung hướng đến các mục tiêu thiết thực hiệu quả, trong đó ngoại giao kinh tế luôn là một trong những mảng việc trọng tâm ưu tiên, làm sao phải đáp ứng tốt nhất yêu cầu tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế trong nước và đóng góp cho quan hệ hợp tác hai nước nói chung.
Theo đó, phương châm của Đại sứ quán là ngoại giao kinh tế phải làm tốt nhiều mảng việc. Do đặc thù thị trường Mozambique còn mới lại nhiều biến động, chúng ta cần tập trung vào việc: Theo dõi sát tình hình sở tại, tìm hiểu các chính sách kinh tế, mô hình phát triển sự đổi thay của sở tại để kịp thời tham mưu, tư vấn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, phải tích cực tìm kiếm cơ hội, nguồn lực phát triển cho đất nước; tạo sự đan xen lợi ích với các đối tác.
Ngoài ra, do khoảng cách địa lý, doanh nghiệp và người dân hai nước còn thiếu thông tin nên cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, nhất là tiềm năng kinh tế của cả hai bên để doanh nghiệp người dân hai nước có sự hiểu biết và tin tưởng hơn về tiềm năng và cơ hội của cả hai nước.
Hoạt động của chuyên gia giáo dục Việt Nam được sở tại đánh giá cao. (Ảnh: NVCC) |
Điều quan trọng nữa là ngoại giao kinh tế phải chú trọng bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp đang rất khó khăn hiện nay, công tác ngoại giao kinh tế cần hỗ trợ doanh nghiệp bảo toàn vốn, tăng cường thắt chặt các kênh quan hệ với sở tại, lường trước những khó khăn - nghĩa là phải thường xuyên rà soát "rào giậu" từ xa..
Thêm vào đó, cần thường xuyên rà soát hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý các thỏa thuận kinh doanh với sở tại, có những bước chuẩn bị tránh để doanh nghiệp ta lâm vào thế khó, bị động.
Vậy cá nhân ông và Đại sứ quán đã triển khai phương châm này trong thực tiễn như thế nào?
Với những phương châm trên, có thể nói, Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique nói riêng, các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài nói chung những năm qua chính là những “ăng-ten” quan trọng trong việc nắm bắt tình hình kinh tế chính trị trên thế giới, có nhiều thông tin tham mưu kịp thời cho Đảng và Nhà nước về chính sách chiến lược phát triển kinh tế, xã hội.
Tại Mozambique, trong thời gian qua, cá nhân tôi và tập thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là nhân lực còn mỏng nhưng luôn nỗ lực, tích cực làm những gì tốt nhất có thể được để hỗ trợ bảo vệ doanh nghiệp, cộng đồng, đóng góp cho quan hệ song phương.
Ngoài việc đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp lớn của ta ở sở tại không những bảo toàn vốn, mà còn tăng trưởng doanh thu khá ấn tượng, mặc dù tình hình dịch bệnh sở tại diễn biến phức tạp, Đại sứ quán cũng đã hỗ trợ thành công nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, chế biến, giúp doanh nghiệp duy trì thị trường (như mặt hàng gạo, chè, cà phê); đẩy mạnh việc thu mua sơ chế điều, gỗ, hải sản của Mozambique.
Hiện nay, Mozambique đang nỗ lực hồi phục kinh tế. Dự kiến sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, với nỗ lực giải quyết ổn thỏa vấn đề an ninh trật tự, các dự án dầu khí trị giá trên 60 tỷ USD ở các tỉnh phía Bắc sẽ đi vào hoạt động từ 2024.
Mozambique đang là điểm đến đầu tư kinh doanh hấp dẫn, tạo những cơ hội mới cho doanh nghiệp các nước trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.
Việc Nhà nước ta tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về chính sách thể chế, sự quyết tâm và nguồn lực của doanh nghiệp và nỗ lực đồng hành hỗ trợ của Đại sứ quán ở sở tại là những yếu tố then chốt để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt những cơ hội mở rộng đầu tư kinh doanh, góp phần viết tiếp “những câu chuyện thần kỳ” của chúng ta ở châu Phi.
Xin cảm ơn Đại sứ!