📞

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 17]

HỮU NGỌC 09:00 | 04/08/2024
John Ernst Steinbeck (1902-1968) là một báo, nhà văn viết tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa. Ông sinh ra ở California, gốc Đức và Ireland, được giải thưởng Nobel năm 1962.
Nhà văn John Ernst Steinbeck.

Ông học về thực vật hải dương; học đại học luôn bị gián đoạn. Ông đã nếm trải nhiều công việc vất vả như chăn bò, nhân viên hóa học trong nhà máy đường, nhân viên nuôi cá giống, coi đồn điền, phụ nề, thủy thủ… Ông vào nghề báo và nghề văn rất vất vả. Hai vợ chồng nhiều lúc phải ăn cá tự đánh được.

Trong Thế chiến II, Steinbeck làm phóng viên mặt trận. Năm 1937, ông đi Liên Xô và viết Nhật ký Nga (Russian Journal, 1948). Sau chiến tranh, trong sáng tác, ông thường tìm những khía cạnh giật gân, tâm lý bệnh hoạn. Phía Đông Thiên đường (East of Eden, 1961) kể chuyện dưới ánh sáng phân tâm học một gia đình tan nát, mẹ bỏ đi làm đĩ, con trai gây ra cái chết của anh (hiện đại hóa chuyện anh em giết nhau trong Kinh thánh). Nói chung, sáng tác của Steinbeck rất thất thường.

Những tác phẩm đầu tay như truyện phiêu lưu Chén vàng (Cup of Gold, 1929) mang nhiều yếu tố lãng mạn và thần bí. Cuộc sống lao động vất vả của bản thân đã được thể hiện trong những truyện viết vào những năm 30.

Đồng cỏ của trời (The Pastures of Heaven, 1932) là một tập truyện ngắn về những con người đơn giản cục mịch, sống trong một thung lũng mang tên ấy; Tortilla Flat (1935) kể về những người da đỏ, da trắng, Tây Ban Nha, sống một cuộc đời vất vả, vô luân nhưng vui vẻ thoải mái trong một cái lán ở miền Nam California; bản thảo tác phẩm này bị chín nhà xuất bản từ chối, khi in ra lại được hoan nghênh; Cuộc chiến không phân thắng bại (In Dubious Battle, 1935) kể về vụ đình công của công nhân hái quả theo vụ ở California; Về chuột và người (Of Mice and Men, 1937) miêu tả đời sống bi thảm của công nhân nông nghiệp.

Với Phẫn nộ chín muồi (The Grapes of Wrath, 1939), Steinbeck khẳng định chỗ đứng trong trào lưu văn học vô sản Mỹ vào những năm 1930; lúc đầu, nói chung ít nhiều ông có cảm tình với Đảng Cộng sản. Ở Việt Nam có bản dịch The Grapes of Wrath, tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Steinbeck là “Chùm nho nổi giận”. Tôi e dịch như vậy thì khó hiểu, vì người Việt Nam đọc sẽ băn khoăn, không hiểu tại sao chùm nho lại nổi giận. Tôi cũng chịu không tìm ra cách dịch nào vừa sát hình ảnh nghĩa đen mà lại đầy đủ nghĩa bóng. Tác giả ví sự phẫn nộ, sự vùng dậy như nho chín muồi đã lên men: “Phẫn nộ chín muồi”.

Phẫn nộ chín muồi được giải thưởng Pulitzer năm 1940, vẽ lại cảnh cơ cực của nông dân Mỹ mất đất, bị áp bức bóc lột không kém gì nông dân vô sản Việt Nam bị đi phu đồn điền cao su ở xa quê hương.

Ở miền Trung Tây và Tây Nam, đất cằn đi, lại thêm các chủ tư bản cơ khí hóa nông nghiệp; vì vậy, các tiểu nông lụn bại. Các ngân hàng là chủ nợ chiếm đất của họ để trực tiếp khai thác: chỉ cần một chiếc máy kéo và thuê một công nhân lái là có thể cày cấy một vùng đất đai mênh mông, trước kia có thể nuôi sống hàng mấy chục gia đình. Bị tống khứ ra khỏi nhà, nông dân phải di cư đi nơi khác. Các giấy quảng cáo tuyên truyền cho họ biết xứ California là nơi đất đai trù phú, nhân công rất cao. Thế là hàng chục vạn người ra đi về phía Tây. Qua bao tháng ngày vất vả, họ tới nơi thì mới biết là bị lừa. Công việc duy nhất là hái quả và bông, mà cũng chỉ có mùa. Bọn điền chủ chờ người đến thật đông để thuê nhân công rẻ mạt. Bọn chúng cũng là chủ ngân hàng và chủ xưởng rau quả đóng hộp, do đó nên có thể quyết định giá cả. Chúng dìm giá, bóp chết các tiểu nông, khiến họ nhiều khi không dám bỏ tiền thuê gặt hái.

Một quang cảnh hãi hùng xuất hiện: bọn chủ cho hủy hàng tấn rau quả để giữ giá, trong khi hàng nghìn gia đình không có gì ăn. Những người nghèo sợ mất việc, không ủng hộ những người di cư mới đến, lại vào hùa với cảnh sát và cả bộ máy chính quyền để đàn áp. Miền đất hứa của những người lang thang trở thành một nhà ngục lớn.

Câu chuyện “Phẫn nộ chín muồi” xảy ra trong khung cảnh thương tâm ấy. Steinbeck tập trung ống kính vào gia đình Joad ở vùng Oklahoma. Một người con trai là Tôm, trong một cuộc ẩu đả, đã giết chị kẻ định đâm anh. Sau bốn năm ngồi tù, anh được thả ra với lời hứa danh dự.

Phẫn nộ chín muồi được đạo diễn John Ford quay thành một bộ phim có giá trị (1940) với hình ảnh gia đình Tom trên chiếc xe tải thổ tả đi về miền Tây để tìm công việc mới. Tác phẩm là một “tiểu thuyết luận đề” nên có nhiều chỗ yếu: có những chỗ ngây ngô hoặc lẫn lộn về lý tưởng. Tác giả lên án cơ khí hóa nông nghiệp một cách cực đoan, muốn trở về chế độ nông nghiệp xưa, mà lại kêu gọi cách mạng xã hội. Nhiều luồng tư tưởng nhằm giải quyết bất công xã hội đan chéo nhau: chủ nghĩa “siêu việt” của Emerson, chủ nghĩa dân chủ gắn với đất đai kiểu Whitman, chủ nghĩa thực dụng của W. James, “Chính sách mới” của F. Roosevelt với sự can thiệp của chính phủ. Nhân vật và tư tưởng khá sơ lược. Nhưng giá trị của nó là cách kể chuyện lôi cuốn, cảm xúc mạnh và có sức truyền cảm dựa trên cơ sở tình thương những người bị áp bức bóc lột.

Ở Steinbeck có một tình thương đi đôi với sự khoan dung các tội lỗi và chấp nhận các rối loạn. Có những nhà phê bình cho ông là đã đi quá sâu vào con đường ấy, nên đã có những lúc thích thú miêu tả bạo lực và sự suy thoái của con người. Có lúc, ông muốn chứng minh là trật tự, đúng đắn, thành công thường đi kèm với sự bất nhẫn, tàn ác. Ông nhiều khi ghi lại những thái độ phi lý tính, chỉ có thể giải thích được bằng đam mê.