Ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh. Ảnh minh họa (Nguồn: chinhphu.vn) |
Chuyển đổi số trong ngành du lịch là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là vấn đề mang tính chiến lược trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19. Nắm bắt xu thế đó, ngành du lịch Việt Nam đã và đang tích cực triển khai “du lịch số”. Đây được xem như đòn bẩy thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững hơn.
Lĩnh vực ưu tiên có độ sẵn sàng cao
Để triển khai chuyển đổi số của ngành du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”; trong đó, nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh, xem đây là một trong những lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao.
Theo đó, ngành du lịch đã tập trung triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thông qua các hoạt động như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiêp...
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Du lịch đã triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp phục hồi hoạt động, kích cầu du lịch thông qua xúc tiến quảng bá, liên kết hợp tác, phát triển sản phẩm và đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động du lịch để thích ứng linh hoạt. Tổng cục cũng đưa vào các ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn.
Trên cơ sở đó, ngành du lịch đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch; kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ trung ương đến cơ sở... Ngành đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích. Nổi bật nhất có thể kể đến app "Du lịch Việt Nam an toàn" - một nền tảng tích hợp đa tiện ích quan trọng như bản đồ số du lịch an toàn, liên thông dữ liệu y tế về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, cung cấp thông tin các cơ sở dịch vụ du lịch an toàn... Đặc biệt, hoạt động truyền thông du lịch trên các nền tảng số ngày càng được đẩy mạnh.
Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố nhận rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, do vậy đã nhanh nhạy làm mới cách tiếp thị, xây dựng sản phẩm du lịch nhằm tiếp cận và đáp ứng nhu cầu du khách.
Tại Hà Nội, theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đã triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số, mạng xã hội trong hoạt động thăm quan, du lịch của Thành phố, như: cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch trên thiết bị thông minh, bản đồ du lịch số. Du lịch Hà Nội cũng đã liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn. Ngoài ra, để du khách có những trải nghiệm tốt hơn, lưu lại Hà Nội lâu hơn, nhiều quận, huyện đã chuẩn hóa các nội dung thuyết minh để triển khai audio guide (thuyết minh tự động bằng tai nghe) bằng nhiều ngôn ngữ tại các điểm tham quan. Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi.
Các doanh nghiệp du lịch đã, đang tích cực trong chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới. Nhờ áp dụng công nghệ, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian.
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist là một trong những đơn vị lữ hành hàng đầu Việt Nam đã sớm xác định chuyển đổi số toàn diện là giải pháp tốt nhất để giữ vững vị trí. Ông Trần Quốc Bảo - Phó Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, với chủ trương chuyển đổi số toàn diện và mạnh mẽ mảng kinh doanh thương mại điện tử, Lữ hành Saigontourist đã vượt qua được nhiều cơn sóng của đại dịch COVID-19, hoàn tất việc chuyển đổi số hóa trong quy trình kinh doanh và quản trị nhân sự.
Có thể thấy, chuyển đổi số trong ngành du lịch với định hướng, chính sách từ Nhà nước, các cơ quan quản lý cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp làm du lịch, lữ hành, các cơ sở lưu trú… đã góp phần nâng cao vị thế cũng như giá trị, hiệu quả ngành kinh tế này.
Du khách quốc tế tham quan trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh bằng xích lô. (Nguồn: TTXVN) |
Những mục tiêu và giải pháp nền tảng
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế du lịch tại Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 78,8% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; Tổng thu ngành du lịch cả nước đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7%, tương đương thiệt hại khoảng 23 tỷ USD. Năm 2021, khách nội địa đạt 40 triệu lượt; hoạt động đón khách quốc tế chỉ được thí điểm trở lại từ tháng 11/2021.
Bước sang năm 2022, trong bối cảnh cả nước thích ứng linh hoạt hiệu quả phòng chống dịch COVID-19, đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chính thức mở cửa trở lại hoàn toàn kể từ ngày 15/3/2022. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có chính sách mở cửa thông thoáng nhất: không yêu cầu về xét nghiệm, khai báo y tế, cách ly, chứng nhận tiêm phòng COVID-19. Đồng thời các chính sách về miễn thị thực và xuất nhập cảnh đã được khôi phục lại như trước dịch.
Năm 2022, Việt Nam dự kiến đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ gần 100 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 457 nghìn tỷ đồng. Kết quả này phù hợp với xu hướng tìm kiếm về du lịch Việt Nam trên toàn cầu. Theo dữ liệu từ Google, từ sau khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trưởng ở mức cao hàng đầu thế giới, đạt mức 50-75%.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững ngành du lịch, một số mục tiêu được ngành xác định trong chuyển đổi số bao gồm: xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc giúp kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp. Tập trung hệ tài nguyên số, dữ liệu số dùng chung trên toàn quốc, cung cấp dữ liệu mở phục vụ cơ quan quản lý hoạch định chính sách; giúp doanh nghiệp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường thương mại điện tử và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc đặt, giao dịch và thanh toán điện tử…
Để hoàn thành được mục tiêu trên, theo ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), ngành sẽ tập trung vào các giải pháp mang tính chất nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, thu hút sự tham gia của các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch. Từ đó, hướng đến khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số; trong đó, tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam gồm các cơ sở dữ liệu thành phần về doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu-điểm du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn, vui chơi giải trí…
Với những định hướng, hành động và quyết tâm trong đẩy mạnh chuyển đổi số, hy vọng ngành du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ và tiếp tục khẳng định vị thế là ngành “công nghiệp không khói” mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.