📞

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 6]

HỮU NGỌC 09:00 | 12/05/2024
Edgar Allan Poe (1809-1849) xuất thân từ một gia đình làm nghề diễn kịch lưu động. Ông mồ côi sớm, cha mẹ chết vì bệnh lao. Trong tác phẩm cũng như trong cuộc đời, ông luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết của mẹ và mang tâm trạng thần bí, bi quan, có khuynh hướng tìm cái dị thường, cảm giác siêu nhiên, huyền ảo, kinh dị.
Nhà văn Edgar Allan Poe.

Năm lên hai, ông được vợ chồng nhà buôn giàu có John Allan nuôi. Ông sống cùng ở Anh từ năm lên 6 đến năm 11 tuổi, sau đó đi học ở Mỹ. Năm 14 tuổi, ông làm tập thơ đầu tiên tặng người yêu là mẹ một người bạn. Năm 18 tuổi, ông bỏ học vì bị bố nuôi cho là lười biếng.

Ông bỏ tiền ra xuất bản tập thơ Tamoclayno và các bài thơ khác (Tamerlane and other Poems, 1827) năm 18 tuổi. Năm 27 tuổi (1836), ông lấy cô em họ mới 13 tuổi. Những năm 1831-1833, ông sống túng thiếu nhưng viết nhiều, viết phê bình, xã luận, truyện ngắn và thơ cho tạp chí.

Truyện Con cánh cam vàng (Le Scarabée d’or hay Gold-Bug, 1843) đã khiến cho Edgar Poe được coi là tổ sư truyện trinh thám hiện đại.

Con cánh cam vàng được lấy tên để đặt cho một tùng thư tiểu thuyết trinh thám ra ở Pháp vào sau đại chiến. Nhân vật chính là Legrand, một nhà côn trùng học yếm thế, sống cô độc cùng người đày tớ da đen Jupiter ở một hòn đảo hoang vắng. Một hôm, ông bắt được con cánh cam hình thù rất lạ. Tối hôm đó có người bạn lại chơi. Ngồi bên lò sưởi nói chuyện, Legrand vẽ cho bạn xem con cánh cam; không ngờ, bức vẽ con cánh cam lại hóa thành hình cái đầu lâu. Đó chẳng qua là vì anh vô tình vẽ lên trên một mảnh giấy cổ làm bằng da rất mỏng mà anh nhặt được ở bờ bể, gần chỗ bắt được con cánh cam vàng, hình vẽ đầu lâu vốn dùng một thứ mực hóa học, gần lửa nên đã hiện lên. Legrand hơ thêm gần lửa thì thấy hiện lên thêm một dòng con số và các dấu hiệu bí mật.

Từ đó, Legrand lúc nào cũng trầm ngâm, như người mất hồn. Độ một tháng sau, anh cho Jupiter mời bạn đến. Ba người tổ chức chuyến đi thám hiểm trong đảo để tìm kho vàng của một tên cướp đã chôn. Legrand suy luận và tìm ra bí mật của mật mã. Họ đến chân một cây cổ thụ sum suê. Theo lệnh chủ, Jupiter trèo lên cây và tìm thấy một chiếc sọ người, từ trên cây, bác theo lệnh chủ thả con cánh cam vàng qua lỗ mắt bên trái sọ người. Từ điểm cánh cam rơi xuống đất, Legrand dựa vào mật mã tính toán và tìm ra được nơi chôn kho vàng.

Con quạ (The Raven) xuất hiện trong một tuyển tập thơ, có lẽ là bài thơ nổi tiếng nhất của Edgar Poe. Bài đầu trong tập thơ cuối cùng của tác giả, xuất bản năm ông 36 tuổi dưới tên là Con quạ và những bài thơ khác (The Raven and other Poems, 1845). Bài thơ tạo ra không khí ảm đạm chết chóc, thần bí, âm khí nặng nề. Edgar Poe dùng những thủ thuật được cân nhắc kỹ khi sáng tác: điệp khúc “nevermore” có âm hưởng u buồn, tuyệt vọng; với âm tiết vang rền, nhịp điệu nức nở, con quạ trong óc tưởng tượng của dân gian là con chim của điềm gở và tang tóc, gắn với hình ảnh thịt nát xương tan, tình tuyệt vọng với người đã khuất, âm dương cách trở mà tình vẫn ở tuyền đài không tan... Do ý đồ kỹ thuật, thơ hơi quá đậm, ý đồ tượng trưng khá lộ liễu, nên bài thơ thiếu cái hồn nhiên và thuần khiết của một số bài đơn giản hơn, như Thơ gửi người ở thiên đàng (To One in Paradise, 1833), khóc người yêu đã khuất và Annabel Lee (Anabol Li, 1849), cũng cùng một đề tài.

Edgar Poe là người tạo ra nhân vật điển hình thám tử tài tử trong văn học; đặc biệt trong truyện Vụ giết người phố Moocgơ (The Murders in the Rue Morgue, 1841), một con đười ươi giết hai mạng người. Ông cũng tạo ra loại truyện rùng rợn như Sự suy sụp của nhà Aso (The Fall of the House of Usher, 1839) kể về một tòa lâu đài và những con người, bao trùm trong bầu không khí huyền ảo. Những truyện này ở trong tập Truyện kỳ dị (Tales of the Grotesque and Arabesque, 1840). Hay Những truyện của Atho Gocton Pym (The Narrative of Arthur Gordon Pym, 1838) viết về những truyện phiêu lưu trên biển của một thiếu niên (thủy thủ nổi loạn, bão, gặp tàu chở thây người, ma quái...).

Năm 1847, vợ ông mất sau 11 năm chung sống, ông viết tặng nàng Annable Lee. Là nhà phê bình, ông phê phán dữ dội Longfellow, thí dụ, cho Longfellow là “sao chép” nên gây nhiều thù oán. Nghiện rượu, tâm thần bất định, bị động kinh, bị chứng hoang tưởng, không có lợi nhuận thường xuyên, ông sống cơ cực, rất đau buồn vì vợ chết, tìm an ủi ở một số bạn gái, định tự tử... và chết sau khi say rượu nằm ở ngoài phố.

Đánh giá về Edgar Poe rất khác nhau sau khi ông mất, mặc dù ông được công nhận là một tác giả lớn. Nói chung giới phê bình Anh - Mỹ có đôi chút dè dặt, cho sáng tác của Poe mang tính chất kỹ xảo điêu luyện hơn là mang dấu ấn thiên tài xuất thế.

Trái lại, một số nhà thơ Pháp như Baudelaire, người dịch đa số tác phẩm của Edgar Poe, Mallarmé, Valéry hết sức đề cao ông. Trường phái thơ tượng trưng Pháp tự coi là đồ đệ của Poe, trường phái này lại ảnh hưởng lại trào lưu Anh - Mỹ, đề cao hình ảnh (Imagism) vào những năm 1909-1917. Những nhà thơ Anh như Swinburn, Wilde, Rossetti, Yeats cũng tôn sùng Poe.

Nhà tâm thần học Freud và các đồ đệ của ông chú ý đến những yếu tố chết chóc và bệnh lý có khi xa đích trong sáng tác của Poe. Cũng có những truyện của Poe báo hiệu chủ nghĩa hiện sinh. Trong lý luận văn học, Poe chủ trương “Nghệ thuật vị nghệ thuật”.