Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Âu (ngày 17/10), nhằm đánh dấu những tiến bộ trong thỏa thuận Brexit, dường như hai bên vẫn không đạt được thêm thỏa thuận nào. Giới quan sát và truyền thông châu Âu cho rằng, khả năng đạt được thỏa thuận Brexit ngay trong Thượng đỉnh lần này cũng không nhiều, chỉ hy vọng, phía Anh có thể đưa ra một bước tiến mới để châu Âu chấp nhận tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh khác vào tháng 11.
Điểm mấu chốt vẫn là vấn đề gai góc về một giải pháp với Bắc Ireland, một lãnh thổ thuộc Anh, nhưng lại có sự gắn liền về mặt địa lý và lịch sử với Cộng hòa Ireland, một thành viên EU. EU muốn Anh đồng ý một “lằn ranh" để đảm bảo một biên giới mở giữa Bắc Ireland sẽ nằm ngoài EU và Cộng hoà Ireland, sẽ vẫn là một nước thành viên EU.
Tiến trình Brexit xem ra đang gặp những trở ngại vô cùng lớn, khi cả Anh và EU đều không ai chịu nhường ai. (Nguồn: lamexpat) |
Vương quốc Anh đã rất không hài lòng với đề nghị này của EU, rằng Bắc Ireland vẫn gắn chặt chẽ với các quy định của châu Âu về hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả thủ tục hải quan, sau khi Anh rời khỏi khối. Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, điều này sẽ tách Anh ra thành các khu hải quan khác nhau, đây là một động cơ chính trị. Nhưng đề xuất của bà, rằng toàn bộ Vương quốc Anh vẫn nằm trong liên minh thuế quan của EU trên cơ sở có thời hạn, bị Brussels từ chối.
Đến thời điểm này, như đa số giới phân tích chính trị ở châu Âu nhận định, việc có đạt được thỏa thuận Brexit hay không chủ yếu là nằm ở cuộc đấu tranh nội bộ trên chính trường Anh, tức là liệu bà Therese May có tập hợp được sự ủng hộ rộng rãi của chính giới Anh, của nội bộ đảng Bảo thủ Anh, để duy trì đến cùng chiến lược Brexit của Anh hay không. Tuy nhiên, đây là vấn đề vô cùng khó khăn.
Ngày 16/10, người phát ngôn của Chính phủ Anh đã tuyên bố, nước này sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ một thỏa thuận nào tạo ra nguy cơ chia cắt Vương quốc Anh, bởi một sự kiểm soát hải quan lâu dài, vì nó có thể là cái bẫy "biến cái tạm thời thành vĩnh viễn.
Về phía EU, trong vấn đề Brexit, 27 nước của khối này ngay từ đầu đã thể hiện một sự đoàn kết hiếm có và chiến lược đàm phán của khối này, cho đến nay được xem là thành công hơn Anh. Vì thế, không có lí do gì châu Âu phải thay đổi chiến lược, nhất là trong thời điểm này khi nhiều chính phủ cầm quyền tại các nước chủ chốt của EU là Đức, Pháp hay Italy đều đang suy yếu và cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 5/2019 đang đến rất gần, với sự nổi lên đầy nguy cơ của các đảng cực hữu và dân túy.