Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Tiến Vân. (Ảnh: Thu Trang) |
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Tiến Vân chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam ấn tượng về chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính và những nét nổi bật trong quan hệ song phương của mối quan hệ hình mẫu trong hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều hoạt động như gặp gỡ các Lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc và chứng kiến ký kết nhiều biên bản hợp tác song phương. Xin Đại sứ đánh giá những kết quả nổi bật của chuyến thăm?
Có thể khẳng định rằng, chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt quan trọng đối với quan hệ song phương. Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Hàn Quốc sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đồng thời, đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hàn Quốc với cương vị người đứng đầu Chính phủ.
Ý nghĩa to lớn của sự kiện này còn nằm ở chỗ, đây không chỉ chuyến thăm chính thức, mà còn là một chuyến công tác nhằm thực hiện, triển khai những thỏa thuận cấp cao về Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Trước nay đã có rất nhiều chuyến thăm Hàn Quốc của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, tuy nhiên tôi cho rằng chuyến đi này là dấu ấn lớn trong quan hệ song phương. Điều này thể hiện qua chương trình hoạt động của chuyến thăm hết sức phong phú và tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi của quan hệ song phương. Đáng chú ý, nhiều thỏa thuận giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước đã được ký kết. Qua đó, chuyến thăm đã mở ra một chương hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời kỳ mới.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đầy biến động, hai nước đang đứng trước những cơ hội và những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vào thời điểm vừa qua dấu mốc 30 năm quan hệ, đây là lúc Việt Nam và Hàn Quốc cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên tất cả các lĩnh vực. Có thể nói, chuyến đi đã đánh dấu và mở đường để mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc hướng tới những thành tựu mới trong tương lai.
Tôi rất vui mừng khi chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đạt được kết quả thực chất, sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Nhân dịp này, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc đã được tổ chức ngày 1/7. Trước đó trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm ngoái, tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol có đoàn 205 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc. Những tín hiệu này nói lên điều gì, thưa Đại sứ?
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng nhất để quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Trong mọi chuyến thăm song phương cấp cao, nội dung trao đổi, hội đàm về kinh tế luôn được quan tâm nhất và kết quả của các chuyến thăm trên lĩnh vực kinh tế cũng luôn nổi bật nhất.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm ngoái, tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol là một đoàn doanh nghiệp hùng hậu hơn 200 lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mà Tổng thống Hàn Quốc tới thăm mang theo một đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu như thế, tạo cơ hội cho hai bên gặp gỡ, trao đổi thực chất.
Tới chuyến thăm này của Thủ tướng Việt Nam, những nội dung, hợp tác mà hai bên đã bàn bạc thời gian trước đã được hiện thực hóa, cụ thể hóa. Điều này thể hiện trong chương trình chuyến thăm với các nội dung hết sức phong phú và sâu rộng trên lĩnh vực kinh tế trong hội đàm giữ hai Thủ tướng, trong buổi tiếp của Tổng thống Hàn Quốc, trong các cuộc gặp gỡ lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc và trong các diễn đàn kinh tế, lao động du lịch....
Đặc biệt, tôi cho rằng việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc (CJ, Posco, LG, Daewoo E&C, GS Engineering & Construction Corp, Celltrion và ngân hàng KDB) là rất có ý nghĩa. Bởi đây đều là những tập đoàn lớn, chiếm khối lượng đầu tư đáng kể vào Việt Nam.
Việc Thủ tướng gặp gỡ các tập đoàn và việc các tập đoàn tìm đến gặp Thủ tướng để trao đổi và có những cam kết cụ thể về việc sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nói lên hai điều. Thứ nhất, thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư thế giới nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng. Thứ hai, các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn tiếp tục quan tâm và thể hiện mong muốn đầu tư những dự án lớn hơn nữa vào Việt Nam.
Trong các cuộc thảo luận về quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc sau ba thập kỷ qua, một vài ý kiến hoài nghi rằng phải chăng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam đã đến ngưỡng rồi, bão hòa rồi. Tuy nhiên, chuyến đi này là minh chứng rõ ràng rằng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, hướng tới những kỳ tích mới trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lee Jae Yong, Chủ tịch tập đoàn Samsung tại Seoul, ngày 2/7. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Quan hệ giữa hai nước được duy trì hết sức tốt đẹp trong 30 năm qua và tiếp tục có những bước phát triển mới, chắc hẳn Đại sứ có rất nhiều ấn tượng đối với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện này?
Theo dõi quan hệ hai nước liên tục kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay qua hơn 30 năm, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc là, tuy hai nước không phải nước lớn nhưng đã trở thành đối tác hàng đầu của nhau (đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế) với những bước phát triển ngoạn mục.
Trong số rất nhiều nước, nhiều lựa chọn, hai nước “đến với nhau” như cơ duyên và gắn bó sâu sắc trong từng bước phát triển, để giờ đây trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, tức là mức độ cao nhất của quan hệ ngoại giao.
