📞

Đầu xuân thăm vài điểm du lịch văn hóa tâm linh ở Hà Nội

07:00 | 31/01/2017
Vào mỗi dịp đầu xuân năm mới, Phủ Tây Hồ và Khu di tích đền Bia Bà - đình La Khê được người dân Hà Nội coi là địa điểm văn hóa tâm linh linh thiêng để cầu tài lộc nhân dịp đầu năm.

Phủ Tây Hồ  

Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây, ngày trước vốn là một làng cổ của kinh thành Thăng Long, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Vào mỗi dịp đầu xuân năm mới, Phủ Tây Hồ được người dân Hà Nội coi là một trong những địa điểm văn hóa tâm linh linh thiêng để cầu tài lộc nhân dịp đầu năm.

Cổng chính vào Phủ Tây Hồ. (Ảnh: Trung Hiếu)

Phủ Tây Hồ là nơi thờ Bà chúa Liễu Hạnh - một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh) và là một trong những đại diện đạo Mẫu ở Việt Nam.

Tục truyền rằng: bà là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì lỡ đánh vỡ ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ, để giao lưu vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu.

Người tiên nữ ấy đã giúp dân an cư lập nghiệp, diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan. Đến thời triều Nguyễn bà được nhà vua phong “mẫu nghi thiên hạ” và coi là một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” của Việt Nam.

Đông đảo người dân Hà Nội hành hương tại Phủ Tây Hồ vào dịp đầu xuân. (Ảnh: Trung Hiếu)

Phủ Tây Hồ còn có một huyền tích xuất xứ khá ly kỳ: Chuyện xưa kể, nơi đây là nơi hội ngộ của Bà chúa Liễu Hạnh và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán nước của bà chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi.

Sau này, khi Phùng Khắc Khoan có dịp trở lại tìm thì dấu vết quán và người xưa đã không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông đã lập đền thờ người tri âm, đó chính là Phủ Tây Hồ ngày nay.

Phủ Tây Hồ bao gồm cổng làm kiểu tam quan, kiến trúc chính gồm Tam tòa Thánh mẫu, phương đình, tiền tế, hậu cung; điện Sơn Trang, lầu Cô, lầu Cậu, nhà khách.

Kiến trúc bên trái là Lầu Cô thuộc Phủ Tây Hồ. (Ảnh: Trung Hiếu)

Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích Lịch sử-Văn hóa ngày 13/2/1996.

Được coi là nơi linh thiêng nên phủ Tây Hồ được nhiều người đến cầu phúc, cầu lộc, nhất là vào ngày 3 tháng Ba và ngày 13 tháng Tám âm lịch là ngày lễ chính ở đây. (Ảnh: Trung Hiếu)

Vào dịp tết đến xuân về, số lượng du khách khắp nơi đổ về đây rất đông, vì cùng với việc lễ cầu may, họ còn thưởng ngoạn cảnh đẹp Tây Hồ, nhớ về “áo mây xe gió” của bà chúa Liễu Hạnh. 

Các cụ cao tuổi làm công việc viết sớ phục vụ khách hành hương. (Ảnh: Trung Hiếu)
Một lão ông với nụ cười hồn hậu. (Ảnh: Trung Hiếu)

Bia Bà - La Khê

Một địa điểm du xuân và tâm linh khác mà đông đảo người dân Hà Nội tìm về trong những ngày đầu xuân là Khu di tích đền Bia Bà - đình La Khê ở quận Hà Đông.

Làng La Khê xưa, nay là phường La Khê, vốn là làng Việt cổ, đất dệt the truyền thống và khoa bảng nổi tiếng, là một trong “tứ danh hương Mỗ - La - Canh – Cót”; còn giữ được nhiều di tích văn hóa độc đáo.

Khu di tích này bao gồm:

1. Đình La Khê:

Ngôi đình được xây dựng ở giữa khu dân cư, xung quanh có hệ thống tường bao, phía trước là một ao rộng tạo nên sự thoáng mát và cũng là nơi tụ thủy tụ phúc. Đình có mặt bằng rộng, với nhiều công trình như cổng đình, nhà Tiền tế, Trung cung và Hậu cung.

