📞

Đấu tranh phòng chống bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành

15:43 | 27/10/2016
Sáng 27/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phòng, chống Ma tuý và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức Kỳ họp thứ 2 Nhóm Nghiên cứu Pháp luật khu vực về bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành. 

Cuộc họp có sự tham dự của các đại diện cấp cao từ bốn quốc gia trong khu vực (bao gồm: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) cũng như các đại diện của Liên hợp quốc, Đại sứ quán Anh, JICA và các đối tác phát triển. Đây là kỳ họp tiếp theo kỳ họp thứ nhất của Nhóm Nghiên cứu Pháp luật khu vực đã tổ chức tại Bangkok, Thái Lan do Bộ Tư pháp Thái Lan chủ trì (tháng 9/2015).

Các cán bộ cấp cao của Bộ tư pháp Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã cùng nhau ngồi lại để chia sẻ kết quả nghiên cứu luật pháp. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết, kỳ họp nhằm tạo ra một diễn đàn cho các đại biểu từ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam định ra các cơ hội hợp tác về nghiên cứu pháp luật liên quan đến bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành thời gian tới.

Ông Christopher Batt, phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam khẳng định, bóc lột tình dục trẻ em là một sự vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em và là một vấn đề hết sức phức tạp.

Trong khu vực Đông Nam Á, bóc lột tình dục trẻ em vốn gắn liền với sự phát triển không ngừng của ngành du lịch khu vực và quốc tế. Sự phát triển này mỗi năm đã mang một số lượng lớn khách du lịch nước ngoài và cả nội địa đến các thành phố, các khu nghỉ dưỡng ven biển, và các di tích lịch sử của các quốc gia. Cộng với tình hình kinh tế và xã hội, đặc biệt là ở khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng, đã khiến cho một số khu vực trở thành điểm đến lớn của loại tội phạm gọi là ‘du lịch tình dục’.

Trong năm 2012, tại một cuộc họp về hợp tác thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh chống bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành của dự án Trẻ em của UNODC, Việt Nam là quốc gia đi đầu cho ý tưởng thành lập Nhóm nghiên cứu pháp luật khu vực.

Kể từ đó, các thành viên của nhóm khu vực đã luân phiên tổ chức các kỳ họp hàng năm để chia sẻ các tiến trình và xu hướng mới nhất về khuôn khổ pháp lý và thực thi pháp luật nhằm đối phó với tội phạm bóc lột tình dục trẻ em.

Các đối tượng tội phạm du lịch tình dục trẻ em đặt ra mối nguy cơ lớn, ngày càng gia tăng cho các cán bộ thực thi pháp luật trong khu vực. Trước thực trạng này “đòi hỏi hoạt động ứng phó về pháp lý và thực thi phải toàn diện và được điều phối hiệu quả - cả trong nước và với các đối tác khu vực. Chừng nào còn tồn tại các lỗ hổng về pháp lý, các đối tượng tội phạm du lịch tình dục trẻ em sẽ còn tiếp tục trốn tránh được sự trừng phạt của công lý”, ông Christopher Batt nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa kêu gọi, các quốc gia hãy cùng nhau hợp tác, vượt qua những khác biệt, trở ngại về văn hóa, pháp luật, đưa ra những giải pháp nhằm loại bỏ khoảng trống trong pháp luật, tăng cường hiệu quả thực thi để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ trẻ em, chống bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành, giúp trẻ phát triển tốt, sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.Trọng tâm các nỗ lực phòng, chống du lịch tình dục trẻ em của Chính phủ Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia là cải cách pháp luật và tư pháp. Việc sửa đổi Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự và một số luật khác có liên quan của Việt Nam hiện nay nhằm tăng cường cơ sở pháp lý để đấu tranh với tội phạm bóc lột tình dục trẻ em.

Khi các nước Đông Nam Á ngày càng phát triển và liên kết với nhau hơn, chi phí viễn thông và du lịch hàng không trở nên hợp lý hơn thì tội phạm bóc lột tình dục càng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các nạn nhân là trẻ em. Do đó, cần phải có các biện pháp thích hợp để bảo vệ trẻ em.

Với mục tiêu này, các cán bộ cấp cao của Bộ tư pháp Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã cùng nhau ngồi lại để chia sẻ kết quả nghiên cứu luật pháp và khuyến nghị nhằm tăng cường pháp luật, thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế để bảo vệ trẻ em khỏi tội phạm bóc lột tình dục xuyên quốc gia.

UNODC hỗ trợ thành lập và kết nối Nhóm Nghiên cứu pháp lý khu vực, trong đó tập trung nghiên cứu vấn đề liên quan đến bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành. Nhóm duy nhất này hỗ trợ hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, phù hợp với luật bảo vệ trẻ em, và chia sẻ các kiến thức về tính hiệu quả của các phương pháp tiếp cận đặc biệt về luật pháp và chính sách. Đối phó với tội phạm bóc lột tình dục trẻ em đòi hỏi hơn cả một hệ thống pháp lý toàn diện.

Theo báo cáo của UNODC, "Bảo vệ tương lai: Nâng cao đối phó với tội phạm bóc lột tình dục trẻ em ở Đông Nam Á", phát triển khuôn khổ pháp lý và tư pháp cần được kết hợp song hành với nâng cao năng lực của cán bộ thực thi pháp luật và thay đổi thái độ của cán bộ tư pháp hình sự. Với bộ tài liệu đào tạo tiêu chuẩn, UNODC đảm bảo rằng các cán bộ thực thi pháp luật sẽ được trang bị cơ sở kiến thức chung dựa trên quyền, lấy nạn nhân làm trung tâm, và các phương pháp tiếp cận thân thiện với trẻ để điều tra và truy tố qua biên giới.