Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chủ trì phiên họp thường kỳ lần thứ 5. (Ảnh: Anh Sơn) |
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã chủ trì phiên họp thường kỳ lần thứ 5 để cập nhật tình hình, trao đổi thông tin, kiểm điểm, đánh giá các mặt công tác trong năm 2023, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Tin liên quan |
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu thực hiện tốt 7 nhiệm vụ chủ yếu |
Tham dự cuộc họp có đại diện Ban Nội chính Trung ương cùng các ủy viên Ban Chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Nguyễn Xuân Ánh, Thường trực Ban Chỉ đạo điểm lại kết quả công tác PCTNTC của Bộ Ngoại giao năm 2023, nhất là từ sau cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 29/8/2023 đến nay, khẳng định công tác PCTNTC tiếp tục được Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài với phương châm “phòng ngừa, ngăn chặn là chính”.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, tìm ra các mắt xích yếu để kịp thời tháo gỡ, khắc phục. Những lĩnh vực tập trung chỉ đạo gồm công tác chính trị, tư tưởng; xây dựng, cập nhật và hoàn thiện quy chế, quy trình; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; đề cao thái độ phụng sự, tư duy phục vụ trong toàn Ngành…
Bộ Ngoại giao đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về PCTNTC bằng nhiều hình thức, từ cấp Bộ đến từng đơn vị và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (CQĐD), tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đồng thời khuyến khích cán bộ, đảng viên nỗ lực, phấn đấu cống hiến xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh.
Nổi bật là tổ chức thành công hội nghị trực tuyến tại 94 điểm cầu CQĐD để nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền những tư tưởng chủ đạo, nội dung cơ bản, cốt lõi của Cuốn sách“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” và “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Nguyễn Xuân Ánh, Thường trực Ban Chỉ đạo điểm lại kết quả công tác PCTNTC của Bộ Ngoại giao năm 2023. |
Bên cạnh đó, Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến của Ban cán sự đảng Bộ với cấp ủy các đơn vị trong Bộ và các CQĐD về công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, coi công tác lãnh sự và bảo hộ công dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đề ra một số nhiệm vụ cụ thể, gắn với vai trò, trách hiệm của người đứng đầu, đảng viên của cơ quan, đơn vị…
Báo cáo nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã quyết liệt, khẩn trương triển khai việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy trình, quy định của Bộ và của các cơ quan, đơn vị. Theo đó, hoàn thiện 76 quy trình cấp Bộ, 50 quy chế, quy định cấp Bộ giai đoạn 2023-2024, nhất là đã ban hành Quy chế làm việc mới cũng như Kế hoạch rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy chế công tác của Bộ Ngoại giao giai đoạn 2023-2024.
Đồng thời, cũng có 115 quy chế, quy trình, quy định, phân công công tác được ban hành tại 41 CQĐD. Việc hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình, theo Chánh Thanh tra Nguyễn Xuân Ánh là nhằm đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả kiểm soát, ngăn ngừa sai phạm.
Đặc biệt, sau khi Nghị định số 81/2022/NĐ-CP ngày 14/10/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao có hiệu lực thi hành từ 01/12/2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã ban hành 28 Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; trình cấp có thẩm quyền ban hành các Quyết định của 2 đơn vị cấp Tổng cục.
Đến nay, Bộ Ngoại giao đã cơ bản hoàn thành các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, tạo điều kiện cho các đơn vị tập trung, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, Thanh tra Bộ đã hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra năm 2023, 100% kế hoạch kiểm tra chuyên đề PCTNTC và hiện đang tích cực triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2024. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ đã hoàn thành 100% chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023, đã ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã triển khai thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của công chức tại Cục Lãnh sự trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Hoạt động thanh tra chuyên đề nàybảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đáp ứng các yêu cầu của Thanh tra Chính phủ về tiến độ, xây dựng báo cáo, thể hiện rõ mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, đề cao thái độ phụng sự, tự duy phục vụ.
Đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo bày tỏ sự quyết tâm trong thực hiện công tác PCTNTC tại Bộ Ngoại giao, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đối với công tác này là thống nhất, toàn diện, thường xuyên và lâu dài.
