Trong giao tiếp, phụ nữ có "đặc quyền" so với nam giới, vì vậy, đừng sợ "nịnh đầm". |
Khi Công chúa Hoàng gia Anh Anne Elizabeth Alice Louise có chuyến thăm Việt Nam, một người theo dõi đã chú ý đến tình tiết thoáng qua trên màn hình nhỏ, khi Công chúa Anne Elizabeth Alice Louise đeo găng tay đen bắt tay. Cái bắt tay đúng kiểu của một cành vàng lá ngọc thuộc một trong những cung đình lâu đời nhất còn tới ngày nay, gợi lại cho tôi kỷ niệm về những bài học giao tiếp liên quan đến quý bà quý cô.
Tận mắt tôi đã chứng kiến khi một vị Đại sứ người vùng Trung Đông hôn tay rất đúng phép một Phu nhân Đại sứ nước ta thì bà rụt tay lại. Ngay khi đó, ông ta mỉm cười và… nhún vai. Đó là vào năm 1976, trong một cuộc chiêu đãi lớn của Sứ quán ta mừng đất nước thống nhất. Nhiều năm, tôi vẫn ngẫm nghĩ về tình huống hôm đó.
Tôi sinh ra từ những luống cày, đi từ một đất nước chiến tranh, thiếu thốn vào một thế giới của những quy tắc, lễ nghi xác lập lâu đời. Những điều khá phiền phức này nhiều khi không đến nỗi “chết người” nếu so với những mối bận tâm thường nhật. Nước mình thời phong kiến trọng nam, khinh nữ; có trọng nữ thì cũng theo cách với “hiền thê”, “ái thiếp”, chứ làm gì học các phép lịch sự xã giao với phụ nữ.
Đôi điều tôi biết được cũng nhờ lượm lặt qua các tài liệu hướng dẫn về lễ tân và xã giao, nhưng cũng nhờ đã trả giá bằng sự vô thức của chính mình, qua sự tương phản, giao lưu văn hóa mà mình ít nhiều trải qua.
Trường học xã giao đầu tiên của tôi là những dịp tiếp xúc với một bà giáo người Pháp luyện tiếng cho mấy anh em trong khóa học quan hệ quốc tế ở Budpest do Bộ Ngoại giao Hungary tổ chức.
Bà rất quý mấy anh em Việt Nam chúng tôi, nhiều khi đối xử rất gia đình. Khi dạy tiếng, bà truyền đạt văn hóa của đất nước bà. Bà thường hút thuốc nhưng thỉnh thoảng không mang hộp quẹt. Với điếu thuốc trên môi, bà vờ lục tìm hộp quẹt. Hôm đầu chúng tôi không đánh lửa châm thuốc cho bà, liền bị bà “mắng mỏ” một thôi một hồi là “không biết lịch sự với phụ nữ”.
Có lần, bà làm ra bộ uể oải, nói bâng quơ: “Chà, hôm qua mất ngủ quá, giá có tách trà cà phê thì tốt”. Chúng tôi không ai phản ứng gì cả, lại được bà cho một bài về ý tứ: “Khi người phụ nữ đã nói muốn uống cà phê thì các anh phải biết ý mà đi tìm cà phê chứ”. Bà ngồi xa-lông khép chân hoặc chéo chân ý tứ thực không thể chê vào đâu được.
Sau này, được học tiếng với một bà giáo Nga ở Moscow suốt 4 năm, tôi lại tiếp xúc với văn hóa Nga – Xô Viết. Người Nga mạnh mẽ, nhưng cũng rất tinh tế. Bà ăn mặc, trang điểm hợp lý và rất hài lòng mỗi lần chúng tôi biết “tán dương” một kiểu áo mới trong bộ sưu tập mốt của bà. Theo bà, đàn ông lịch sự phải biết tán dương phụ nữ đúng cách và đúng lúc.
Trong giao tiếp, phụ nữ có “đặc quyền” so với nam giới. Trong khi nam giới phải tháo găng để bắt tay nhau, thì phụ nữ có thể đeo găng, đội mũ. Trong chỗ đông người, nam giới phải chủ động chào phụ nữ. Nếu đang ngồi, để bắt tay một người phụ nữ đang đứng, ta phải đứng dậy. Khi bắt tay phụ nữ, không nên nắm chặt tay quá. Có những dân tộc phụ nữ không bắt tay, chỉ chắp tay trước ngực. Trong trường hợp đó, ta không chủ động bắt tay. Còn hôn xã giao phụ nữ lại càng phải cẩn trọng.
Người đàn ông theo nghĩa “gentleman” (chữ này dịch ra tiếng ta khá là không đơn giản: quý ông, người đàn ông lịch sự) phải biết chăm sóc phụ nữ - các quý bà “lady” và cả các quý cô nữa, mà không sợ bị phê là “nịnh đầm”. Có thể là: Đỡ áo khoác ngoài cho phụ nữ khi cởi; nhường phụ nữ đi trước khi ra vào phòng; lên cầu thang nhường phụ nữ đi về phía có tay vịn; giúp đỡ phụ nữ khi lên xe, xuống tàu (đỡ tay, mở cửa xe…).
Phụ nữ sinh ra là để được chiều chuộng, dù ngay liền đó có thể ta sẽ phải đấu trí với những bộ óc sắc sảo, nhiều khi cứng rắn của họ trong thương lượng như những đối tác ngang tài ngang sức trên thương trường, nghị trường hay chính trường…
Về phía mình, các bà, các cô cũng cần chú ý những quy tắc xã giao này, để tạo nên sự hòa hợp trong giao tiếp.