📞

Đằng sau việc Mexico ‘vượt mặt’ Trung Quốc trong xuất khẩu sang Mỹ

Minh Vương 17:15 | 24/02/2024
Số liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ cho thấy, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mexico cao hơn so với con số từ Trung Quốc, lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua. Liệu đây có phải là bước chuyển trong nền thương mại toàn cầu?
Sản xuất ô tô là lực đẩy quan trọng đằng sau khối lượng xuất khẩu của Mexico sang Mỹ. (Nguồn: Mexico Now)

Hai động lực lớn

Có hai động lực lớn cho sự thay đổi này.

Trước hết, các nhà sản xuất ô tô của Bắc Mỹ đã dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 và “cơn khát” chip kéo theo sau đó. Mexico hiện là nhà sản xuất ô tô lớn thứ bảy thế giới. Do đó, lượng xe ô tô Mỹ nhập khẩu từ Mexico đã tăng đáng kể. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc chưa bao giờ là một nhà cung cấp ô tô lớn với Mỹ.

Do đó, điều này không hẳn là đến từ nỗ lực tách khỏi Trung Quốc. Sản lượng ô tô của Mexico đã tăng trưởng ổn định kể từ khi nước này trở thành một phần của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cùng Mỹ và Canada năm 1994.

Thứ hai, hàng rào thuế quan do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt trong các giao dịch thương mại với Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng thống kê thấp hơn so với thực tế về các hàng hóa nhập khẩu từ cường quốc châu Á. Mức thuế trung bình hiện nay là 18%, tạo rào cản đáng kể buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải “tính đường vòng”. Một trong số đó là chuyển dịch khâu lắp ghép, hoàn thiện sản phẩm sang các nước khác. Các doanh nghiệp như Shein và Temu cũng tận dụng tối đa quy tắc “de minimis”, cho phép các hàng hóa trị giá nhỏ hơn 800 USD được nhập khẩu vào Mỹ mà không phải chịu thuế quan. Đồng thời, các hàng hóa này không được tính vào trong số liệu thương mại. Dữ liệu của Trung Quốc cũng chỉ ra rằng khối lượng giao dịch với Mỹ lớn hơn so với báo cáo của xứ cờ hoa.

Hàm ý với quan hệ Mỹ-Trung

Trong bối cảnh hiện nay, “ma sát” trong quan hệ thương mại trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn đó. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét lại thuế quan của người tiền nhiệm song thay đổi, nếu có, nhiều khả năng sẽ dẫn tới tăng thuế quan đối với các mặt hàng mang tính chiến lược (một số phương tiện truyền thông đã đề cập tới việc tăng thuế quan đối với xe điện).

Trong khi đó, ông Donald Trump, hiện là ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa, đang kêu gọi áp đặt thuế quan 60% với hàng hóa Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa rằng các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách né tránh khoản thuế này, thông qua tìm kiếm quốc gia khác cho quá trình lắp ghép, hoàn thiện sản phẩm.

Trong khi đó, “giảm rủi ro” thực sự, mục tiêu của chính quyền ông Joe Biden, cho rằng chỉ thuế quan và giảm khối lượng thương mại không là chưa đủ. iPhone sản xuất tại Ấn Độ vẫn sử dụng màn hình và bo mạch xuất xứ Trung Quốc. Tương tự là câu chuyện về các loại thuốc then chốt, với hoạt chất từ cường quốc châu Á.

Như những gì chính quyền ông Joe Biden đã thấy khi đánh giá lại chuỗi cung ứng hiện nay, “giảm rủi ro” thực sự đồng nghĩa với xây dựng phương án thay thế trong quá trình sản xuất các linh kiện then chốt của các mặt hàng mang tính chiến lược.

Thất thế hay vẫn thế?

Tuy nhiên, số liệu thương mại Mỹ-Mexico tăng không đồng nghĩa rằng vai trò của Trung Quốc với các đối tác kinh tế đang suy giảm. Thậm chí, vị thế toàn cầu của Bắc Kinh đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc có giảm do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm bớt, song xuất khẩu xe điện và hàng hóa “xanh” lại tiếp tục phi mã. Bản đánh giá về sự vươn mình của thương mại Trung Quốc sau lệnh áp thuế quan của chính quyền ông Donald Trump cho thấy xuất khẩu của cường quốc châu Á đã tăng 1.000 tỷ USD toàn cầu, thậm chí chiếm tỷ trọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với trước đó.

