📞

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 9]

HỮU NGỌC 09:00 | 02/06/2024
Henry Wadsworth Longfellow (1807-1882) là nhà thơ theo trào lưu lãng mạn của thế kỷ XIX. Rất nổi tiếng ở Mỹ, ông là giáo sư sinh ngữ ở Đại học Harvard, làm thơ và dịch thuật luôn luôn thành công.
Nhà thơ Henry Wadsworth Longfellow. (Nguồn: Getty Images)

Ông đi châu Âu nhiều lần, do đó đóng góp vào việc truyền bá văn học châu Âu ở Mỹ. Trong 18 năm, ông dạy văn học châu Âu ở Mỹ. Năm 28 tuổi, người vợ đầu mất, ông được một thương gia giàu có mộ tiếng gả con gái cho với hồi môn một tòa lâu đài ở Cambridge, nơi ông ở cho đến khi mất.

Thơ ông trong sáng, giản dị, có cảm xúc nhẹ nhàng, hình ảnh duyên dáng và âm điệu du dương, tố cáo một số bất công ở xã hội Mỹ, yêu thiên nhiên, đất nước, cuộc đời. Ông thành công nhất trong những bài thơ ngắn.

Trong những tác phẩm chính của ông phải kể đến: Những tiếng nói của đêm (The Voices of the Night, 1839) làm cho ông trở thành nhà thơ nổi tiếng trong mọi tầng lớp của xã hội; Người thợ rèn ở làng (The Village Blacksmith, 1839), loại thơ tự sự kể về truyền thuyết châu Mỹ; Evangeline (1847); Bài ca về Hiawatha (The Song of Hiawatha, 1855). Bản dịch Vở kịch thần diệu của Dante (Dante’s Divine Commedia, 1867) của Longfellow được coi là bản dịch tốt nhất trong nhiều bản dịch ra tiếng Anh.

Truyện Evangeline kể về đôi bạn tình là Gabriel và Evangeline bị ly cách trong lúc loạn lạc, mỗi người một phương. Họ qua nhiều năm tháng tìm nhau. Đến khi ở Philadelphia có bệnh dịch, Evangeline trong khi chăm sóc người ốm, nhận ra một người đang hấp hối chính là người yêu mình. Giờ thì nàng cũng đã già rồi. Nàng chết và đôi bạn được chôn cùng mộ.

Hiawatha là nhà tiên tri da đỏ được bà nội là con của Mặt trăng nuôi dạy. Người anh hùng ấy trải qua một quá trình học tập, rèn luyện. Chàng chống lại bố là Gió Tây để báo thù cho mẹ. Cuối cùng, chàng trở thành người chỉ huy bộ tộc của mình và dạy dỗ dân chúng, làm lành với người da trắng. Khi vợ lâm bệnh, chàng cùng nàng đi đến xứ sở của Gió Tây Bắc.

Longfellow không phải là một thi tài siêu việt hay độc đáo như Whalt Whitman hay Edgar Poe. Poe, nhà thơ sống cùng thời là nhà phê bình văn học đánh giá Longfellow: “Trong khi khâm phục thiên tài ông Longfellow, chúng ta vẫn cảm thấy nhược điểm của ông là làm điệu và bắt chước. Khéo léo nghệ thuật của ông thì lớn, lý tưởng của ông cao cả. Nhưng quan niệm của ông về những mục đích của nhà thơ quả là hoàn toàn sai”.

Phải chăng thơ của Longfellow không sâu sắc vì cuộc đời của ông dễ dàng, bằng phẳng, hạnh phúc nhiều hơn đau buồn? Nếu không đòi hỏi tâm lý và tư duy sâu sắc thì có thể tìm ở thơ Longfellow sự trong sáng, giản dị, cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng, hình ảnh duyên dáng và âm điệu du dương. Ông làm thơ về lịch sử và truyền thuyết, về đất nước và thiên nhiên, ông ca ngợi tình thương, lòng tốt, chịu đựng cuộc đời. Dẫu sao, ông cũng là một nhà thơ tiếng Anh rất phổ biến, khi chết, ông được cả nước Mỹ thương khóc. Ông là nhà thơ Mỹ đầu tiên có vinh dự được lập đài kỷ niệm tại tu viện Westminster.

Harriet Elizabeth Beecher Stowe (1811-1896) là một nhà văn người Mỹ gốc Âu, con một mục sư Tin lành thuộc trường phái Trưởng lão. Bà được giáo dục theo quan điểm đạo đức Thanh giáo rất khắt khe. Năm 25 tuổi, bà kết hôn với một nhà truyền giáo kiêm giáo sư thần học. Qua 18 năm ở miền Nam nước Mỹ, bà biết nhiều về đời sống cơ cực của người nô lệ da đen. Là mẹ của bảy đứa con, bà có ít thời giờ để viết.

Cuối cùng bà cũng soạn xong Túp lều của bác Tôm (Uncle Tom’s Cabin) hay Đời sống trong đám người hạ đẳng (Life Among the Lowly), đăng tải nhiều kỳ từ tháng 6/1851 đến tháng 4/1852 trên tờ báo chống chế độ nô lệ National Era (Kỷ nguyên quốc gia).

Năm 1852, một nhà xuất bản ở Boston cho in tiểu thuyết thành hai tập, bán được 300.000 bản trong năm đầu. Truyện được chuyển thể thành kịch, đưa lên sân khấu, trở thành vũ khí lợi hại cho phái chống chế độ nô lệ. Tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng.

Beecher Stowe viết nhiều, các tác phẩm chủ yếu chống lại những bất công của xã hội, tác động đến mọi tầng lớp, từ các viên chức chính phủ, giới quý tộc đến người bình dân. Nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất vẫn là Túp lều của bác Tôm, xuất bản vào những năm 50 của thế kỷ XIX, vào đúng thập kỷ mà văn học Mỹ khẳng định tính độc đáo với hàng loạt tác giả như Hawthorne, Melville, Whitman, Longfellow. Beecher Stowe đã sử dụng quan điểm nhân đạo của Thiên chúa giáo để chống lại chế độ nô lệ; tác phẩm cũng kính trọng những người chủ da trắng tốt bụng ở miền Nam. Nhưng về sau, những người da trắng thống trị (đặc biệt ở miền Nam) đã xuyên tạc nhân vật bác Tôm, đưa ra một điển hình người da đen biết chịu đựng, phục vụ chủ, do đó có câu thành ngữ xấu “Uncle Tomism” có nghĩa là sự phục vụ vô điều kiện của người da đen đối với người da trắng.

Đứng về mặt giá trị văn chương, Túp lều của bác Tôm chưa hẳn đã là một kiệt tác, vì nhiều khi, nó bồng bềnh giữa tiểu thuyết tư liệu và lời kêu gọi anh hùng chủ nghĩa. Nhưng nó có sức hấp dẫn do thời điểm của vấn đề đưa ra và lý tưởng cao cả của tác giả, một thí dụ điển hình về sức mạnh huy động lương tâm và quần chúng của văn chương.

Nhiều sử gia cho rằng Túp lều của bác Tôm là nhân tố quan trọng dẫn đến cuộc nội chiến Bắc - Nam, cuộc nội chiến đã giúp xóa bỏ chế độ nô lệ ở nước Mỹ. Khi Tổng thống Abraham Lincoln (1809-1986) gặp Stowe vào năm 1862 đã chào mừng bà bằng câu nói nổi tiếng: “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng nổ cuộc chiến tranh vĩ đại này”.