📞

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 14]

HỮU NGỌC 09:00 | 14/07/2024
Ernest Miller Hemingway (1899-1961) là một tiểu thuyết gia người Mỹ, nhà văn viết truyện ngắn và là một nhà báo.
Nhà văn Ernest Miller Hemingway.

Ông sinh ra tại Oak Park, Illinois, có cha là bác sĩ và mẹ là ca sĩ. Gia đình ông sở hữu một ngôi nhà trên Walloon Lake, gần Petoskey, Michigan và thường nghỉ hè tại đó. Những trải nghiệm đầu đời khi sống gần gũi với thiên nhiên này đã truyền cho Hemingway một niềm đam mê suốt đời đối với những cuộc phiêu lưu ngoài trời và với cuộc sống trong những khu vực xa xôi, hẻo lánh.

Ông không học đại học, bản thân tự học là chính và bắt đầu sự nghiệp viết của mình với tư cách là một thông tín viên (từ cũ, chỉ phóng viên hoặc cộng tác viên) cho The Kansas City Star. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ernest Hemingway (1899), The Star ghi danh Hemingway là phóng viên hàng đầu của báo trong một trăm năm qua.

Văn phong của Hemingway kiệm lời (kiểu “điện tín”), súc tích, giản dị và có tầm ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển của văn chương thế kỷ XX. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm của ông là những người mang đặc trưng của chủ nghĩa khắc kỷ. Nhiều tác phẩm của ông hiện nay được coi là những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ.

Hemingway là một trong những cựu quân nhân trong Thế chiến I, bị thương và được biết đến qua “Thế hệ mất mát”. Năm 1953, ông nhận Giải Pulitzer với tiểu thuyết Ông già và biển cả và giải Nobel Văn học năm 1954 cho những cống hiến văn học trọn đời của ông.

Ông qua nhiều nước, đặc biệt ở Pháp, làm thông tín viên báo chí. Cuốn tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc (The sun also rises ,1926) là tác phẩm đầu tiên ông được hoan nghênh. Bằng bút pháp hiện thực, ông miêu tả cuộc sống không nội dung, không mục đích trước và sau Thế chiến I của nhóm nhà văn Mỹ sống lưu vong ở Paris. Giã từ vũ khí (A farewell to arms, 1929) là một tiểu thuyết chống chiến tranh, nêu lên tính vô nhân đạo của chủ nghĩa quân phiệt. Chuyện kể về một sĩ quan trẻ bị thương, đào ngũ, trốn đi cùng người yêu là nữ cứu thương, nhưng người yêu chết, chiến tranh là thủ phạm phá hoại hạnh phúc. Hemingway tiêu biểu cho “Thế hệ mất mát” của một số nhà văn Mỹ vào những năm 20, mất hết lý tưởng và tin tưởng, lạc lõng và lạc loài.

Trong 10 năm, từ 1929-1939, Hemingway say mê xem đấu bò tót ở Tây Ban Nha để viết Chết vào buổi chiều (Death in the Afternoon, 1932); Những ngọn đồi xanh châu Phi (Green Hills of Africa, 1935) miêu tả lại những cuộc đi săn của ông. Ông cho săn bắn và đấu bò là cuộc thử thách và phương tiện để tìm hiểu cái chết. Ông làm phóng viên mặt trận trong Cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936), ca ngợi nhân dân anh hùng trong cuốn Chuông nguyện hồn ai ( For whom the bell tolls, 1940) và vở kịch phản gián Đội quân thứ năm (The fifth column, 1938).

Cuốn tiểu thuyết ngắn Có và không có (To have and have not, 1937) nêu một cảnh chua chát của thời kinh tế khủng hoảng, phê phán xã hội, nói lên nỗi băn khoăn của tác giả. Ngay từ Đại hội thứ hai của các nhà văn Mỹ, ông đã lần đầu tiên công khai công kích chủ nghĩa phát xít. Trong Thế chiến II, ông làm thông tín viên mặt trận ở Anh và Pháp, theo du kích vào giải phóng Paris. Bên kia sông và trong rừng cây (Across the river and into the trees, 1950) kể lại tình yêu và cái chết của một viên tướng bị giáng xuống cấp tá ngay sau chiến tranh.

Truyện ngắn Ông già và biển cả (The old man and the sea, 1952) ca ngợi con người chiến thắng thiên nhiên, là một tác phẩm nổi tiếng thế giới. Từ nỗi buồn của “Thế hệ mất mát”, Hemingway đã chuyển biến, ca ngợi sức mạnh tinh thần của con người đương đầu với thiên nhiên trong cuộc vật lộn cô đơn mà ác liệt.

Chuông nguyện hồn ai, tiểu thuyết phản ánh tâm hồn người trí thức những năm 30, nhu cầu dấn thân của họ cho một lý tưởng, ngược với thái độ chán chường, thất vọng của những năm 20 của chính Hemingway. Phong cách không khô khan như ông thường viết mà đầy trữ tình lãng mạn, thể hiện thân phận con người trong trò chơi của tình yêu và cái chết.

Bối cảnh câu chuyện là cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939). Robert Jordan, một giáo sư đại học Mỹ có lý tưởng, sang Tây Ban Nha để đứng về phía Cộng hòa chiến đấu. Nhiệm vụ của anh là phá sập một cây cầu chiến lược. Anh gia nhập đội du kích do Pablo và vợ là Pilar chỉ huy. Pilar, một nữ nông dân cương nghị, là hiện thân của nước Tây Ban Nha và ý chí tự do. Jordan yêu cô Maria, cô du kích bị bọn phát xít cưỡng hiếp.

Trong ba ngày chung sống, mặc dù thần chết kề bên họ, hai người yêu nhau nồng nhiệt, quên cả thời gian và chiến tranh. Bọn phát xít dẹp tan đội du kích bên cạnh, Jordan biết là dù làm nổ cây cầu lúc này cũng là vô ích, nhưng bộ tổng tham mưu đã quyết định, anh vẫn thi hành mệnh lệnh. Cầu bị sập nhưng anh bị gãy một chân. Anh lệnh cho mọi người rút lui, mình anh ở lại rìa rừng, đợi địch. Tuy muốn sống, nhưng anh chấp nhận cái chết.

Cuốn tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai có thể coi là một tác phẩm “chuộc lỗi”, sám hối của tác giả, chuyển sang con đường dấn thân, ngược với giai đoạn trước ông, sống như người vô trách nhiệm với xã hội. Những nhân vật trong tác phẩm có tính cách giống như bản thân ông từng giai đoạn, thường bị ám ảnh bởi cặp biện chứng “sợ hãi - can đảm” hay “cứng rắn - yếu mềm”.