📞

Đan Phượng ‘chuyển mình’ vượt bậc sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội

Xuân Hùng 11:06 | 15/08/2023
Huyện Đan Phượng đã phát triển vượt bậc, từng bước hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu trở thành quận của Thủ đô đến năm 2025.
Một góc huyện Đan Phượng nhìn từ trên cao. (Nguồn: Kinh tế Đô thị)

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, diện mạo đô thị huyện Đan Phượng đã có những bước phát triển vượt bậc.

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Huyện ủy đã vận dụng sáng tạo những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Trung ương và Thành phố vào điều kiện thực tiễn của huyện nhằm tạo bước đột phá, trong đó tập trung vào phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp hàng hóa.

Trong 15 năm qua, kinh tế của huyện phát triển đồng bộ cả về quy mô và chất lượng, giữ vững nhịp độ tăng trưởng khá, tỷ lệ tăng trường kinh tế giai đoạn 2008-2010 đạt 13,72%, giai đoạn 2011-2015 đạt 10,26%, giai đoạn 2016-2020 đạt 9,63%; một số mặt tăng trưởng vững chắc, sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú, bước đầu xây dựng được thương hiệu cho một số sản phẩm nông sản.

Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 10,5 triệu đồng/người/năm, năm 2010 đạt 13,8 triệu đồng/người/năm, năm 2015 đạt 29,1 triệu đồng/người/năm; năm 2020 đạt 61,2 triệu đồng/người/năm, năm 2022 đạt 73 triệu đồng/người/năm. Huy động tối đa các nguồn lực tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật có hiệu quả, từng bước hiện đại.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2008 - 2010 là 14,9%, giai đoạn 2011 - 2015 là 8,21%, giai đoạn 2016 - 2020 là 9,59%, năm 2022 là 12,31%. Huyện quan tâm đầu tư xây dựng các cụm điểm công nghiệp, làng nghề, tạo mặt bằng thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giai đoạn 2008 - 2015, trên địa bàn huyện hoàn thành xây dựng hạ tầng 5 điểm công nghiệp thu hút hơn 543 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất phát triển làng nghề Liên Hà, Liên Trung; hoàn thành và đưa vào hoạt động cụm công nghiệp Hồ Điền, xã Liên Trung; tích cực thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề xã Song Phượng, Hồng Hà, khởi công xây dựng mở rộng cụm công nghiệp Đan Phượng (giai đoạn 2) năm 2021…

Các cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn hoạt động ổn định đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động, tạo nguồn thu ngân sách lâu dài, bền vững.

Đối với sản xuất nông nghiệp, xác định thế mạnh ven đô, huyện Đan Phượng tập trung chuyển hướng sang nông nghiệp sinh thái, hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu ngành kinh tế đến năm 2022 giảm 11,86% so với năm 2008.

Tính đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 1.624,5ha/3.600ha đất nông nghiệp sang trồng hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao. Hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sản xuất hoa lan hồ điệp, nấm chất lượng cao, rau hữu cơ...

Kinh tế phát triển cũng tạo điều kiện cho huyện làm tốt công tác văn hóa, y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Tính đến năm 2022, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn đạt 92,2%, tăng 123% so với năm 2008. 119/120 làng, cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa (chiếm tỷ lệ 99,2%). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng lan tỏa trong đời sống Nhân dân, đạt kết quả tích cực.

Chất lượng giáo dục toàn diện của huyện ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, toàn huyện đã có 54/55 trường mầm non, tiểu học, THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 98,2%. Trong đó có 39/55 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt tỷ lệ 70,9%...

Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho huyện làm tốt công tác văn hóa, y tế, giáo dục và an sinh xã hội. (Nguồn: Kinh tế Đô thị)

Đan Phượng “thay áo mới”

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, tại Đan Phượng, nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên huyện rộng rãi chạy về khắp các xã, thị trấn. Những tuyến phố với cửa hàng, cửa hiệu mọc lên san sát, hoạt động sầm uất ngày đêm. Các cụm dân cư, tổ dân phố, thôn làng ngày càng khang trang với những ngôi nhà cao tầng, hệ thống cây xanh, vườn hoa được quy hoạch bài bản.

Đáng chú ý, sau hai năm về với Thủ đô, ngày 30/9/2010, cầu Phùng trên Quốc lộ 32 thuộc địa phận thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng được khánh thành nhân dịp chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Công trình có chiều dài 4km, trong đó cầu chính vượt sông Đáy dài 887m, rộng 18m với bốn làn xe chạy, tốc độ thiết kế 60km/giờ, đảm bảo chức năng là cây cầu lớn vượt sông Đáy đáp ứng nhu cầu giao thông trên Quốc lộ 32 - một trong những tuyến giao thông quan trọng nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Không chỉ vậy, cầu Phùng cũng mở ra nhiều cơ hội giao thương, phát triển kinh tế cho huyện Đan Phượng.

