Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân nữ ASEAN tổ chức ngày 9/11/2020 tại Hà Nội. |
Xin bà cho biết vai trò của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đối với sự phát triển của các doanh nghiệp và doanh nhân nữ trong 2 thập niên qua kể từ khi Hội đồng được thành lập?
Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, được thành lập ngày 8/5/2001 thuộc Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có chức năng đại diện nhằm hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các doanh nhân nữ; doanh nghiệp, tổ chức của doanh nghiệp do nữ làm chủ; hỗ trợ xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế cho các doanh nhân nữ; hỗ trợ xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và thực hiện bình đẳng giới trong doanh nghiệp.
Trải qua 20 năm hình thành, phát triển và đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam với sự dẫn dắt của ba Chủ tịch: Chủ tịch Hoàng Thị Dương Hà, Chủ tịch Trần Thị Thủy, Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vị thế và uy tín ở trong nước, khu vực và quốc tế.
Là tổ chức ra đời sớm nhất, đại diện cho cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam, với sứ mệnh “Kết nối các doanh nhân nữ Việt”, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã nỗ lực, đưa ra nhiều sáng kiến, tổ chức, triển khai các hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp thông qua các lĩnh vực: Vận động chính sách; xúc tiến thương mại và đầu tư; đào tạo nâng cao năng lực hội viên; kết nối kinh doanh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu doanh nhân; thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa và thúc đẩy bình đẳng giới trong doanh nghiệp…
Nhiều hoạt động đã để lại những dấu ấn quan trọng tại Việt Nam, khu vực và quốc tế, trở thành “thương hiệu” của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam như: Tôn vinh Danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” – Cúp Bông hồng Vàng; tổ chức Đoàn doanh nhân nữ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu; Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam; Diễn đàn/Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN; Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC; Sáng lập, điều phối và cố vấn cho hoạt động của Nhóm công tác hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế (GED) giai đoạn 2012 – 2014, Mạng Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) từ năm 2014 đến nay…
Với sự cống hiến và thành tích đã đạt được, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nữ Việt Nam, được cộng đồng doanh nghiệp nữ tin yêu, khẳng định được thương hiệu và vị thế của mình trong nước và quốc tế.
Bà từng chia sẻ rằng “đầu tư cho phụ nữ là chìa khoá cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia". Bà có thể nói rõ hơn về điều này? Theo nhìn nhận của bà, nữ doanh nhân Việt Nam đã được tạo điều kiện như thế nào để có thể phát huy khả năng và không bị phân biệt đối xử?
Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (SDG5) vừa là mục tiêu, vừa là một phần giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác của Liên hiệp quốc. Bình đẳng giới là một động lực góp phần vào sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.
Thực tế cho thấy, những quốc gia có tỷ lệ bình đẳng giới cao hơn sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn. Nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ không thể phát triển bền vững nếu thiếu đi sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm và sáng tạo của phụ nữ.
"Những quốc gia có tỷ lệ bình đẳng giới cao hơn sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn. Nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ không thể phát triển bền vững nếu thiếu đi sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm và sáng tạo của phụ nữ". |
Thúc đẩy cơ hội việc làm, cống hiến và thăng tiến của phụ nữ và nam giới trong cộng đồng, nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng sẽ khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mỗi giới, đó chính là sự bổ sung hoàn hảo, là một trong những động lực quan trọng để đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững của mỗi quốc gia và mỗi doanh nghiệp.
Nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế cũng đã nhận định vai trò quan trọng của phụ nữ trong các nền kinh tế.
Báo cáo "Sức mua - Buying power" của công ty nghiên cứu Catalyst công bố tháng 4/2020 cho biết, phụ nữ chiếm hơn 31,8 ngàn tỷ USD trong chi tiêu toàn cầu. Nghiên cứu năm 2019 của McKinsey chỉ ra rằng trong 1/4 các công ty đứng đầu về đa dạng giới trong đội ngũ điều hành, có khoảng 25% có khả năng đạt lợi nhuận bình quân cao hơn so với các công ty ở nhóm 1/4 cuối.
Việt Nam đã tham gia các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, đã ban hành các chính sách, pháp luật và chương trình hành động như: Luật Bình đẳng giới năm 2006; Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 và giai đoạn 2021-2030... nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, y tế cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình, các dòng họ và cộng đồng.
