📞

Dấn thêm một bước để khẳng định thương hiệu Việt ở Anh

05:43 | 10/09/2016
Hàng hoá Việt Nam như “cô gái đẹp ở trong bóng tối”, nếu được ra ngoài sáng sẽ rất đắt hàng, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thuỷ - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh.

Bà Thuỷ chia sẻ quan điểm này tại Hội thảo “Quảng bá thương hiệu Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh". Bà đưa ra nhiều ví dụ về các sản phẩm của Việt Nam có chất lượng rất tốt, thậm chí hơn hẳn nhiều mặt hàng tương tự của các nước cùng khu vực được bán sang thị trường Anh nhưng lại không được người tiêu dùng biết đến. Đó là trường hợp của bếp nướng BBQ inox, tương ớt, nước mắm, gạo, gà, chè, cà phê…

Bà Nguyễn Thị Hồng Thuỷ - Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh. (Ảnh: Thành Châu)

Bà cho biết, rõ ràng, chất lượng inox cao và thành phần inox trong sản phẩm của Việt Nam nhiều hơn các sản phẩm cùng loại của nước khác như Trung Quốc, Thái Lan; tương ớt, nước mắm,…được bán trong các cửa hàng Phở của Việt Nam lại do Thái Lan làm. Gạo của Việt Nam ngon, rất nhiều chất dinh dưỡng, không kém bất cứ loại gạo nào trên thế giới nhưng nước ngoài chỉ biết đến và thường mua gạo của Thái... Thịt gà của Việt Nam cũng vậy, nhưng không hề được làm thương hiệu nên không được franchaise ra nước ngoài và cũng không thể xuất khẩu. Hay thậm chí, chè và cà phê của Việt Nam được nhập vào khá nhiều nhưng chỉ là hàng nguyên liệu thô, được nhập khẩu rồi dán nhãn, chế biến thành thương hiệu khác.

Dệt may và giày dép của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường rất tốt, nhưng cũng chưa chưa có tên tuổi nào nổi bật.

Bà Thuỷ đặt câu hỏi tại sao hàng hoá của Việt Nam ngon như vậy, chất lượng như vậy nhưng lại không quảng cáo, làm thương hiệu hoặc đánh mất nhãn hiệu vào tay nước ngoài và không được biết đến không chỉ ở nước Anh mà cả quốc tế.

Dư địa khai thác còn rất lớn

Theo số liệu mà Thương vụ Việt Nam đưa ra, Anh là một thị trường quan trọng của Việt Nam với 65 triệu dân, người dân thu nhập cao, sức mua lớn, lượng lưu học sinh và khách du lịch cũng lớn, cho thấy tiềm năng của thị trường và cơ hội cho Việt Nam khai thác còn rất nhiều.

Trong thương mại hàng hoá, Anh lại là nước nhập siêu bởi ngoại thương của Anh đã phát triển từ rất lâu và hiện nay chỉ tập trung vào các công đoạn giá trị cao nên hàng hoá lại thường phải nhập khẩu do giá trị gia tăng thấp hơn. Trong khi đó, kim ngạch thương mại song phương Anh – Việt đang trên đà phát triển tốt, nhưng mới chỉ chiếm 0,5% so với thương mại giữa Anh với thế giới.

Hội thảo “Quảng bá thương hiệu Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh” ngày 9/9 (Ảnh: Thành Châu)

Hiện nay, chỉ có rất ít thương hiệu Việt Nam có mặt tại thị trường này như Vietnam Airlines, bia Saigon, Buffalo tours, còn các hàng hoá khác hầu như được nhập vào nhưng không hề có tên tuổi. Điều cấp thiết là Việt Nam cần có thêm nhiều thương hiệu mạnh, thương hiệu quốc gia để không chỉ sản phẩm mà cả hình ảnh quốc gia của Việt Nam cũng được biết đến.

Đây là việc mà Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào làm ngay bây giờ bằng các chiến dịch làm thương hiệu, quảng bá bài bản và hấp dẫn, chứ chẳng phải lo lắng đến những vấn đề còn xa, như Brexit chẳng hạn.

Độ khó như nhau

Có thể nói, thương hiệu giống như Chứng minh thư của Doanh nghiệp, sẽ phụ thuộc nhiều vào nội lực và chiến lược của doanh nghiệp.