Giai đoạn 2010-2015, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng đã đầu tư xây dựng được 25,13km đường trục xã, liên xã; 22km đường trục thôn, 19km rãnh thoát nước theo đường, 136,7km đường ngõ, xóm; 80,6km đường trục chính nội đồng, 5,6km kênh mương.

Giai đoạn 2016-2020, huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như đầu tư xây dựng 15,92km đường trục xã; 65,64km đường trục thôn; 2,4km đường ngõ xóm; 22,1km đường nội đồng.

Đến năm 2023, 100% tuyến đường trên địa bàn huyện đã được bê tông hóa trở lên, nhiều tuyến đường tiếp tục được cải tạo, nâng cấp trái nhựa, đồng bộ hệ thống chiếu sáng, vỉa hè. Nhiều tuyến đường giao thông cấp huyện mặt cắt trên 16m đã được triển khai thực hiện, hoàn thành đưa vào sử dụng như tuyến đường Đan Phượng-Tân Hội, N1, N2, N4, NG, N12, N13, N14...

Các tuyến đường khung của huyện được đầu tư đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các tuyến đường xã kết nối hệ thống đường khung giúp việc đi lại sinh hoạt của người dân ngày càng thuận tiện.

Cùng với giao thông phát triển, Đan Phượng xuất hiện ngày càng nhiều các khu đô thị mới. Hiện nay trên địa bàn huyện có một số dự án đã đi vào hoạt động và đang được triển khai như khu đô thị mới Tân Tây Đô, khu đô thị mới Tân Lập, khu đô thị Hồng Thái, dự án The Phoenix Garden, khu đô thị Vinhomes Đan Phượng

Huyện đã tập trung đầu tư các công trình văn hóa cấp đô thị như: Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, thư viện huyện, nhà truyền thống huyện (tổng diện tích là 2,1ha); Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện (tổng diện tích 6,74ha); vườn hoa 19/5, vườn hoa công nhân viên chức lao động, vườn hoa, Công viên cây xanh... với tổng diện tích là 1,34ha.

Huyện Đan Phượng ngày càng xanh, sạch, đẹp. (Nguồn: Kinh tế Đô thị)

Phấn đấu trở thành quận vào năm 2025

Đến thời điểm hiện tại, bộ mặt các xã trên địa bàn Đan Phượng ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đây là một trong những nét nổi bật của nông thôn mới kiểu mẫu và là những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cán bộ, nhân dân huyện trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2015, huyện Đan Phượng có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 201-2015.

Bước sang giai đoạn 2016-2020, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó tập trung phát triển sản xuất, chỉnh trang môi trường, trồng hoa trên các tuyến đường, đặt tên đường, gắn biển số nhà, đầu tư hạ tầng. Đến hết năm 2020, huyện đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hiện huyện đã có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, là địa phương dẫn đầu của thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, được nhiều đoàn của các tỉnh, thành phố về thăm quan, học tập.

Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2023, huyện Đan Phượng phấn đấu hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu đối với 3 xã còn lại: Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2025, xây dựng và phát triển huyện Đan Phượng nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chí quận.

Dù đã “về đích” nông thôn mới, nhưng Đan Phượng không bằng lòng với kết quả đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới được lãnh đạo huyện tiếp tục quan tâm và quyết liệt tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huyện xác định xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển huyện thành quận, xã thành phường.

Giai đoạn 2021-2025, huyện xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, là tiền đề để phát triển huyện Đan Phượng trở thành quận vào năm 2025. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đan Phượng lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô gắn với các tiêu chí phát triển đô thị. Định hướng đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ phát triển thành quận của Thủ đô Hà Nội.

Được biết, định hướng phát triển của huyện thời gian tới là đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến; coi trọng phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa. Để đáp ứng yêu cầu phát triển xã thành phường, thương mại dịch vụ phải chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế.

Điều này đặt ra bài toán phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các xã gắn với tiêu chí tự cân đối thu chi ngân sách. Khi trở thành đô thị, việc quản lý, quản trị, công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đều khác với địa bàn nông thôn. Do đó, thời gian tới, đội ngũ cán bộ cơ sở cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bắt nhịp với những thay đổi để chuyên nghiệp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.