Bộ trưởng ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua, từ việc triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, đến việc hoàn thiện các quy chế, quy trình..., coi đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “Tiền hô hậu ủng, Trên dưới đồng lòng, Dọc ngang thông suốt”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, trong đó có một số đơn vị, CQĐD chưa nhận thức đầy đủ, nghiêm túc về vai trò của công tác PCTNTC, chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện các chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và hướng dẫn các đơn vị chức năng, chậm xây dựng, cập nhật quy chế, quy trình nội bộ.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số chưa mang tính đột phá, triển khai chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Mức độ chuyển biến sang “tư duy phục vụ” trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các CQĐD đôi lúc, đôi chỗ còn chậm, dẫn đến tình trạng tình trạng phản ánh, thắc mắc của công dân...
Cùng với đó, lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn mỏng nên chưa tổ chức được nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu thực tế.
Với phương châm “đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, cầu thị, đổi mới”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kêu gọi sự đồng lòng, ủng hộ của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Bộ; tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Trung ương về công tác PCTNTC; Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với Ban cán sự đảng Bộ trong các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; phát huy các kết quả đạt được và khẩn trương nghiên cứu khắc phục những tồn tại, hạn chế; các thành viên Ban Chỉ đạo cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của Thủ trưởng đơn vị, cán bộ, đảng viên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCTNTC của Bộ, trước hết là tại các đơn vị do các thành viên quản lý và phụ trách.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu kết luận Phiên họp. |
Thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn yêu cầu toàn Ngành tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, thường xuyên, liên tục cập nhật, phổ biến, quán triệt nghiêm túc các quy định, chỉ thị, hướng dẫn mới về công tác PCTNTC của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC;
Hai là, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ, quyết liệt của Ban Chỉ đạo; phát hiện và chỉ đạo xử lý kịp thời, chấn chính những khâu, mắt xích yếu, việc khó, còn nhiều vướng mắc; tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, nhiệm vụ trọng yếu để giải quyết; các đơn vị chức năng thuộc Bộ phải “thuộc bài”, cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao theo chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của ban Chỉ đạo thành kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị.
Ba là, tiếp tục xây dựng các quy chế, quy trình và hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình của Bộ trong 06 tháng đầu năm 2024. Các đơn vị tập trung hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, đổi mới lề lối, cách thức làm việc theo hướng khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, phân công, phân nhiệm rõ ràng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, xác định rõ mục tiêu chính của cải cách hành chính và chuyển đổi số là công khai, minh bạch, thuận lợi; đổi mới tư duy quản lý, phương pháp và lề lối làm việc; thực hiện sâu rộng tư duy phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng phục vụ; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi sách nhiễu, làm trái quy định trong giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công.
Năm là, nghiêm túc quán triệt tinh thần về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024 tại Phiên họp lần thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương “không được chủ quan, thoả mãn, phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTNTC với một quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, chặt chẽ hơn, đồng bộ hơn và hiệu quả hơn”.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tăng cường nắm bắt thông tin, dư luận thông qua các kênh thông tin, các công cụ hợp pháp, phù hợp để phát hiện sớm biểu hiện, hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân trong thực thi công vụ, chức trách của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Bộ và xử lý kịp thời các vi phạm, không để tích tụ thành sai phạm lớn, nghiêm trọng; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Bảy là, phát huy vai trò và trách nhiệm của Cơ quan Thường trực trong tham mưu triển khai, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo; chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu những vấn đề lớn, dài hạn; kịp thời kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo khi có thay đổi về nhân sự; tiếp thu các ý kiến liên quan của các thành viên Ban Chỉ đạo nhằm chủ động, sáng tạo, mạnh dạn tham mưu, đổi mới phương thức, cách làm, tăng cường phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan chức năng làm công tác PCTNTC để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác PCTNTC trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội: Quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức để phòng, chống tham nhũng Chiều 21/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng ... |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm ngày càng tốt, có thêm nhiều kinh ... |
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 “Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát từ cấp ... |
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế kiểm soát quyền lực Thường trực Ban Bí thư đánh giá, ngành Nội chính Đảng luôn chủ động nghiên cứu, đề xuất kịp thời nhiều vấn đề sát với ... |