Ấn tượng khác về quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc là sự gần gũi đặc biệt. Quan hệ Việt Nam với nhiều nước khác có thể có quy mô lớn hơn, nhưng với Hàn Quốc thì sự gần gũi, thân tình phải nói là đặc biệt. Từ người dân đến lãnh đạo Hàn Quốc đều nói rằng chưa có nước nào mà Hàn Quốc có tình cảm gần gũi như người một nhà với Việt Nam. Chúng ta cũng vậy, đối với Việt Nam, Hàn Quốc thật sự vừa là bạn, là đối tác, cũng là thông gia.
Có thể nói, quan hệ giao lưu tình cảm, giao lưu nhân dân giữa hai nước rất sâu sắc và trở thành nền tảng vững chắc để quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc phát triển một cách ổn định.
Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, công nghệ cao, chuyển đổi xanh, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch,...?
Những lĩnh vực mới như kinh tế số, công nghệ cao, chuyển đổi xanh, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch,… được đề cập rất nhiều trong chuyến đi này. Điều này cho thấy quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc sắp có nhiều chuyển đổi phù hợp với xu thế, dòng chảy chung của thế giới.
Hai nước có nhiều thuận lợi để hợp tác trong các lĩnh vực này do có môi trường là quan hệ song phương tốt đẹp, độ tin cậy chính trị cao. Hơn nữa, hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc từ xưa đến nay luôn là hợp tác cùng thắng, cùng có lợi. Những lĩnh vực mà Hàn Quốc muốn đẩy mạnh đầu tư cũng chính là điều mà kinh tế Việt Nam đang trăn trở, nỗ lực để thực hiện. Trong thời đại công nghiệp 4.0, thời đại của một loạt các lĩnh vực mới, hai nước đang đứng trước cơ hội để hợp tác cùng thắng trong sân chơi mới này.
Mặt khác, các lĩnh vực công nghệ mới đòi hỏi sự hợp tác, gắn bó rất chặt chẽ. Bởi vậy hai nước cần có một tinh thần hợp tác rất cao để có thể đi vào các lĩnh vực đầy cơ hội nhưng cũng đầy thách thức này. Tôi tin tưởng đây sẽ là một cơ hội mới, sân chơi mới cho hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc nói chung và cho mỗi nước khẳng định vị thế quốc tế nói tiêng.
Lễ trao văn kiện ký kết hợp tác văn hóa, du lịch Việt Nam-Hàn Quốc tại Seoul, ngày 1/7. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Như Tổng thống Yoon Seok Yeol từng nói Việt Nam và Hàn Quốc đã duy trì quan hệ thông gia trong suốt 800 năm qua, giờ đây, hai nước không khác gì người một nhà. Hiện là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc, Đại sứ đánh giá thế nào về tình hữu nghị và giao lưu nhân dân giữa hai nước?
Trong chuyến thăm vừa qua, lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh rằng quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc là hình mẫu hợp tác quan hệ quốc tế, mà cụ thể là giữa một nước phát triển và một nước đang phát triển.
Sự thành công trong hợp tác hình mẫu Việt Nam-Hàn Quốc không chỉ đạt được nhờ những con số kim ngạch thương mai, đầu tư hàng tỷ USD, mà còn đến từ sự gắn kết giữa nhân dân hai nước, hai dân tộc.
Trong hơn 30 năm qua, thành tựu giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Hàn Quốc thể hiện ở quy mô cộng đồng và tình cảm hai bên dành cho nhau.
Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc là hơn 250 nghìn người, là cộng đồng người nước ngoài đông nhất tại xứ sở kim chi. Tương tự, Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 150 nghìn người tại Việt Nam, đông nhất trong các cộng đồng người nước ngoài tại mảnh đất hình chữ S của chúng ta. Đặc biệt, phụ nữ Việt Nam sang Hàn Quốc xây dựng gia đình đa văn hóa cũng rất đông đảo, tạo thành những mối liên kết thông gia giữa hai nước.
Ngoài ra, hai nước còn có thế mạnh là sự tương đồng về lịch sử và văn hóa, tạo điều kiện cho sự thấu hiểu, gần gũi và cảm thông cho nhau. Người Việt Nam vốn rất có cảm tình và gần gũi với văn hóa Hàn Quốc. Đây cũng là lĩnh vực còn nhiều dư địa để hai nước tiếp tục chia sẻ, gắn bó. Với chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam trong thời gian tới, Hàn Quốc là một đối tác có nhiều thành công để chúng ta nghiên cứu, tham khảo và học hỏi. Qua đó, đẩy mạnh vai trò quan trọng của công nghiệp văn hóa đối với đời sống xã hội, cuộc sống nhân dân, kinh tế, cũng như tầm vóc, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Điều này hoàn toàn đúng như Tổng thống Yoon Seok Yeol nói, hai nước giờ đây vừa thông gia và không khác gì người một nhà. Giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa giữa hai nước đã đem lại những thành quả rõ rệt, tạo ra mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Hàn Quốc.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc ngày 30/6, tại Seoul. (Ảnh: Tuấn Anh) |