📞

Dầu cọ - lợi ích và nguy cơ

16:16 | 09/07/2015
Mặc dù có những lợi ích nhất định đối với sức khoẻ nhưng tại châu Âu, dầu cọ cũng luôn là chủ đề gây tranh cãi bởi những nguy hại mà sản phẩm này mang lại đối với môi trường cũng như người tiêu dùng.
Cây cọ có nguồn gốc từ châu Phi.

Chiết xuất từ quả cây cọ, dầu cọ được coi là nguyên liệu thô của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và mỹ phẩm châu Âu, đặc biệt là Pháp.

Giải pháp cho làn da và hơn thế nữa...

Có nguồn gốc từ châu Phi, cây cọ được trồng ở những vùng có thời tiết nhiệt đới, chủ yếu là ở Malaysia và Indonesia. Quả cọ trở thành nguyên liệu lý tưởng đối với ngành chế biến thực phẩm và mỹ phẩm bởi giá thành, chất lượng cũng như độ kết dính mà nó mang lại. Chẳng hạn, nó mang lại độ đặc cho các đồ ăn đóng hộp, kéo dài hạn sử dụng của một loại thực phẩm hoặc giúp cho bánh nướng giữ được độ giòn tan...

Chất béo thiên nhiên này cũng có tác dụng làm mềm, giữ ẩm và làm tăng lượng nước trong da và giữ cho da luôn mịn màng. Hãy để ý các thành phần ghi trên bao bì sản phẩm, bạn sẽ thấy loại dầu này có mặt trong nhiều sản phẩm trong phòng tắm của bạn. Nếu xà phòng, dầu gội, kem cạo râu, sữa tắm và mỹ phẩm của bạn có chứa các chất như "elaeis guineensis oil", "elaeis guineensis butter", "hydrogenated palm", "oleine de palme", "sodiul palmate"... có nghĩa là bạn đang tiêu thụ các sản phẩm có chứa dầu cọ.

Các nhà khoa học khẳng định, dầu cọ đỏ (dầu thô, chưa qua xử lý) có tác dụng tốt cho cơ thể nhờ các loại acid béo trong dầu và đặc biệt có lợi cho phụ nữ mãn kinh, mang thai và chống loãng xương. Dầu cọ đỏ chứa rất nhiều vitamin A gấp 15 lần so với cà rốt, mang lại rất nhiều tác dụng cho da như dưỡng ẩm, giữ ẩm, chống nhăn và đẩy mạnh quá trình sản xuất melanin - giúp da chống lại tác hại của tia cực tím.

Các sản phẩm dầu gội chiết xuất từ dầu cọ hiện rất được ưa chuộng trên thị trường bởi nó không chứa silicone, nhựa than hay paraben, có tác dụng chăm sóc và làm bóng tóc. Dầu cọ cũng được dùng như một loại thuốc ủ tóc bởi chức năng phục hồi tóc bị khô, gãy và rụng, đặc biệt là trong tiết hè nắng nóng.

Lợi bất cập hại

Bên cạnh lợi ích thì loại dầu thực vật này cũng gây hại cho sức khỏe vì nó chứa rất nhiều chất béo bão hòa (60%), trong đó có acid panmitic, được biết đến là một loại acid có thể gây nguy hiểm bởi nó dễ tích tụ trong cơ thể, gây xơ vữa mạch máu và ung thư. Nếu sử dụng quá nhiều, lượng cholesterol xấu trong máu sẽ tăng, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Trong công nghiệp chế biến thực phẩm, dầu cọ rất được các nhà sản xuất ưa chuộng bởi nhiều ích lợi. Tuy nhiên, điều này dẫn đến hệ luỵ là người tiêu dùng có thể tiêu thụ quá nhiều thứ chất béo tự nhiên này mà không hay biết. Chẳng hạn, dầu cọ có mặt trong đa số các loại dầu rán, bơ thực vật hoặc các thực phẩm đã qua chế biến. Dầu cọ được sử dụng để thay thế bơ và được dùng để làm bánh mỳ, bánh ngọt và các thực phẩm chế biến sẵn, bởi nó khiến những chiếc bánh có độ mềm và cảm giác như "tan trong miệng".

Thứ tinh dầu thiên nhiên này rất được các nhà hàng ưa dùng bởi giá thành thấp, đặc biệt là khả năng chống ôxy hóa cao khiến thức ăn lâu bị ôi thiu, giúp kéo dài hạn sử dụng của thực phẩm trong mọi điều kiện thời tiết mà không cần phải sử dụng chất bảo quản.

Theo lời khuyên của các chuyên gia về sức khoẻ, dầu cọ chỉ phát huy tối đa thế mạnh là loại tinh dầu có nguồn gốc 100% tự nhiên của nó khi được sử dụng để chăm sóc bên ngoài cơ thể như chăm sóc và phục hồi hư tổn trên da, tóc... Nhưng khi tiêu thụ dầu cọ như một loại thực phẩm thì những nguy cơ đối với sức khoẻ con người là rất khó kiểm soát.

Bích Thủy (tổng hợp)