📞

Dâng hương dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Xuân Thủy

Anh Sơn 17:15 | 31/08/2022
Ngày 31/8, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm anh linh đồng chí Xuân Thủy tại Nghĩa trang Mai Dịch, Cầu Giấy, TP Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Xuân Thủy (2/9/1912 - 2/9/2022).
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại lễ dâng hương dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tham dự lễ dâng hương có đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao; các đồng chí: Ngô Lê Văn, Phó Trưởng ban đối ngoại Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Đắc Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Sở Ngoại vụ TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao và đại diện gia đình, thân nhân, bạn bè gia đình đồng chí Xuân Thủy.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong suốt sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình, đồng chí Xuân Thủy được Trung ương Đảng và Bác Hồ tín nhiệm giao nhiều trọng trách trên mặt trận đối ngoại.

Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng để lại những dấu ấn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng.

Đồng chí Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 tại thôn Hòe Thị, tổng Phương Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, đồng chí giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Từ năm 1938 đến năm 1940, đồng chí bị địch bắt giam tại các nhà tù khét tiếng tàn ác như: Phúc Yên, Sơn La, Hỏa Lò, Bắc Mê.

Năm 29 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng. Năm 1944, đồng chí được giao phụ trách báo Cứu Quốc do Bác Hồ sáng lập và tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Bắc kỳ.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dâng hương ở tượng đài liệt sỹ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Cầu Giấy, TP Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Từ năm 1955, đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiếp tục là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng cho đến năm 1982.

Đồng chí liên tục là Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII và đã trải qua các chức vụ như: Trưởng đoàn đại biểu Việt Minh, Ủy viên Ủy ban thường trực Quốc hội khóa I, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa II và III, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc hội khóa IV, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước khóa VII.

Đồng chí từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Trưởng Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, Trưởng Ban cán sự Đảng ngoài nước.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, đồng chí là tấm gương tiêu biểu của đại đoàn kết dân tộc, vừa là người tham mưu, vừa là người triển khai đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc trong suốt thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không chỉ là một chiến sĩ cách mạng trung kiên, một chính khách tài ba, một nhà ngoại giao xuất sắc, đồng chí Xuân Thủy còn là một nhà báo, nhà thơ với nhiều tác phẩm có giá trị. Đồng chí viết báo từ những năm 30 của thế kỷ XX, trong thời gian bị cầm tù, suốt trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sau này trên cương vị người đứng đầu cơ quan tuyên truyền.

Với nhiều đóng góp quý báu, đồng chí Xuân Thủy đã trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam và là nhà báo Việt Nam đầu tiên được bầu vào Ban Chấp hành Tổ chức Nhà báo Quốc tế (OIJ). Không chỉ vậy, đồng chí còn là một trong những nhà thơ hàng đầu trong dòng thơ ca cách mạng vô sản thời kỳ trước cách mạng tháng Tám.

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến to lớn của đồng chí, Đảng và Nhà nước đã trao tặng, truy tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Đoàn dâng hương ở tượng đài liệt sỹ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Cầu Giấy, TP Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, trong thời gian đồng chí Xuân Thủy giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 1963 đến năm 1965 và sau đó là Trường đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Paris từ năm 1968 đến năm 1973, mặt trận ngoại giao đã thành công vang dội khi đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - ghi dấu mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Với cương vị Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong suốt quá trình đàm phán dài kỷ lục 4 năm 8 tháng 16 ngày, đồng chí Xuân Thủy luôn kiên định về nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt, khéo léo về sách lược, nhưng luôn giữ phong thái cởi mở, điềm đạm, khoan thai và vững vàng.

“Khi nói đến Xuân Thủy tại Hội nghị Paris, người ta không thể không nhắc đến “nụ cười Xuân Thủy - nụ cười chiến thắng”. Vì vậy, năm nay kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Xuân Thủy sẽ càng thêm ý nghĩa trước thêm nước ta kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris lịch sử”, Bộ trưởng nói.

Trong dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao, thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gửi lời tri ân đến anh linh đồng chí Xuân Thủy và những đóng góp của đồng chí đối với đất nước nói chung và ngành ngoại giao Việt Nam nói riêng. Bộ trưởng nhấn mạnh, “trí tuệ, nhân cách Xuân Thủy sẽ luôn là tấm gương sáng để các thế hệ sau học tập, noi theo”.

Thay mặt gia đình, ông Nguyễn Trọng Yêm - con trai thứ của đồng chí Xuân Thủy chân thành cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo các bộ ngành trung ương đã đến thắp hương, tưởng niệm đồng chí Xuân Thủy.