Nhỏ Bình thường Lớn

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 19]

Toni Morrison (1931-2019) là biên tập viên, nhà văn nữ Mỹ người da đen đoạt giải Pulitzer năm 1988, Giải thưởng Sách Mỹ và là người nữ Mỹ da đen đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học (năm 1993).
Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 19]
Nhà văn Toni Morrison.

Bà viết những tác phẩm thấm nhuần truyền thống miền Nam nước Mỹ, mảnh đất đau thương của những người nô lệ da đen gốc từ châu Phi xa xôi và con cháu họ.

Morrison sinh ở Lorain, Ohio, là con thứ hai trong một gia đình công nhân da đen có bốn người con. Thuở nhỏ, bà đã thích văn học, học tiếng Latinh, đọc các tác phẩm của văn học Nga, Anh và Pháp. Bà học đại học rồi cao học và làm giảng viên của nhiều trường đại học ở Mỹ. Bà còn là thành viên Viện hàn lâm Văn học và nghệ thuật Mỹ, Viện hàn lâm các Khoa học xã hội và khoa học chính xác Mỹ từ năm 1981.

Morrison là tác giả của 11 cuốn tiểu thuyết cũng như các cuốn sách thiếu nhi và các tập thơ, tiểu luận. Những tiểu thuyết của bà đã được dịch ra 25 thứ tiếng trên thế giới và là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu.

Các tác phẩm của bà đã thể hiện một cách sinh động một bộ mặt cơ bản của hiện thực Mỹ bằng một nghệ thuật tiểu thuyết được đặc trưng bởi trí tưởng tượng mãnh liệt và chất thơ hết sức phong phú; xoay quanh hành trình của những người da đen trên đất Mỹ, mỗi tác phẩm là một nỗ lực của bà trong việc tách văn hóa Mỹ gốc Phi ra khỏi tầm ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa châu Âu, phơi bày ra ánh sáng những trang sử tối tăm của một chủng tộc bị đối xử tàn tệ và giáng cấp, một quá khứ đau thương đến không tưởng của một thời đại thiếu vắng tình yêu thương.

Năm 1970, Morrison cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay Mắt biếc (The Bluest Eye) thu hút sự chú ý của các nhà phê bình và công chúng nhờ việc mô tả sâu sắc cuộc sống và số phận những người Mỹ gốc Phi trong những năm sau cuộc Đại khủng hoảng kinh tế.

Tác phẩm nói về tác động của những thành kiến chủng tộc đến một cô gái da đen mơ ước mình có đôi mắt xanh biếc, biểu tượng cái đẹp của người Mỹ da trắng; tiểu thuyết Sula (1973) kể về tình bạn giữa hai người phụ nữ da đen. Tác phẩm trở thành sách “best-seller” và được trao Giải thưởng sách quốc gia; Bài ca Solomon (Song of Solomon, 1977) là sự pha trộn giữa chủ nghĩa hiện thực, truyện ngụ ngôn và giả tưởng. Cuốn tiểu thuyết đã được trao Giải thưởng phê bình sách quốc gia và Giải thưởng của Viện hàn lâm Văn học và nghệ thuật Mỹ.

Tác phẩm Yêu dấu (Beloved, 1987) khai thác đề tài nô lệ, bà đã chỉ ra tác động kinh hoàng của kiếp nô lệ đến tình cảm của người làm mẹ. Sự việc xảy ra ở tiểu bang Ohio sau khi kết thúc nội chiến, câu chuyện một phụ nữ nô lệ da đen cho rằng thà tự tay giết chết con gái mình còn hơn phải đưa con đi làm nô lệ. Yêu dấu được đánh giá là tác phẩm thành công nhất, bán chạy nhất của Morrison.

Tiểu thuyết gia người Canada Margaret Atwood (sinh 1939) đã viết “Yêu dấu được viết bằng một thứ văn xuôi không cực đoan, vừa giàu có, duyên dáng, kỳ lạ, thô ráp, trữ tình, tội lỗi, vừa thông tục và đi thẳng vào nhiều vấn đề”. Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim năm 1998.

Toni Morrison đã chọn tên một loại nhạc điển hình cho người Mỹ da đen để đặt tên cho tác phẩm sâu sắc của mình Nhạc Jazz (Jazz, 1992). Tên “Jazz” có ý nghĩa tượng trưng. Bà nói: “Âm nhạc đã giúp chúng tôi vượt được ba trăm năm áp bức. Nó cho phép người da đen phát hiện ra chính họ. Ngày nay, nó được truyền bá khắp thế giới. Và đã đến lượt tiểu thuyết phải thực hiện vai trò ấy, phải chơi những làn điệu mới, mở cuộc điều tra…”.

Tiểu thuyết Nhạc Jazz kể một câu chuyện tình da đen gần như bị định mệnh chi phối như trong bi kịch cổ Hy Lạp. Chuyện xảy ra trong khu da đen Harlem ở New York năm 1926, thuộc thập kỷ nhạc Jazz. Có hai vợ chồng yêu nhau, cả hai đã ngoại năm mươi tuổi, là Joe và Violette. Joe bán mỹ phẩm tại cửa hàng ở nhà; vợ làm nghề uốn tóc phụ nữ. Joe đâm ra yêu mê say một cô gái còn trẻ là Dorcus, gia đình sóng gió. Violette mới đầu ghen với cô gái Dorcus đã cướp mất linh hồn của chồng mình; chị cố tìm hiểu tại sao cô lại có ma lực quyến rũ chồng mình để bắt chước; dần dần chị cảm thấy gắn bó với cô.

Trong tác phẩm, tác giả cũng lộn lại thế kỷ XIX với những đồn điền bông và nô lệ da đen. Tác phẩm gợi lại một trăm năm máu và nước mắt da đen; những con người bị thiêu sống, lột da vì những chuyện rất nhỏ, luôn luôn bị áp bức.

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 18]

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 18]

Margaret Munnerlyn Mitchell (1900-1949) là tiểu thuyết gia và nhà báo người Mỹ, cả đời viết có một cuốn tiểu thuyết được xuất bản.

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 17]

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 17]

John Ernst Steinbeck (1902-1968) là một báo, nhà văn viết tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa. Ông sinh ra ở California, gốc Đức và Ireland, ...

Lần đầu tiên Hàn Quốc tổ chức trại Hè cho trẻ em gia đình đa văn hóa Hàn-Việt

Lần đầu tiên Hàn Quốc tổ chức trại Hè cho trẻ em gia đình đa văn hóa Hàn-Việt

Chương trình trại Hè dành cho trẻ em gia đình đa văn hóa Hàn-Việt nhằm tạo cơ hội cho các em có hoàn cảnh bố ...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận thêm 4 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận thêm 4 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor, tri thức may và mặc áo dài Huế, lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai, nghề ...

Nghề làm gốm ở Sa Huỳnh và nghề làm chiếu Cà Hom được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề làm gốm ở Sa Huỳnh và nghề làm chiếu Cà Hom được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được công nhận là nghề làm gốm ở Sa Huỳnh và nghề làm chiếu ...