📞

Đan Mạch: Đất nước 'bé hạt tiêu'

Hữu Ngọc 09:00 | 01/10/2023
Nước Đan Mạch ở tít phương trời Bắc Âu có thể được gọi là đất nước kỳ diệu hoặc đất nước “nhỏ mà to lớn”. Nói theo kiểu Việt Nam, có nghĩa là đất nước “bé hạt tiêu”.
Đất nước Đan Mạch. (Nguồn: remax.eu)

Chúng ta hiểu bé hạt tiêu là: bé nhỏ, nhưng tinh khôn, già dặn, khiến người khác kính nể. Mặc dù đất hẹp, Đan Mạch có phong cảnh và môi trường đa dạng. Ở phía Tây, thiên nhiên còn vẻ hoang dã, phía Đông là đất trồng trọt và đồi thoai thoải. Bờ biển dài khoảng 7.400 km, gấp đôi Việt Nam và không nơi nào cách biển quá 52km.

Nằm ở Bắc Âu, trên bán đảo Scandinavia, Vương quốc Đan Mạch có vị trí đặc biệt quan trọng, nối Scandinavia với châu Âu đại lục, nối biển Baltic với Đại Tây Dương. Chính vị trí địa lý trọng yếu này đã giúp Đan Mạch có một nền văn hóa - chính trị - kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.

Hơn thế, Đan Mạch là vương quốc có lịch sử phát triển lâu dài (bắt đầu từ 8.000 năm trước Công nguyên), khí hậu ôn hòa, thiên nhiên tươi đẹp. Một vương quốc sản sinh ra những con người nổi tiếng khắp thế giới như Hans Christian Andersen, tác giả những chuyện cổ tích thần tiên (Cô bé bán diêm, Vịt con xấu xí, Nàng tiên cá...); Ole Kirk Christianse, người sáng tạo bộ xếp hình thông minh Lego và Soren Kierkegard, cha đẻ của chủ nghĩa hiện sinh.

Người dân Đan Mạch ngày nay tự hào sống trong một đất nước có một chế độ phúc lợi xã hội tốt nhất thế giới. Mọi người dân đều chú trọng văn hóa và môi trường. Nhà nước phúc lợi bảo đảm một đời sống cao, chú trọng đến phân phối thu nhập cho mọi công dân, kể cả nhà ở, việc làm, giáo dục chăm sóc trẻ em, người già.

Trên bản đồ thế giới, Đan Mạch trông như một búp lá, một hạt lúa và những củ khoai nhỏ, hạt đậu. Diện tích Đan Mạch chỉ bằng 1/11 Việt Nam và dân số thuộc loại quốc gia ít người nhất. Vốn là nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, Đan Mạch nay lại trở thành một nước công – nông nghiệp phồn thịnh.

Sự gắn bó của Đan Mạch với nền văn hóa Bắc Âu có thể coi là một đặc điểm của văn học Đan Mạch, tuy nhiên, Đan Mạch lại là quốc gia có “tính cách lục địa” nhất so với Na Uy, Iceland, Thụy Điển và Phần Lan, du nhập dễ dàng những trào lưu văn học châu Âu, là cửa sổ Tây Âu.

Tính cách Bắc Âu trong văn học Đan Mạch được phản ánh qua một số sắc thái như: tâm tính và khí hậu, đạo tin lành Luther và phong trào giải phóng phụ nữ. Theo nhà phê bình văn học Đan Mạch Torben Brostrom, ba nguồn cảm hứng văn học Đan Mạch được đại diện bởi thủy thủ, thợ thủ công và nông dân. Người đi biển phát triển đầu óc tưởng tượng, thợ thủ công phát triển tư duy tư biện (Spéculation) và nông dân có ý thức thực tế.

Về tâm tính và khí hậu, có một sự khác nhau giữa văn học Latinh ở các nước Địa Trung Hải miền Nam châu Âu, có ánh nắng ấm áp và văn học Bắc Âu, đất lạnh lẽo, người thưa, dễ cảm thấy cô đơn, có ảnh hưởng đại dương, nhưng cũng có những mùa Đông khắc nghiệt.

Theo Martin Saymour Smith, “văn học Đan Mạch cũng như vùng Bắc Âu do khí hậu nên “thường được đặc trưng bởi tinh thần khắc kỷ, tính nghiêm túc, u sầu, bi đát”, “ý thức hiện sinh” về số phận con người, ý nghĩa cuộc sống và cái chết băn khoăn siêu hình”.

Đạo tin lành Luther bắt rễ sâu ở tất cả các nước Bắc Âu, có ảnh hưởng đến tâm tính, đặc biệt về khuynh hướng nội quan. Mặc dù “thế tục hóa” khá mạnh ở các nước Bắc Âu, kể cả Đan Mạch, đạo tin lành Luther để lại nhiều tác động đến văn hóa.

Phong trào giải phóng phụ nữ đặc biệt rầm rộ ở Bắc Âu (theo Régis Boyer) để lại dấu ấn trong văn học Đan Mạch. Đến nay, phụ nữ Đan Mạch đã hoàn toàn giải phóng, nam nữ bình quyền, nữ làm được mọi thứ nam giới làm, bình đẳng về lương, khi sinh con bố mẹ chia nhau nghỉ một năm, nếu con dưới 9 tuổi, nam cũng phải trông con và làm bếp. Nhưng nỗi băn khoăn của phụ nữ sau khi được giải phóng, là tìm ra một con đường phát triển phù hợp chứ không phải rập khuôn nam.

Quá trình phát triển của văn học Đan Mạch có thể chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn hình thành và trưởng thành (từ thế kỷ thứ VIII đến đầu thế kỷ XIX) là thời kỳ các nền văn học Bắc Âu hình thành với những yếu tố riêng biệt trở thành truyền thống; trong giao lưu văn hóa với nước ngoài thì tiếp thu là chính và đóng góp quốc tế ít.

Giai đoạn hiện đại (từ ba thập kỷ cuối thế kỷ XIX đến nay) có nhiều sáng tác đóng góp quan trọng vào văn học châu Âu, trở thành những trung tâm chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên ở châu Âu. Theo Sven H.Rossen, Giáo sư văn học Bắc Âu và văn học so sánh, giai đoạn này diễn ra vào thập niên 70 của thế kỷ XIX ở Đan Mạch và Na Uy; vào thập niên 80 ở Thụy Điển và Phần Lan. G. Brandes, nhà phê bình văn học Đan Mạch, mở đột phá khẩu, đưa văn học châu Âu vào Đan Mạch và cả Bắc Âu qua những bài giảng của ông ở đại học. Ông có ảnh hưởng đến các nhà văn Bắc Âu khác và chịu ảnh hưởng của họ (như nhà văn và nhà viết kịch Thụy Điển Strinberg, nhà viết kịch Na Uy Ibsen).

Giá trị văn học hiện đại Đan Mạch và Bắc Âu nói chung được công nhận, dịch sang nhiều thứ tiếng ở châu Âu. Đan Mạch được hai giải thưởng Nobel Văn học: năm 1917 (giải chung cho H. Pontoppidan vì “đã miêu tả đúng cuộc sống ngày nay ở Đan Mạch” và K.A. Gjellerup vì “thi phẩm đa dạng và phong phú bắt nguồn cảm xúc từ những lý tưởng cao cả”) và năm 1944 (Johannes V. Jensen vì “sức mạnh và sự phong phú hiếm có của óc tưởng tượng thi ca”).