📞

Đau buồn khiến nữ bệnh nhân bị “Hội chứng trái tim tan vỡ”

09:30 | 23/09/2016
Nhập viện trong tình trạng hôn mê do uống quá liều thuốc ngủ, nữ bệnh nhân tiếp tục rơi vào nguy kịch vì phù phổi cấp, choáng tim. Các bác sĩ xác định, người bệnh bị “Hội chứng trái tim tan vỡ” bởi luôn phải sống trong những chuyện buồn của gia đình.
Trái tim tan vỡ là hội chứng thường xảy ra ở phụ nữ gặp chuyện đau buồn.

Ngày 22/9, BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, tại đây vừa cứu chữa kịp thời cho một phụ nữ bị bệnh lý rất ít gặp. Nạn nhân là bà H.T.Q.P. (45 tuổi, ngụ tại An Giang).

Khai thác bệnh sử ghi nhận, do phải sống trong những chuyện buồn phiền kéo dài của gia đình, bà Q.P. rơi vào tình trạng trầm cảm, phải thường xuyên sử dụng thuốc ngủ.

Sáng 13/9, không thấy bà thức dậy như mọi ngày, người nhà vào phòng thì phát hiện bà đang mê man, lay gọi không phản ứng, kiểm tra vỉ thuốc ngủ thì đã bị bóc 7 viên. Người nhà nhanh chóng đưa bà đến bệnh viện địa phương cấp cứu.

Sau 1 ngày điều trị tại đây nhưng tình trạng hôn mê không thuyên giảm nên bệnh nhân được chuyển tuyến lên bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp tục điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt Đới. Sau khi nhập viện, bệnh nhân bị hạ huyết áp nhanh, nhịp tim tăng cao, phổi trào dịch màu hồng qua ống nội khí quản.

Qua hội chẩn liên chuyên khoa, bác sĩ xác định nhịp tim tăng cao gây choáng tim, phù phổi cấp nên phải sử dụng thuốc vận mạch. Kết quả chẩn đoán ban đầu xác định bệnh nhân bị phù phổi cấp, nhồi máu cơ tim với biểu hiện men tim tăng nên chỉ định thực hiện kiểm tra hình ảnh để chuẩn bị can thiệp mạch vành.

Lúc này, bệnh nhân rất nguy kịch có thể tử vong trên đường di chuyển từ khoa này đến khoa khác hoặc tử vong trên bàn mổ. Sau kết quả kiểm tra hình ảnh, bác sĩ không ghi nhận tình trạng tắc mạch vành, nhưng vùng mỏm tim bệnh nhân phình to vô động, kích thước vùng đáy tim phình lớn.

Tiến hành hội chẩn nhanh, các bác sĩ tại Chợ Rẫy xác định bệnh nhân bị “Hội chứng trái tim tan vỡ” - Takotsubo. Hội chứng này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1990 tại Nhật Bản với biểu hiện của những cơn đau thắt tim ở bệnh nhân, xảy ra khi họ phải đối diện với sự căng thẳng, sự mất mát của bạn bè, gia đình, hay mới chia tay với người yêu. Hội chứng chủ yếu xảy ra với phụ nữ.

BS Thanh Linh cho biết hội chứng diễn ra cấp tính nhưng cơ hội cứu sống rất cao.

Bệnh có biểu hiện tâm thất trái phình to như quả bóng, trông giống Takotsubo (một chiếc rọ để bắt mực). Điều này khiến tim phải chịu áp lực lớn hơn, gây ra cơn đau thắt ngực. Tình trạng người bệnh gặp phải khiến, chức năng cơ tim của bệnh nhân trở nên kém, sinh mạng bệnh nhân có thể bị đe dọa trong thời gian rất ngắn.

Cụ thể ở trường hợp bà Q.P. khi được chẩn đoán đúng bệnh, chức năng co bóp cơ tim chỉ còn 1/5 so với bình thường nên bác sĩ phải duy trì nhịp tim bằng thuốc vận mạch và cho thở máy. Để cứu tính mạng người bệnh, ngay trong đêm 16/9 bệnh viện quyết định cho bệnh nhân sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể - ECMO giúp trái tim nghỉ ngơi, chờ hồi phục.

Phân tích chuyên môn của BS Thanh Linh chỉ ra: Hội chứng trái tim tan vỡ diễn tiến cấp tính rất nguy hiểm nhưng cơ hội hồi phục của người bệnh lại cao hơn so với những trường hợp bị nhồi máu cơ tim. Sau ít ngày chạy ECMO, và điều trị tích cực sức khỏe của bệnh nhân đã bình phục tốt, hiện chức năng tim đã đạt khoảng 80% so với bình thường. Dự kiến chỉ trong vòng 1 tháng tới sức khỏe người bệnh có thể hoàn toàn khỏe mạnh.

Cũng theo BS Thanh Linh, Hội chứng trái tim tan vỡ có tỷ lệ mắc khoảng 1/2000.000. Bất kỳ người nào cũng có thể bị trong trạng thái tâm lý quá vui hoặc quá buồn dù có bệnh lý tim mạch hay không. Khoảng 10% bệnh nhân có nguy cơ tái phát của Hội chứng trái tim tan vỡ nếu họ không thoát khỏi được những căng thẳng của cuộc sống hiện tại. Chính vì thế, với ca bệnh trên dự kiến sau khi kết thúc điều trị chuyên môn bệnh nhân sẽ được bác sĩ tâm lý hỗ trợ để giảm bớt căng thẳng, trầm cảm.