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2019, phụ nữ chiếm 50,2% dân số, 49% lực lượng lao động (tương đương với nam giới). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 68,7%. Tỷ lệ này cao hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới (trung bình là 38.8 %).
Kết quả điều tra doanh nghiệp dân doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) những năm gần đây, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng gia tăng theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009, đến tháng 9/2019, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Có thể thấy rằng, phụ nữ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, đầu tư cho phụ nữ là đầu tư cho hiện tại và tương lai một cách có trách nhiệm với quá khứ. “Đầu tư cho phụ nữ” là đầu tư thông minh. Một quốc gia phát triển kinh tế theo định hướng bền vững và nhân văn chắc chắn sẽ thịnh vượng.
Xin bà cho biết trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các doanh nhân nữ gặp những khó khăn như thế nào? Hội đồng có sự trợ giúp ra sao?
Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, dệt may, da giầy, nông nghiệp, chế biến thủy hải sản…
Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Minh. |
Trong bối cảnh giãn cách xã hội (tháng 3/2020) Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam và VCCI đã đóng góp sức người và trí tuệ thực hiện nghiên cứu nhanh, thu thập thông tin, đánh giá và dự báo tác động của dịch bệnh đối với các doanh nghiêp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, từ đó đưa ra các khuyến nghị gửi VCCI, các tổ chức hỗ trợ phát triển, các tổ chức tài chính và cơ quan có liên quan, cung cấp đầu vào cho việc xây dựng chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ khắc phục khó khăn trong và sau đại dịch.
Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, có tới 72,2% doanh nghiệp nhận định dịch bệnh sẽ làm mất/thu hẹp thị trường tiêu thụ; 62,9% nhận định doanh nghiệp sẽ thiếu vốn/dòng tiền kinh doanh; 25,9% cho rằng sẽ bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào; 44,4% trả lời doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp lực lượng lao động, 29,6% doanh nghiệp trả lời sẽ không có khả năng trả được khoản nợ vay ngân hàng đến hạn.
Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phối hợp với các đối tác để triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ như: cung cấp thông tin giúp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chuyển đổi mục đích dự án sang hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ thông qua Ngân hàng Nhà nước và được triển khai bởi 5 ngân hàng thương mại là: BIDV, VP Bank, Tiên phong Bank, ACB, SHB; ký thỏa thuận hợp với Ngân hàng Standard Charter triển khai gói tín dụng 25 triệu USD hỗ trợ cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam (2020-2021); thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) giai đoạn 2021-2023 triển khai “Chương trình Tài chính toàn diện dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận tài chính thông qua các giải pháp tài chính và phi tài chính; tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực về chuyển đổi số và kỹ năng kỹ thuật số;…
Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đang dần trở thành hiện thực phát triển tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp nữ Việt Nam đang nắm bắt xu thế này như thế nào?
Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế số. Công nghệ số cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn thấp.
Khảo sát về tình hình chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ do nữ làm chủ của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI tháng 3/2021 cho thấy hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ (99% trả lời) đều quan tâm đến việc đầu tư các sáng kiến công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Nhưng trên thực tế, doanh nhân nữ còn lúng túng về cách thức triển khai, lựa chọn các giải pháp công nghệ phù hợp, lựa chọn các khâu đột phá và thực hiện các bước, quy chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Chỉ 18,45% doanh nhân nữ tham gia khảo sát trả lời đã lồng ghép chuyển đổi số vào chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi chỉ 17,5% ứng dụng công nghệ để tự động hóa các hoạt động chính như mua hàng, quản lý hàng tồn kho và 30% ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin vào quản lý tài chính, kế toán, quản lý nhân sự ...
"Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đều quan tâm đến việc đầu tư các sáng kiến công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh". |
Mặc dù nhận thức được cơ hội và lợi ích của chuyển đổi số, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như: chưa hiểu biết đầy đủ, thiếu kiến thức và kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số, nguồn lực tài chính và nhân lực kỹ thuật còn hạn chế…
Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cũng đã nắm bắt được xu hướng chuyển đổi số từ rất sớm nên đã chủ động đề nghị và phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để triển khai các khóa đào tạo kỹ năng kỹ thuật số, kỹ năng marketing trực tuyến, tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nhân nữ trong nền kinh tế số và đang tiếp tục triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp do nữ làm chủ nâng cao năng lực, thích ứng với bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.