📞

Dấu ấn ngoại giao văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai

10:00 | 17/06/2021
Nghiên cứu về sức mạnh mềm, các chuyên gia cho rằng, một quốc gia có thể tạo ảnh hưởng lớn trong cộng đồng quốc tế nếu biết vận dụng và phát huy sức mạnh mềm. Trong đó, các hoạt động văn hóa đối ngoại là nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào thành công chung, từng bước nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.
Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tổ chức tại Gia Lai.

Trong rất nhiều tiềm năng và thế mạnh, từ nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, năng lượng xanh sạch, nguồn nhân lực dồi dào... tiềm năng văn hóa, du lịch là một điểm nổi bật về đất và con người Gia Lai. Thiên nhiên đã ưu đãi cho mảnh đất này tiềm năng du lịch sinh thái phong phú, đầy hấp dẫn với những cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, của những khu rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú và đa dạng, những ngọn thác hùng vĩ, những dòng sông quanh co chảy xiết và những hồ nước mênh mông phẳng lặng. Tất cả dường như còn được tô điểm thêm bởi những cánh rừng cao su, đồi chè, cà phê bạt ngàn và những công trình thuỷ điện quốc gia vĩ đại được mệnh danh là kỳ tích trên Cao Nguyên đất đỏ.

Đất và người Gia Lai

Gia Lai còn là cái nôi của nhiều nền văn hóa lâu đời như Bahnar và Jarai thể hiện qua các di chỉ khảo cổ, qua văn hóa nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, tượng nhà mồ và các lễ hội truyền thống cồng chiêng được bảo tồn, vẹn nguyên bản sắc cho đến ngày nay. Gia Lai cũng là vùng đất có truyền thống lịch sử hào hùng với những di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia như Nhà lao Pleiku, Làng kháng chiến Stor - quê hương Anh hùng Núp, quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo và các địa danh chiến trường xưa ác liệt như Đakpơ, An Khê, Hàm Rồng, PleiMe, thung lũng Ladrăng với ngọn Chưpong đã đi vào lịch sử...

Trong cái nôi văn hóa đó, còn có hành trình 15 năm giữ gìn danh hiệu mà UNESCO đã trao cho “Không gian Văn hóa cồng chiêng”, tiến những bước vững chắc trên con đường bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hiện hữu. Trên đất Gia Lai, rất dễ nhận ra các lễ hội truyền thống có từ ngàn đời tiếp tục được duy trì, các nghi lễ liên quan đến vòng đời người và chu kỳ cây nông nghiệp tiếp tục được thể hiện. Dù diễn ra dưới hình thức nào và ở đâu, dù là lễ nghi của gia đình hay cả cộng đồng rộng lớn, thì tiếng chiêng da diết, trầm hùng đã trở thành máu thịt, là một phần không thể tách rời những giá trị căn cốt của nền văn hóa Gia Lai, Tây Nguyên đặc sắc.

Đối với tỉnh Gia Lai, du lịch còn là một trong những thế mạnh được chú trọng để phát triển trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Riêng thành phố Pleiku là một trong những trọng điểm ưu tiên đầu tư để cải thiện một bước về thu hút khách du lịch trong những năm tới với mục tiêu thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” trùng với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh” của Giải Vô địch Quốc gia Marathon cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62 được tổ chức gần đây.

Mới đây nhất, Gia Lai đã hoàn tất hồ sơ để trình UNESCO công nhận Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Theo đó, Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng rộng hơn 65.000 ha với những đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên, sự phong phú của hệ sinh thái rừng kín nhiệt đới, tính đa dạng sinh học cao. Việc công nhận sẽ là cơ hội để giúp người dân phát triển kinh tế thân thiện môi trường, tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa.

Ngoại giao Văn hóa góp phần phát huy sức mạnh mềm

Gia Lai là tỉnh nằm trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam với 90 km đường biên giới giáp tỉnh Ratanakiri - Vương quốc Campuchia. Trong những năm qua, Gia Lai đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm đẩy mạnh công tác đối ngoại, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế, trong bối cảnh chung, tỉnh Gia Lai ngày càng tăng cường đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước và xác định văn hóa đối ngoại là nhiệm vụ quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương, con người, những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh, góp phần vào thành công chung trong hoạt động đối ngoại, từng bước nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh đất nước, con người Gia Lai với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế.

