Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cách tốt nhất để đáp trả lệnh trừng phạt là sự phát triển của các doanh nghiệp Nga. (Nguồn: Sputnik) |
“Cách để Nga hạn chế các tác động xấu từ bên ngoài chính là thúc đẩy tự do kinh doanh mạnh hơn, bảo vệ quyền sở hữu của doanh nghiệp tốt hơn, đảm bảo quyền lợi của những người lao động và làm ăn một cách trung thực", đó là điều Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ở buổi làm việc với giới doanh nhân Nga tại điện Kremlin vào ngày 24/12.
Tổng thống Putin cho biết, ông đã đề cập đến vấn đề này không chỉ một lần và khẳng định thúc đẩy tự do cho các doanh nghiệp tại Nga, cũng như tích cực phát triển hợp tác với các nước khác là phương pháp hiệu quả nhất để đáp lại các lệnh trừng phạt. Nhìn lại năm 2015, ông Putin cho rằng, các công ty và ngân hàng Nga đã hoạt động trong bối cảnh Moscow bị áp đặt lệnh trừng phạt, giá dầu ở mức thấp, tỷ giá hối đoái dao động mạnh. Song, bất chấp các điều kiện khó khăn đó, Nga vẫn đảm bảo hoạt động ổn định cho các doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người lao động.
Bước sang năm mới 2016, các khó khăn của Nga được dự báo sẽ không bớt đi. "Chúng tôi đang có kế hoạch cải thiện hoạt động của tất cả các lĩnh vực thực thi pháp luật, cơ quan điều tra và tư pháp, cũng như để phát triển quan hệ kinh tế với các nước khác, mở rộng tiềm năng của doanh nghiệp trong nước", ông Putin nói thêm.
Nhân dịp này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các doanh nghiệp lớn của Nga tham gia soạn thảo, chuẩn bị các đề xuất trong hợp tác kinh tế với các nước Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ba khối kinh tế này bao trùm một thị trường khổng lồ. Bởi vậy, ông đề nghị các doanh nghiệp lớn phải chuẩn bị các nhiệm vụ cần thực hiện khi hội nhập.
Trước đó, trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Putin cũng đã đề nghị EAEU tham vấn với các nước thành viên SCO và ASEAN trong giai đoạn đầu để có thể tập trung bảo vệ đồng vốn, tối ưu hóa thủ tục lưu thông hàng hóa qua biên giới, cùng soạn thảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm thế hệ mới và cùng mở cửa thị trường dịch vụ và vốn.
Trong khi đó, ngày 21/12, Liên minh châu Âu (EU) thông báo kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng, nhằm vào các ngân hàng, dầu mỏ và quốc phòng Nga. Tiếp sau đó, ngày 22/12, Mỹ lại mở rộng lệnh trừng phạt bằng cách đóng băng tài sản đối với 34 cá nhân và các tổ chức Nga, nhằm gia tăng thêm áp lực lên Moscow. Đáp lại, điện Kremlin thông báo Nga sẽ phân tích quyết định trên từ Washington và có thể sớm đưa ra biện pháp đáp trả.
Kể từ tháng 3/2014 đến nay, Mỹ và các nước phương Tây đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt Nga với cáo buộc rằng quốc gia này có liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.