Hiện nay, có một sự thật là doanh nghiệp Việt Nam thực sự chưa quan tâm nhiều đến thị trường Anh, có thể do xa xôi, thủ tục visa khó, chi phí thuộc hàng đắt nhất thế giới, chúng ta bán và mua hàng xung quanh khu vực, thị trường châu Á, đang dễ và thành thói quen nên chưa quan tâm lắm đến thị trường này. Cũng có thể, doanh nghiệp chưa tìm hiểu đã cho rằng Anh là một thị trường đẳng cấp khác, đòi hỏi khắt khe nên thiếu tự tin khi muốn thâm nhập.

Tuy vậy, theo bà Thuỷ, độ khó của thị trường Anh cũng chỉ giống như các thị trường khác. Nét đặc trưng là người Anh là những người tiêu dùng tinh tế. Song, hiện nay, London đã trở thành một thành phố quốc tế, tập trung rất nhiều đại diện của các cơ quan, tập đoàn, thể chế,.. nước ngoài làm việc ở đây, rất nhiều người nhập cư, lao động nhập cư, … Kể cả khi đây là quốc gia có rất nhiều tỷ phú, người giàu trên thế giới đến để sinh sống thì cũng có những người nghèo đến để phục vụ cho nên cũng tồn tại song song các cửa hàng có thể phục vụ tất cả các đối tượng khác nhau. Người ăn 50.000 Bảng/bữa có, người sống 5 Bảng/tuần cũng có. Như vậy, quan trọng là quyết tâm thâm nhập thị trường của doanh nghiệp còn độ khó của các thị trường là như nhau, bà Thuỷ khẳng định.

Các đại biểu, doanh nghiệp và chuyên gia gặp gỡ trao đổi bên lề Hội thảo. (Ảnh: Thành Châu)

Thêm vào đó, thị trường Anh có đặc trưng là rất chung thuỷ, sức mua cũng rất lớn. Nếu đã được chấp nhận thì sản phẩm sẽ có chỗ đứng lâu bền.

Thậm chí, doanh nghiệp cũng phải tính đến trường hợp khi vào được rồi có thể đáp ứng được lượng hàng hoá hay không.

Ví dụ, siêu thị cho bày thử hàng hoá trong vòng 12 tuần. Tuần 1,2 không có ai mua, đột nhiên đến tuần thứ 3 hàng hoá rất được ưa chuộng. Tuần thứ 4 rất tốt, siêu thị đặt vấn đề là cung cấp hàng hoá cho 500 cửa hàng của siêu thị thì có đáp ứng được không? Nếu doanh nghiệp đủ lực để huy động được vốn và cung cấp đủ hàng hoá như vậy đã rất nhiều tiền rồi. Nhưng nếu có biến động, chẳng hạn như đột nhiên thị trường quay lưng lại với sản phẩm thì có đủ sức chống đỡ? Bà Thuỷ cảnh báo.

Mặc dù thế, Anh là một thị trường rất đáng đầu tư cần quan tâm, đặc biệt trong thời gian này, khi mà việc Anh có ra khỏi EU không còn chưa ngã ngũ. Người Anh đang quan tâm đến việc phải đi mở các thị trường song phương.

Vấn đề từ chính doanh nghiệp

“Đây thực sự là cơ hội. Việt Nam được Anh đánh giá là một trong 18 thị trường trọng điểm, đã được thị trường biết đến. Doanh nghiệp Việt Nam không nên lo sợ, cần dấn thêm một bước để nhân cơ hội này khẳng định mình”, bà Thuỷ nhấn mạnh.

Về phía nhà nước, bà Thuỷ cho rằng, khi doanh nghiệp có ý kiến, có yêu cầu thì Chính phủ sẽ hỗ trợ. Chẳng hạn như, khi doanh nghiệp Việt Nam thậm chí chưa đặt vấn đề muốn khuyếch trương ở thị trường Anh, thì Thương vụ Việt Nam đã đưa chuyên gia về Việt Nam, chẳng hạn như J. Walter Thompson hay M&Csatchi,…là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực làm thương hiệu.

Chuyên gia của M&CSatchi đến tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Thành Châu)

Thương vụ Việt Nam hoàn toàn có thể nhờ chuyên gia để tư vấn về thị trường cho doanh nghiệp trong những bước đầu tiên. Tiếp sau đó, khi cần các vấn đề như chi phí thì có thể huy động sự hỗ trợ từ các nguồn khác nhau như: từ nhà nước, Quỹ phát triển doanh nghiệp…

“Do vậy, vấn đề vẫn chính là từ phía Doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải kêu thì Nhà nước mới biết khó ở đâu để hỗ trợ”, bà Thuỷ kết luận.

(ghi)