Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá giữa kỳ thực hiện Đề án bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế. |
Tham dự Hội thảo có hơn 85 đại biểu là lãnh đạo một số tỉnh thành, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và một số cơ quan trung ương, UBND các tỉnh thành phố, các Sở ngoại vụ địa phương, các chuyên gia, giảng viên.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế toàn diện, quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng, ở tất cả các cấp, các ngành, đi vào thực chất.
Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã được Đảng và Chính phủ giao chủ trì một số đề án đào tạo, bồi dưỡng quan trọng, trong đó có Đề án “Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015 nhằm triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Giai đoạn 2 của Đề án được thực hiện từ năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, những đòi hỏi về đổi mới sáng tạo đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu mới đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng.
TS. Nguyễn Thị Thìn cho rằng, Hội thảo là dịp để các bên liên quan đánh giá giữa kỳ hiệu quả thực hiện giai đoạn 2 Đề án, chỉ ra các mặt còn bất cập và đề xuất các định hướng lớn cho thời gian tới.
Trình bày báo cáo giữa kỳ Đề án, Đại sứ-Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, Học viên ngoại giao cho biết, đã có 1 hội thảo và 60 khóa bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng đối ngoại và ngoại ngữ chuyên ngành được tổ chức cho hơn 7.030 lượt học viên từ 28 bộ ngành và 61 địa phương.
TS. Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Trong đó, có 6 khóa cấp cao dành cho lãnh đạo cấp Vụ và cấp Sở của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 4 khóa bồi dưỡng có chuyên gia nước ngoài tham gia trao đổi.
So với giai đoạn 1 Đề án có mục tiêu đảm bảo độ bao quát, giai đoạn 2 đã điều chỉnh, đa dạng hóa, đổi mới phương pháp tổ chức, nội dung chương trình sát hơn với thực tiễn công tác hội nhập quốc tế của các bộ ngành và địa phương.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao sự phù hợp và tính cấp thiết triển khai Đề án giai đoạn 2, nhất trí cho rằng các khóa bồi dưỡng trong khuôn khổ Đề án được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản; đa dạng về hình thức, nội dung vừa cơ bản vừa một phần chuyên sâu, mang tính thời sự, thiết thực, bám sát thực tiễn hội nhập quốc tế và nhu cầu của các bộ ngành, địa phương; đội ngũ giảng viên là các chuyên gia hàng đầu có uy tín, chuyên môn sâu, nhiệt tình, phương pháp giảng dạy hiện đại.
Đề án đã góp phần hình thành mặt bằng chung về kiến thức, chuyên môn và kỹ năng đối ngoại, qua đó giúp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, mở rộng mạng lưới phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, các bộ ngành và địa phương, triển khai đồng bộ công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tích cực hỗ trợ các địa phương tăng cường đối ngoại, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc triển khai Đề án còn một số mặt hạn chế, do nhiều nguyên nhân, chủ quan và khách quan, từ cả phía Đề án, học viên và đơn vị cử học viên.
Đó có thể là: các khóa bồi dưỡng chủ yếu tập trung bồi dưỡng các kiến thức và kỹ năng hội nhập quốc tế cơ bản, chưa chú trọng nhiều tới đào tạo tác phong đối ngoại; chưa chú trọng phân loại đối tượng học viên theo trình độ, chuyên môn, đặc thù công việc; thành phần tham dự một số khóa học chưa thực sự phù hợp, học viên tham dự chưa đầy đủ, chưa chủ động tham gia thảo luận, phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng.
Một số ý kiến chỉ ra những thách thức mà Đề án cần giải quyết, trong đó có việc chuẩn hóa khung chương trình giảng dạy, theo hướng đáp ứng cả yêu cầu bồi dưỡng chung và yêu cầu đặc thù của học viên từ các cơ quankhacs nhau, việc số hóa kiến thức, tài liệu giảng dạy trong bối cảnh công nghệ thông tin (AI, Chat GPT…) tác động to lớn tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, việc gắn đào tạo kiến thức, kỹ năng với vị trí việc làm, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đào tạo bồi dưỡng.
Các đại biểu tại Hội thảo cũng nhất trí về tầm quan trọng cần có Chiến lược đào tạo bồi dưỡng về đối ngoại, hội nhập quốc tế, chú trọng đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo bồi dưỡng, đề xuất xem xét tăng cường mời chuyên gia các tổ chức quốc tế, các nước tới chia sẻ, cung cấp thông tin tại các khóa học.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Kết luận Hội thảo, thay mặt cơ quan chủ trì Đề án, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Nguyễn Thị Thìn cảm ơn và đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả, sự đồng hành của các bộ ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án, tiếp thu những đề xuất tại Hội thảo để nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng các khóa học.
Học viện Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương xây dựng Khung chương trình đào tạo bồi dưỡng cho cả năm, gồm các nội dung chung về chính trị - đối ngoại, hội nhập quốc tế cũng như các nội dung đặc thù cho từng ngành, địa phương, các vấn đề liên quan tới nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương, hướng tới phát triển đội ngũ cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; chuẩn hóa, xây dựng bộ giáo trình, bộ câu hỏi về kiến thức, kỹ năng, tác phong đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Các khóa bồi dưỡng chuyên sâu, dành riêng cho các bộ ngành, địa phương sẽ được chú trọng tổ chức, bổ sung nội dung tham mưu chính sách, xử lý tình huống dối ngoại; tăng thời lượng đào tạo kỹ năng, tác phong đối ngoại; phân loại trình độ học viên; thí điểm áp dụng công nghệ trong đào tạo bồi dưỡng; xây dựng cơ chế liên hệ thường xuyên giữa trung tâm, giảng viên và học viên để tăng cường trao đổi chuyên môn, hỗ trợ trong công việc.
Để công tác đào tạo có hiệu quả, mong muốn các bộ ngành, địa phương cung cấp thông tin về thực trạng, ưu tiên bồi dưỡng, cử đúng người tham dự, tạo điều kiện cho cán bộ chuyên tâm học tập, phản hồi về hiệu quả đào tạo cán bộ của đơn vị mình; khuyến khích, tạo điều kiện để học viên tiếp tục tự trau dồi kiến thức, đào tạo tại chỗ qua công việc, gắn công tác đào tạo bồi dưỡng với việc sử dụng cán bộ.