Theo Sở Y tế Đắk Lắk, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 6.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có người mắc bệnh này.
Toàn tỉnh phát hiện 117 ổ dịch, trong đó có 18 ổ dịch lớn, có nguy cơ lây lan nhanh tại xã Dlê Yang, xã Ea Wy, thị trấn Ea D’răng (huyện Ea H’leo), các xã Tân Hòa, Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), các xã Ea Tuh, Hòa Thuận (thành phố Buôn Ma Thuột).
Bệnh nhân sốt xuất huyết được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. (Nguồn: TTXVN) |
Bác sỹ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk cho biết, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng lên từng ngày. Nguyên nhân chính khiến căn bệnh này tiếp tục lan rộng trên địa bàn là do Đắk Lắk đang bước vào những tháng cao điểm của mùa mưa.
Bên cạnh đó, người dân còn chủ quan, lơ là, chưa tích cực triển khai các biện pháp diệt lăng quăng, vệ sinh nơi ở, một số nơi chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đến công tác phòng chống.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã chủ động khoanh vùng, phun hóa chất diệt muỗi tại tất cả các ổ dịch. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã cấp thêm cho Đắk Lắk 5.000 lít hóa chất, trang thiết bị (1 máy phun).
Đắk Lắk cũng thành lập 3.000 đội xung kích, phối hợp với cán bộ y tế các địa phương tuyên truyền cho người dân triển khai các biện pháp phòng chống tại các thôn, buôn.
Ngành Y tế tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết như ngủ bỏ màn, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước, thu gom chai lọ, phế phẩm nhựa, lốp xe…; các trường học cần hướng dẫn cho học sinh cách phòng chống sốt xuất huyết. Khi người dân có biểu hiện sốt, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.