Đảng Dân chủ và cá nhân bà Pelosi vốn rất ngần ngại chứ không hào hứng với việc tìm cách phế truất ông Trump. Minh họa của J.R Matson trên Political Cartoons. |
Trong thế giới ngạn ngữ vốn có câu "It is too good or too beautiful to be true", tạm dịch là "Điều ấy quá tốt hoặc quá đẹp nên không thể thật được". Việc phe cánh Đảng Dân chủ ở Mỹ tiếp tục theo đuổi ý muốn dùng quy trình trong nghị viện để phế truất tổng thống đương nhiệm Donald Trump hiện xem ra đúng với câu ấy.
Bước đi đầu tiên
Trước đấy là chuyện liên quan đến những cáo buộc rằng, ông Trump dựa cậy vào sự trợ giúp của Nga để đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. Bây giờ là chuyện ông Trump bị cáo buộc đã gây áp lực tới tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để tạo chuyện bê bối tai tiếng bất lợi cho một trong số những địch thủ chính trị đáng gờm nhất ở lần bầu cử tổng thống tới đây của nước Mỹ là cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi thuộc Đảng Dân chủ, cho biết, những uỷ ban liên quan của Hạ viện đã bắt đầu quá trình điều tra, thu thập chứng cứ và báo cáo khuyến nghị để Hạ viện quyết định có tiến hành phế truất ông Trump hay không. Đấy là những bước đi cần thiết đầu tiên của tiến trình quốc hội luận tội phế truất tổng thống đương nhiệm nhưng chỉ như thế không thôi thì hiện chưa đủ để có thể cho rằng, Hạ viện Mỹ rồi đây sẽ đồng ý tiến hành quy trình phế truất ông Trump và càng chưa thể đủ để chắc chắn là ông Trump sẽ bị phế truất.
Kết cục như thế nào phụ thuộc vào những diễn biến tiếp theo xác nhận hay bác bỏ các cáo buộc. Nếu sự thật là ông Trump đã lạm dụng quyền lực để nhờ cậy nước ngoài giúp mình loại bỏ đối thủ chính trị trong bầu cử ở Mỹ thì việc tiến hành quy trình phế truất tổng thống sẽ không còn có thể tránh khỏi. Nhưng nếu công việc điều tra và thu thập chứng cứ không đâu vào đâu thì rồi chuyện phế truất ông Trump sẽ nhanh chóng trở nên dang dở đối với Đảng Dân chủ - như trong vụ việc với các cáo buộc liên quan đến Nga.
Tại sao lại lúc này?
Cho tới nay, phía Đảng Dân chủ và cá nhân bà Pelosi vốn rất ngần ngại chứ không hào hứng với việc tìm cách phế truất ông Trump bởi chứng cứ quá ít ỏi và mập mờ cũng như bởi triển vọng phế truất thành công gần như không có khi phe Đảng Cộng hoà kiểm soát Thượng viện và phải có sự đồng tình của ít nhất hai phần ba trong tổng số 100 thành viên của Thượng viện thì tổng thống đương nhiệm mới bị phế truất. Bây giờ, bà Pelosi lại quyết định khác xem ra bởi 3 lý do chính.
Thứ nhất là đòi hỏi trong nội bộ Đảng Dân chủ về khởi động tiến trình phế truất ông Trump đã trở nên quá lớn mà nếu không được đáp ứng thì nội bộ đảng sẽ bị phân rẽ sâu sắc và nghiêm trọng hơn. Những người lãnh đạo đảng này buộc phải có động tác nào đấy để ứng phó. Những bước đi mà phe Đảng Dân chủ giờ quyết định làm mới chỉ là công đoạn ban đầu, chưa hẳn là sự khởi động chính thức và thực chất tiến trình phế truất tổng thống, nhưng lại tạm đủ để trang trải ổn thoả chuyện nội bộ của Đảng Dân chủ.
Thứ hai là mưu tính vớt vát những gì hiện còn có thể vớt vát được trong cuộc đấu tranh quyền lực của Đảng Dân chủ với Đảng Cộng hoà và cá nhân ông Trump. Trong mọi trường hợp có thể xảy ra, chuyện này ít nhiều cũng vẫn gây tổn hại về thể diện và uy tín đối với Đảng Cộng hoà và cá nhân ông Trump, như thế vẫn có lợi trong chừng mực nhất định đối với Đảng Dân chủ và các ứng cử viên tổng thống tiềm năng của Đảng Dân chủ. Dù kịch bản kết cục nào rồi đây xảy ra thì đảng này không được lợi nhiều thì cũng không ít trong khi ông Trump không bị tương vào đầu thì cũng bị táng vào tai.
Thứ ba là tận dụng vụ việc này để sàng lọc những ứng cử viên của đảng cho cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ năm tới. Cuộc điều tra và thu thập chứng cứ nhằm vào ông Trump nhưng đồng thời cũng còn có tác dụng minh oan cho ông Biden hay để biết chắc người này đã nhúng chàm và nội bộ đảng sẽ có quyết định chuẩn xác nhất về ủng hộ hay thôi ủng hộ ông Biden tiếp tục tranh cử tổng thống.
Triển vọng sẽ ra sao?
Riêng về phương diện triển vọng phế truất ông Trump thì quyết định mới nói trên của phe Đảng Dân chủ chỉ là sự vớt vát vô vọng bởi ba nguyên do chính sau đây.
Thứ nhất, xưa nay ở Mỹ chưa từng có chuyện tổng thống đương nhiệm bị phế truất. Richard Nixon đã từ chức để tránh bị phế truất. Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998 đều bị tiến hành quy trình phế truất nhưng trong Thượng viện không có đủ đa số cần thiết. Nền chính trị quyền lực ở nước Mỹ đâu có minh bạch và đơn giản đến mức tổng thống đương nhiệm có thể bị phế truất một cách lãng xẹt.
Thứ hai, Đảng Cộng hoà hiện không thể buông bỏ mà còn lệ thuộc vào ông Trump cho nên không thể hùa vào phe Đảng Dân chủ trong thượng viện để phế truất ông Trump.
Thứ ba, thời gian từ nay đến ngày bầu cử tổng thống tới ở Mỹ không phải ngắn cho cuộc vận động tranh cử, nhưng lại không dài đủ mức để chuyện phế truất tổng thống được thực hiện xong - với bất kỳ kết cục cuối cùng nào - trước ngày bầu cử và như thế tiềm ẩn nhiều rủi ro cho phe Đảng Dân chủ hơn là cho phía Đảng Cộng hoà trên phương diện triển vọng ông Trump tái đắc cử hay sẽ thất cử.
Dù có thế nào thì chuyện này vẫn làm cho cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ càng thêm quyết liệt và thêm bất chấp thủ đoạn.