Những năm gần đây, cùng với cả nước, tỉnh Gia Lai hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên các lĩnh vực. Bên cạnh các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với các tỉnh bạn Đông Bắc Campuchia và Hạ Lào, tỉnh chủ động mở rộng thiết lập, duy trì quan hệ hợp tác với các nước như Mỹ, Nga, Cuba, Nam Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Ấn Độ...

Ngoài trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế thì ngoại giao văn hóa đóng vai trò quan trọng, trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất và con người tỉnh Gia Lai ra trường quốc tế, góp phần kêu gọi, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh.

Hành động cụ thể, định vị hình ảnh

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương và Tỉnh ủy, công tác triển khai thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại đạt được nhiều kết quả. Công tác tham mưu, ban hành văn bản chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả, giúp định hướng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược.

Nhận thức các cấp chính quyền và Nhân dân trong tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối ngoại ngày càng được nâng cao, chính người dân là yếu tố quan trọng nhất trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh có chung biên giới của nước bạn được duy trì hiệu quả; hợp tác phát triển văn hóa và giao lưu được các bên tâm quan thực hiện.

Tuy nhiên, là một tỉnh miền núi, Gia Lai có những hạn chế nhất định khiến việc quảng bá văn hoá của tỉnh ra quốc tế chưa được như mong muốn. Chẳng hạn, hạn chế về nhân lực thông thạo ngoại ngữ nên việc giao tiếp, trao đổi thông tin trong các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế chưa đạt hiệu quả cao; công tác xúc tiến, phát triển du lịch đôi khi chưa tạo ra được sản phẩm du lịch đặc trưng riêng; hoạt động của các công ty lữ hành còn riêng lẻ, chưa có sự hợp tác trong quảng bá, xúc tiến và xây dựng sản phẩm du lịch mang tính chất quốc tế; kinh phí tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch ra nước ngoài còn thiếu. Đó là những điểm yếu mà các cấp, các ngành của Gia Lai đang đặt mục tiêu sớm xóa bỏ trong thời gian tới.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ với các nước, chú trọng công tác văn hóa đối ngoại, trong thời gian tới, tỉnh có kế hoạch tiếp tục tích cực tuyên truyền và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác văn hóa đối ngoại. Nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm túc Quyết định 210/QĐ-TTg ngày 08/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc duy trì quan hệ hữu nghị với các địa phương bạn như Lào và Campuchia. Mở rộng các hình thức quảng bá, thu hút các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh hướng đến quá trình hội nhập.

Phối hợp với các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để quảng bá, giới thiệu hình ảnh tỉnh Gia Lai ra nước ngoài nhằm kêu gọi, vận động các nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ, đầu tư vào tỉnh để phát triển du lịch. Nhằm chỉ đạo xây dựng chương trình trong công tác đối ngoại nói chung và Chiến lược văn hóa năm 2021-2025 nói riêng của tỉnh Gia Lai, trong đó xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Gia Lai - Tây Nguyên, để giới thiệu với cộng đồng quốc tế; tổ chức các chương trình phối hợp quảng bá du lịch; chương trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đối ngoại...

Tiếp tục trao đổi thông tin giới thiệu, quảng bá tỉnh Gia Lai; tiếp tục trao đổi thông tin thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch. Quảng bá hình ảnh, văn hóa, sản phẩm du lịch Gia Lai, từng bước định vị hình ảnh, thương hiệu Gia Lai với du khách trong và ngoài nước.

Gia Lai còn là cái nôi của nhiều nền văn hóa lâu đời như Bahnar và Jarai thể hiện qua các di chỉ khảo cổ, qua văn hóa nhà Rông, nhà sàn, nhà mồ, tượng nhà mồ và các lễ hội truyền thống cồng chiêng được bảo tồn, vẹn nguyên bản sắc cho đến ngày nay.