Ảnh minh họa. |
Những mệnh lệnh này là cần thiết để xoa dịu các âu lo chính đáng năm ngày trước đó khi hay tin "Việt Nam sắp phát hành thêm một tỷ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế để để tái cơ cấu nợ công" chỉ một tháng rưỡi sau đợt phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn mười năm ra thị trường vốn quốc tế hôm 7/11/2014 để hoán đổi nợ. Người dân, lo đau đáu việc nước, lần ấy vui theo khi hay tin "nhờ điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, lô trái phiếu có mức lãi suất cố định 4,8% một năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,125%, cũng như là mức lãi suất thấp nhất từ trước đến nay. Trước đó, trái phiếu phát hành năm 2005 và 2010 có mức lãi suất lần lượt là 6,875% và 6,755%" ! Song, chỉ không đầy hai tháng sau lại hay tin phát hành thêm một tỷ USD trái phiếu quốc tế nữa để "tái cơ cấu nợ", họ không thể không lo âu nghĩ rằng: Đã quá lúc để tranh luận xem nợ công đã chạm mức trần 65% mà Quốc hội cho phép hay chưa hoặc cơ cấu nợ hiện là bền vững hay không, mà là bàn xem làm gì để tự tháo gỡ.
Trong số những "việc cần làm ngay" ở giai đoạn này là tính toán tác động của việc giảm giá dầu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã dũng cảm đưa ra trên VTV tối 17/12 nhận xét: "Nếu giá dầu tiếp tục giảm, sản xuất sẽ không còn có lãi, hoặc có lãi nhưng không đáng kể". Và một khi giảm sản lượng dầu rồi thì làm sao? Theo tính toán của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giảm khoảng 30% tổng sản lượng khai thác của kế hoạch hiện nay, thì tăng trưởng GDP có thể giảm theo từ 0,8 - 1,2%. Cám ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời thông tin về những khó khăn đã, đang và sẽ còn chờ đất nước này trong năm tới. Tất nhiên, giá dầu nhập giảm, giá xăng giảm cũng có mặt lợi ích của nó, song đó mới chỉ là trên lý thuyết: Giá điện (cho dù nhiệt điện có chạy dầu) vẫn đang đòi tăng, giá vận chuyển, hàng hoá, dịch vụ vẫn dẫm chân tại chỗ sau đợt tăng giá đầu năm và đang cận kề Tết ta!
Vấn đề nan giải là: Làm gì khi tăng trưởng giảm như thế trên một nền tăng trưởng chỉ hơn 5%/năm? Nhất định là phải giảm chi. Một hộ gia đình khi thấy hàng họ nhà mình bán không "ăn" nữa, chỉ sản xuất cầm chừng, thấy túi tiền mình mất "vô" có đến ¼ thu nhập, không thể cứ tiêu "điên cuồng" như trước được! Một quốc gia với hàng chục triệu hộ gia đình nhất thiết cần tằn tiện hơn nữa, vì nếu có sơ sẩy là vận mệnh quốc gia lâm nguy. Khi giá dầu giảm, đơn giản là giảm thu ngoại tệ sở hữu. Và đây mới chính là đồng tiền dùng để trả nợ nước ngoài, chớ nguồn thu xuất khẩu từ FDI của các nhà đầu tư nước ngoài là tiền của... họ, đâu có đem trả nợ được!
Cuộc họp trực tuyến ngày 30/12 đã phát đi thông điệp "tằn tiện" ngân sách, một mệnh lệnh "tằn tiện" cho bộ máy Nhà nước trong chi tiêu thường xuyên lẫn không thường xuyên. Đây là lời hiệu triệu nhân dân cùng "tằn tiện"! Từ cuộc họp trực tuyến đó, Bộ Tài chính sẽ sắp xếp lại chi tiêu, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về "tằn tiện", sẽ tiến tới đảm nhiệm việc duyệt ngân sách từ khâu ước chi chứ không chỉ hậu chi như cho tới nay... Cắt giảm mọi chi tiêu thường xuyên và không thường xuyên vô ích, đó là những gì mà đa số dân chúng đang mong mỏi!
Dân Đức (TP. Hồ Chí Minh)