📞

Dấu hiệu nhận biết và phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở trẻ em

11:15 | 05/02/2023
Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở trẻ em thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, độ ẩm trong không khí giảm thấp, trẻ em có thể mắc căn bệnh này khoảng 6 đến 8 lần trong năm.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, lúc trời trở lạnh, độ ẩm trong không khí giảm thấp. (Nguồn: SKĐS)

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nhiễm khuẩn đường hô hấp trên có thể là virus; vi khuẩn hoặc cảm lạnh.

Ngoài ra, do trẻ em hệ thống miễn dịch cơ thể còn yếu nên dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm mũi họng, viêm xoang, viêm VA, viêm Amydal, viêm tai giữa...

Điều kiện thuận lợi gây bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên

Do thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi giao mùa. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa (khoảng tháng 9 đến tháng 3), lúc trời trở lạnh, độ ẩm trong không khí giảm thấp là những điều kiện thuận lợi gây bệnh

Bệnh hay gặp hơn ở trẻ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh mãn tính kèm theo và không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ.

Trẻ sống trong môi trường chật hẹp, ô nhiễm, vệ sinh kém, nhiều khói bụi, thuốc lá.

Môi trường có nguồn lây trẻ hít phải dịch tiết có chứa vi khuẩn hay virus do người bệnh bắn ra khi họ, hắt hơi, sổ mũi, trẻ cầm nắm các vật dụng, đồ chơi nhiễm bẩn bị bám dịch tiết hay có sự hiện diện của các vi sinh vật gây bệnh.

Một số biểu hiện khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp trên

- Sốt, ho, chảy mũi

- Trẻ lười ăn, nôn, rối loạn tiêu hoá

- Trẻ có thể quấy khóc về đêm nếu bị viêm tai giữa, viêm xoang....

Cách phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên

Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

Cho trẻ bú mẹ từ những giờ đầu sau sinh và duy trì đến 2 tuổi.

Ăn dặm đúng thời điểm với chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Cho trẻ uống nhiều nước hơn, ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng.

Cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.

Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Tránh nhiễm lạnh cho trẻ bằng cách không cho trẻ ăn uống đồ quá lạnh.

Không nên tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá và bụi, giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ.

Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.

Phát hiện sớm các biểu hiện của nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ để được tư vấn bác sĩ.

(theo SK&ĐS)