Đình La Khê thờ hai vị Thiên thần: Hoắc Diện đại tướng quân và Tiên Thiên Bảo Hoa công chúa.

Đình La Khê có niên đại đầu thế kỷ 17, đến thế kỷ thứ 18 được tu bổ lớn. Đình có hình thức trang trí đơn giản, không có nhiều hoa văn. Các bức tường, cột hiên được xây bằng gạch Bát Tràng. Đây là kiến trúc thường gặp ở thời Nguyễn, sử dụng vôi vữa là chính.

Cổng chính vào khu di tích Bia Bà - La Khê. (Ảnh: Trung Hiếu)

Đình La Khê lưu giữ khá nhiều di vật quý, trong đó có những di vật có giá trị được tạo tác công phu như hương án, hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị. Ngoài ra còn có một tấm bia thờ 10 vị Tổ sư nghề dệt the. Đình đã được các triều vua từ thời Lê đến thời Nguyễn ban 28 đạo sắc phong. Nhà Nguyễn đã ban sắc 10 vị Tổ nghề the là “Dực Bảo tôn thần”.

Đình La Khê được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1998.

2. Chùa Diên Khánh:

Chùa Diên Khánh được xây dựng từ đời Lý, đến đời vua Thiệu Trị (1845) thì được tu sửa lại. Đây là ngôi chùa cổ nổi tiếng linh thiêng trong vùng. Chùa được xây dựng trên nền đất cao, mặt chính nhìn về hướng nam, các công trình chủ yếu gồm Tam quan, Tiền đường và Thượng điện.

Tượng Phật Quan Thế Âm trước sân chùa Diên Khánh. (Ảnh: Trung Hiếu)

Trong chùa còn giữ lại được nhiều di vật quý hiếm như cụm văn bia từ đời Lê, chuông đồng đúc từ thời vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn, trên mặt chuông có khắc bài minh nổi tiếng của tiến sỹ Ngô Trọng Khuê, có nhiều tượng Phật quý niên đại từ đời Trần đến đầu thế kỷ 20 như pho tượng Đức Giáo chủ Bổn Sư bằng đá (đây là pho tượng có giá trị cao về nghệ thuật đời Lý, được xếp thứ 2 sau pho tượng Phật ở Hà Bắc) và nhiều pho tượng bằng gỗ có niên đại từ thời Mạc đến đầu thế kỷ 20.

Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989.

Chùa Diên Khánh là ngôi chùa cổ từ thời Lý, nổi tiếng linh thiêng. (Ảnh: Trung Hiếu)

3. Bia Bà:

La Khê còn nổi tiếng với địa chỉ tín ngưỡng dân gian Bia Đức thánh Bà - nơi thờ bà Trần Thị Hiền con gái cụ đô lục sĩ, dũng quận công Trần Chân. Bà là đệ nhị vương phi, vợ vua Mạc Đăng Doanh. Bà vừa xinh đẹp dịu dàng vừa đức thục đoan trang. Lúc còn sống, Bà hay giúp đỡ người nghèo khó, hướng dẫn người dân cách làm ăn, mở mang nghề dệt... Năm Canh Tuất (1538), Bà đã yên nghỉ vĩnh hằng tại cánh đồng Vang - nơi mảnh đất quê hương. Trước khi mất Bà đã trao lại toàn bộ ruộng vườn, tài sản cho nhân dân.

Tương truyền Bà rất linh thiêng, hay hiển linh tiếp tục giúp đỡ mọi người, nên từ đời này sang đời khác trải qua hơn 550 năm, Bà được nhân dân quanh vùng thờ phụng thành kính.

Nhớ ơn công đức của Đức Bà nhân dân đã lập đền thờ Bà tại cổng làng. Năm 1982 dân làng La Khê đã rước tấm Bia ghi công đức của Bà về khu Di tích La Khê để thờ phụng.

Người dân thành kính lễ ở khu di tích Bia Bà - La Khê. Ảnh: Trung Hiếu