Nhà văn chính luận, nhà báo Mỹ Walt Whitman. |
Ông là tác giả của tập thơ Lá cỏ nổi tiếng thế giới, trở thành Kinh thánh của thi ca Mỹ. Tài năng của ông được công nhận và được ngưỡng mộ không những ở Mỹ mà ở cả châu Âu. Thơ của ông ảnh hưởng đến thơ văn hiện đại về hai mặt: phong cách phóng túng không câu nệ, giải phóng tình dục và bản năng.
Whitman tự nhận cho mình sứ mệnh làm tiếng nói của những gì không có tiếng nói, mà lại rất phổ biến mà hùng hồn như cỏ. Tiếng thơ của ông xuất hiện vào những năm 50 của thế kỷ XIX, đúng vào thời điểm mà văn chương Mỹ tự khẳng định và nở rộ với ông; với Nathaniel Hawthorne (1804-1864) và Herman Melville (1819-1891), cả ba đều bắt đầu từ siêu việt luận của Ralph Waldo Emerson (1803 -1882). Triết lý này tin vào khả năng thần thánh của cá nhân con người tự do.
Cũng như nhiều nhà văn thuộc thế hệ ông, Walt Whitman phải kiếm sống một cách vất vả. Ông sinh ra ở West Hills, Long Island, con một ông bố làm nghề thợ mộc và một bà mẹ gốc Hà Lan. Năm Whitman lên bốn tuổi, gia đình chuyển về Brooklyn. Cũng trong thời gian này ông bắt đầu làm quen với nghề xuất bản, in ấn và viết văn.
Năm 16 đến 21 tuổi làm nghề dạy học và viết loạt bài Những ghi chép từ chiếc bàn thầy giáo buổi hoàng hôn (Sun - Down Papers from the Desk of a Schoolmaster). Năm 1841 ông thôi nghề dạy học, trở về New York City làm ở nhà in. Năm 1842 làm biên tập cho báo New York Aurora. Thời gian này ông bắt đầu dành nhiều thời gian cho thơ ca. Ông làm đủ nghề: thợ mộc, chạy giấy, dạy học, thợ in xếp chữ, đánh cá... Ông là người chịu khó tự học.
Năm 1855, khi tập thơ Lá cỏ ngày nay trở thành Kinh thánh của thi ca Mỹ ra đời, nó bị phê phán kịch liệt. Whitman không tìm được nhà tài trợ, tác giả đã tự bỏ tiền túi từ trình bày sách, xuất bản đến phát hành. Một nghìn bản in ra bán chưa được ba chục. Mấy trăm bản gửi biếu hầu hết bị trả lại. Thơ phá hết các niêm luật, không vần, không điệu. Tập thơ in lần đầu này gồm 12 bài thơ. Tác giả tự giới thiệu trong một bài mở đầu, sau này có tên gọi Bài ca cái tôi (Song of Myself) - ngang phè:
“Walt Whitman, một vũ trụ, con của đảo Manhattan,
Ngỗ ngược, đẫy đà, yêu khoái lạc, ăn nhậu và sinh con đẻ cái,
Không đa sầu đa cảm, không đứng trên kẻ khác, dù đàn ông hay đàn bà, không tách khỏi mọi người,
Chẳng nhũn nhặn, cũng chẳng không nhũn nhặn”.
Ông bị giới phê bình dạy đạo đức đánh tơi bời vì trở về với bản năng vũ trụ, ông dám công khai ca ngợi tình dục, phần thể xác mà ông coi là cũng thiêng liêng như phần linh hồn.
Bài ca cái tôi (Song of Myself) là trục của tập thơ, nói lên lòng tự tin, kêu gọi mọi người hãy tự đo sức mình để đặt mình vào trong ngọn trào vũ trụ của tự nhiên. Nhà thơ John Greenleaf Whittier (1807-1892) đã ném tập thơ vào lửa sau khi đọc bài ca ấy. Ralph Waldo Emerson (1803-1882), triết gia đầu tiên của Mỹ, người kêu gọi trí thức Mỹ hãy độc lập với châu Âu, can đảm đứng ra bênh vực Whitman: “Người Mỹ ở nước ngoài có thể trở về được. Một nghệ sĩ đã ra đời ở nước chúng ta”.
Tập Lá cỏ (Leaves of Grass, 1855 - 1892) là tác phẩm duy nhất của Whitman. Xuất bản lần đầu với 12 bài thơ chưa được trăm trang khi tác giả 36 tuổi, cuối cùng nó lên tới 411 bài, trước khi tác giả mất vào năm 73 tuổi. Nhà thơ tự khẳng định tính chất Mỹ (phong cảnh, nhân dân, chính thể tự do) và tính chất vũ trụ (nhịp sống hừng hực) của mình với những quan niệm huyền bí về con người bình thường và hiện đại, về thế giới của tình yêu và dân chủ.
Tập thơ Lá cỏ là tác phẩm thơ duy nhất thể hiện vẻ muôn mặt của đời sống nước Mỹ và đề cao tư tưởng dân chủ. Thế kỷ XX, Lá cỏ được thừa nhận là một trong những sự kiện văn học quan trọng nhất, đã làm một cuộc cách mạng trong thi ca, với sự ra đời của một thể thơ mới – thơ tự do, mà Walt Whitman là người khởi xướng.
Thơ của Walt Whitman có sự ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ lớn của thế giới như: Thomas Stearms Eliot (1888-1965), Ezra Weston Pound (1885- 1972), Galway Mills Kinnell (1927-2014), Langston Hughes (1901-1967), William Carlos Williams (1883-1963), Pablo Neruda (1904-1973), Jean Nicolas Arthur Rimbaud (1854-1891), Federico García Lorca (1898-1936), Fernando Pessoa (1888-1935), Vladimir Vladimirovich Mayakovsky (1893-1930).