Chính phủ Trung Quốc đã cho thấy một số thay đổi trong mô hình giao dịch để tránh thuế quan. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của thế giới vào cường quốc châu Á như một nguồn cung ứng ổn định thì không, thậm chí chỉ ngày càng tăng trong thời gian tới. Về phần mình, Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, cũng sẽ dựa nhiều vào xuất khẩu hơn so với 5 năm trước.

Giữa lúc nền kinh tế trong nước đối mặt nhiều khó khăn, Trung Quốc vẫn duy trì được vị thế với các đối tác thương mại và mở rộng xuất khẩu. Ảnh: Công nhân sắp xếp hàng hóa để giao trong ngày Lễ Độc thân tại trung tâm vận chuyển ở Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Tác động tới Bắc Mỹ

Với Mexico, sự gia tăng gần đây trong khối lượng xuất khẩu không hẳn là việc nước này được lợi từ khó khăn của Trung Quốc. Thay vào đó, nó là minh chứng cho quá trình chuyển mình của công nghiệp ô tô Bắc Mỹ nói chung và Mexico, từ nước xuất khẩu dầu mỏ và năng lượng sang nhà xuất khẩu ô tô lớn nói riêng.

Phần lớn các nỗ lực né tránh, dịch chuyển về thương mại nhằm đối phó với thuế quan dưới thời ông Trump diễn ra ở Đông Nam Á, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), thay vì Mexico. Trên thực tế, hiện một số doanh nghiệp có tiếng của Trung Quốc, bao gồm một số nhà cung cấp bộ phận cho Tesla và vài nhà sản xuất ô tô khác, đã thiết lập một số chi nhánh ở Mexico để phục vụ thị trường Bắc Mỹ. Vài khoản đầu tư khác, một trong số đó đến từ công ty xe điện Trung Quốc BYD, đang được cân nhắc ở Mexico. Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn còn khiêm tốn.

Mặc dù vậy, việc Mexico là một phần của thị trường chung Bắc Mỹ và đối tác “thương mại tự do” với Mỹ đã tạo cơ hội để Mexico trở thành địa điểm phù hợp cho các doanh nghiệp sản xuất xe điện, theo Đạo luật giảm phát Mỹ. Các pin cho xe điện và sản phẩm “xanh” của nước này cũng đáp ứng tiêu chuẩn trên. Ngoài ra, khó khăn của hệ thống logistic toàn cầu càng khiến việc lợi ích của việc sản xuất tại Mexico, rút ngắn chuỗi cung ứng trở nên rõ ràng hơn, ngay cả khi nhiều mặt hàng trong số đó đã nằm trong diễn miễn thuế quan toàn cầu.

Do đó, không khó để thấy động lực khu vực tích cực trong tăng trưởng thương mại Mỹ-Mexico. Mexico đang nhập khẩu ngày càng nhiều năng lượng từ Mỹ, còn nước này trở thành trung tâm trong sản xuất các bộ phận ô tô và máy bay.

Quá trình hội nhập khu vực này có thể nhận được phần nào lực đẩy nếu Mỹ rút lại quy chế “tối huệ quốc” với Trung Quốc, kịch bản được ông Trump đề cập cùng với mức thuế quan 60%. Việc né tránh thuế quan là không quá phức tạp. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy Đông Nam Á và Ấn Độ, thay vì Mexico, sẽ có lợi từ thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa tiêu dùng và đồ điện từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc động lực khu vực này có được duy trì hay không vẫn còn khó có thể khẳng định. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từng đàm phán lại NAFTA, qua đó khiến Mexico “dễ thở” hơn trong các vấn đề cạnh tranh thương mại.

Song hiện Washington đang có thâm hụt thương mại ngày càng tăng với láng giềng này. Hiện chưa rõ liệu Mexico và Ottawa có thể nằm ngoài danh sách thuế quan chung 10% chiến dịch tranh cử của ông Trump từng hứa hẹn với truyền thông hay không. Câu chuyện công bố chính sách thương mại qua Twitter sẽ trở lại nếu chính trị gia này đắc cử và khi đó, Mexico chắc hẳn sẽ được “xướng tên”.