TIN LIÊN QUAN | |
Dù còn bất đồng về Kashmir, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán biên giới | |
Ấn Độ - Trung Quốc chuẩn bị tổ chức vòng đàm phán tiếp theo về biên giới |
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval hội đàm nhân đàm phán biên giới lần thứ 22 ngày 21/12 vừa qua. (Nguồn: IANS) |
Thông cáo báo chí ngắn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ vẫn nhắc lại nội dung gần như tương tự vòng đàm phán lần trước tại Trung Quốc tháng 1/2018, như hai bên bày tỏ quyết tâm gia tăng nỗ lực để đạt được một giải pháp công bằng, hợp lý và cùng chấp nhận được; duy trì hòa bình và yên tĩnh trên khu vực biên giới và cùng nhau tìm kiếm thêm các biện pháp xây dựng lòng tin. Hai bên cũng nhắc lại sư cần thiết của việc mỗi bên tôn trọng những vấn đề nhạy cảm và mối quan tâm của nhau.
Theo Tân hoa xã, Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã đưa ra định hướng chiến lược và tầm nhìn để phát triển quan hệ, giải quyết tranh chấp biên giới. Hai bên đang tích cực xây dựng lộ trình đàm phán đi tới giải pháp cuối cùng, đồng thời tăng cường tham vấn để đạt được kết quả sớm trong một số vấn đề. Tân hoa xã nhắc lại rằng Trung Quốc muốn cùng Ấn Độ giải quyết tranh chấp biên giới trong thời gian tới thông qua đối thoại và đàm phán.
Vấn đề phức tạp và dai dẳng
Tranh chấp biên giới là vấn đề dai dẳng trong quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc. Với đường biên giới dài tới 3.488 km, tính theo Đường Kiểm soát thực tế (LAC), hiện hai bên còn nhiều điểm tranh chấp, trong đó có 2 khu vực lớn nhất là Aksai Chin rộng 38.000 km2 ở phía Tây và Arunachal Pradesh rộng 90.000 km2 ở phía Đông.
Tình trạng tranh chấp đã dẫn đến xung đột biên giới quy mô lớn năm 1962 và nhiều cuộc đối đầu khác trên biên giới giữa hai nước tại Chumur (2013) và Doklam (2017). Theo báo cáo của Chính phủ Ấn Độ, trong 2 năm 2016–2018, có tới 1.025 vụ xâm nhập biên giới của quân đội Trung Quốc vào lãnh thổ Ấn Độ.
Cơ chế Đại diện đặc biệt đàm phán giải quyết biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc được bắt đầu từ năm 2003. Năm 2005, hai bên thống nhất được một bản tham số chính trị để giải quyết tranh chấp biên giới, nhưng đến nay đàm phán không có thêm tiến triển, ngay cả việc trao đổi bản đồ xác đinh đòi hỏi lãnh thổ của nhau cũng chưa thực hiện được.
Năm 2012, hai bên thiết lập cơ chế Nhóm làm việc tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới, đã họp được 24 phiên nhưng vẫn chưa đem lại kết quả, ngoại trừ một số biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai bên trên biên giới.
| Đàm phán biên giới Ấn – Trung: Nơi ấy bắt đầu Kể từ cuộc đàm phán biên giới chính thức lần đầu tiên vào năm 1960, tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ ... |
Phụ thuộc quyết tâm chính trị
Trong bối cảnh hiện nay, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không thể dùng vũ lực để giành lại lãnh thổ nên đàm phán là cách tốt nhất. Nếu vấn đề được giải quyết, Ấn Độ sẽ bớt lo về an ninh và bớt phải dựa vào quan hệ với Mỹ; Trung Quốc cũng có lợi về mặt chiến lược.
Trên thực tế, phương án hai bên chấp nhận nguyên trạng, ai ở đâu ở đó từng được đề cập: Ấn Độ chấp nhận để khu vực Aksai Chin thuộc Trung Quốc, còn Trung Quốc chấp nhận khu vực Arunachal Pradesh thuộc Ấn Độ.
Đối với Bắc Kinh, Aksai Chin quan trọng về mặt an ninh và chiến lược vì có con đường từ Tây Tạng qua Tân Cương. Đối với New Delhi, đây là khu vực không có người ở và Ấn Độ không kiểm soát đã mấy chục năm nay.
Trong khi đó, Arunachal Pradesh có 1,2 triệu dân Ấn Độ đang sinh sống và là vùng đệm sống còn với vùng Đông Bắc của Ấn Độ. Trung Quốc từng phải rút lui khỏi khu vực này sau xung đột năm 1962, do biết khó giữ được khu vực này từ phía bên kia Himalaya. Năm 1959, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã đề xuất trao đổi hai vùng này. Phía Ấn Độ cũng từng không chính thức đề cập giải pháp này.
Giải quyết vấn đề biên giới phụ thuộc lớn vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước. (Nguồn: Quartz) |
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng giải quyết vấn đề biên giới phụ thuộc lớn vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước. Đây là điều không dễ dàng, do chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước đều rất mạnh, khó tranh thủ đồng thuận nội bộ để từ bỏ chủ quyền.
Năm 1962, Quốc hội Ấn Độ đã ra nghị quyết phải lấy lại phần lãnh thổ bị Trung Quốc chiếm bất hợp pháp. Mới đây, ngày 5/8, chính phủ Ấn Độ đã quyết định hủy bỏ điều 370 trong Hiến pháp và thành lập hai vùng lãnh thổ trực thuộc Trung ương là Jammu và Kashmir và Ladakh (bao gồm cả khu vực Aksai Chin). Trung Quốc lập tức phản đối, cho là hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc và đề nghị đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hơn nữa, kể từ khi lên cầm quyền, Chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình luôn giữ lập trường cứng rắn trong vấn đề biên giới lãnh thổ và tuyên bố không chấp nhận từ bỏ một tấc đất. Ngoài khu vực Aksai Chin chiếm của Ấn Độ năm 1962, Trung Quốc luôn giữ quan điểm Arunachal Pradesh thuộc chủ quyền của Trung Quốc do vùng này thuộc Nam Tây Tạng, bị Anh sát nhập mà không có sự đồng ý của Trung Quốc. Trung Quốc còn cho in bản đồ và hộ chiếu của công dân Trung Quốc có cả 2 khu vực.
Các nhà phân tích cho rằng vấn đề biên giới Ấn Độ – Trung Quốc còn khó giải quyết chừng nào Trung Quốc còn theo đuổi chính sách lãnh thổ truyền thống của mình.
| Không ngại Trung Quốc, Ấn Độ xua đuổi tàu nghiên cứu Shi Yan 1 khỏi EEZ TGVN. Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Karambir Singh ngày 3/12 cho biết một tàu nghiên cứu của Trung Quốc mới đây đã ... |
| 10 điểm không thể bỏ qua về Thượng đỉnh Ấn Độ - Trung Quốc TGVN. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang gặp nhau tại thành phố Mamallapuram, bang Tamil Nadu, bắt ... |
| Vòng đàm phán biên giới lần thứ 18 giữa Trung Quốc và Ấn Độ Theo đó, Trung Quốc và Ấn Độ thống nhất nỗ lực kiểm soát và xử lý hòa bình tranh chấp ở khu vực biên giới, ... |