Những hình ảnh về Hà Nội, vịnh Hạ Long, nem rán, nón lá, áo dài… và nụ cười thân thiện mang thương hiệu Việt Nam đã tạo nên dấu ấn không thể nào quên đối với bạn bè quốc tế tham quan hội chợ. |
Hội chợ được tổ chức theo sáng kiến của Câu lạc bộ Phụ nữ Ngoại giao Quốc tế.
Bên cạnh việc bán các sản phẩm đặc trưng, nhân dịp này, các nước còn giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa ẩm thực. Những bài hát, điệu múa và trang phục truyền thống của nhiều nước đã mang đến hội chợ nét văn hóa đa dạng, như đóa hoa rực rỡ sắc màu.
Điểm nhấn gian hàng Việt Nam
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng các nước tham gia cũng như những mặt hàng mà các nước mang đến hội chợ ít hơn những năm trước, gian hàng của Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, vượt qua khó khăn đó, gian hàng Việt Nam vẫn để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng khách tham quan. Những bức tranh phong cảnh, đất nước, con người; đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo và tà áo dài duyên dáng… đã đưa khách tham quan đến với những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Đặc biệt, nem rán, cà phê tỏa hương thơm phức đã níu chân thực khách.
Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Đoàn Thị Hương cho biết, điểm nhấn của gian hàng Việt Nam trong hội chợ lần này là bên cạnh việc giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, văn hóa ẩm thực của đất nước, Đại sứ quán tập trung chủ yếu vào việc quảng bá, giới thiệu đất nước, con người và danh lam, thắng cảnh Việt Nam.
"Cùng với việc tổ Đại sứ quán tổ chức gian hàng, Ban Tổ chức hội chợ còn chiếu bộ phim giới thiệu về danh lam, thắng cảnh, nét sinh hoạt văn hóa và ẩm thực của các vùng, các dân tộc trên mọi miền của đất nước Việt Nam (phim do Đại sứ quán cung cấp).
Qua đó, quảng bá Việt Nam không chỉ có phong cảnh đẹp, món ăn ngon mà còn là đất nước thanh bình, mến khách, là điểm du lịch hấp dẫn. Đồng thời, bạn bè quốc tế cũng thấy được một Việt Nam phát triển năng động, là địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư", Đại sứ Đoàn Thị Hương chia sẻ.
Đồ ăn Việt “cháy” hàng
Do dịch Covid-19 nên Đại sứ quán không thể chuyển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và nguyên liệu làm phở, nem từ Việt Nam sang Mông Cổ. Tuy nhiên, tại hội chợ, không thể không có nem rán và cà phê. Với quyết tâm đó, Đại sứ quán đã huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng người Việt, cùng chung tay, góp sức tham gia.
Khó khăn nhất là việc làm món nem rán. Do không chủ động được nguyên liệu, nên việc làm nem rán khá vất vả. Gần chục người gồm cán bộ Đại sứ quán và các anh chị em cộng đồng người Việt tại Ulan Bator, người cuốn, người rán… làm việc "luôn chân, luôn tay" trong gần 1 ngày.
Và công lao cũng được đền đáp xứng đáng bới sự hài lòng của thực khách. Chỉ trong 2 tiếng sau khai mạc hội chợ, hơn 500 chiếc nem rán và 10 cân thịt nướng theo hương vị Việt Nam đã bán hết. Nhiều người nước ngoài đã trót một lần ăn nem rán nên bị “nghiện”, vì chậm chân, không được thưởng thức tỏ ra vô cùng tiếc nuối.
Ẩm thực Việt "cháy" hàng tại hội chợ. |
Dấu ấn Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế
Gian hàng của Việt Nam đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn bè quốc tế. Nhiều khách quốc tế đã từng đến Việt Nam bày tỏ mong muốn được trở lạị.
Đại sứ Ấn độ tại Mông Cổ MP Singh bày tỏ, dù khó khăn bởi dịch Covid nhưng sản phẩm trong gian hàng của Việt Nam vẫn rất phong phú. "Nhìn những bức tranh Việt Nam và nụ cười của các bạn, tôi cảm nhận được Việt Nam là đất nước xinh đẹp, người Việt Nam hiền hòa, mến khách. Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài, tình cảm như anh em. Chúng tôi mong muốn tiếp tục phát huy mối quan hệ tốt đẹp này", Đại sứ MP Singh nhấn mạnh.
Là phu nhân của nguyên Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam, nhiều năm công tác, sinh sống tại Việt Nam, bà Ariungerel đã trở thành khách hàng quen thuộc của gian hàng Việt Nam mỗi khi có hội chợ.
Như trở về miền ký ức, bà Ariungerel thủ thỉ chia sẻ: "Việt Nam đã trở thành quê hương thứ 2 của tôi. Bởi vậy, nơi tôi tìm đến đầu tiên là gian hàng Việt Nam. Nhìn thấy các bạn là thấy hình ảnh đất nước Việt Nam, tôi như được sống lại những năm tháng đẹp đẽ tại đây. Tôi rất nhớ Hà Nội, vịnh Hạ Long, nhớ nem rán, phở và đồ ăn Việt Nam. Tôi rất mong được trở lại Việt Nam. Tôi rất yêu Việt Nam”.
Đối với các doanh nghiệp, việc tham gia hội chợ của Việt Nam đã mang lại hiện quả lớn. Bà P. Oyunchimeg, Giám đốc marketing, Công ty Du lịch INCRUICES, Ulan Bator bày tỏ, công ty đã đưa nhiều đoàn khách Mông Cổ đến Việt Nam tham quan, du lịch. Việc Đại sứ quán Việt Nam tham gia hội chợ đã giúp công ty quảng bá về du lịch Việt Nam, người Mông Cổ biết đến Việt Nam nhiều hơn, hiểu và yêu thích Việt Nam hơn.
"Qua gian hàng, người Mông Cổ được biết đến những danh lam thắng cảnh nối tiếng của Việt Nam như Hà Nội, vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né… Tôi cho rằng, gian hàng của Việt Nam có sức lan tỏa rất lớn", bà P. Oyunchimeg nói.
| Người Việt tại Mông Cổ chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung bị lũ lụt TGVN. Với tinh thần thương người như thể thương thân, ngày 24/10, tại thủ đô Ulan Bator, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ ... |
| Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ làm việc với tỉnh Zavkhan TGVN. Mới đây, Đại sứ Đoàn Thị Hương cùng đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đã đến thăm, làm ... |
| Trang trọng kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9 tại Mông Cổ và Brazil TGVN. Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020) đã được trang trọng tổ chức tại Mông Cổ và Brazil. |