Toàn cảnh Tọa đàm. |
Buổi tọa đàm một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Khung trình độ quốc gia đối với Việt Nam trong đổi mới toàn diện nền giáo dục và nâng cao chất lượng lao động, sẵn sàng trước thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi đã bày tỏ thẳng thắn về tính cấp thiết phải đẩy nhanh tiến trình xây dựng Khung trình độ quốc gia của Việt Nam. Việt Nam hiện nay đang đứng ở vị trí thấp hơn đa số các quốc gia trong khối ASEAN trong tiến trình này, cùng với hai nước Myanmar, Lào. Theo ông, đây là một thực tế rất đáng lo ngại trong bối cảnh trên thế giới đã có tới 130 nước có Khung trình độ quốc gia và rất nhiều nước đang phát triển trong khu vực Đông Á như Malaysia, Indonesia và Philippines đã hoàn thiện những bước căn bản của tiến trình.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi yêu cầu cơ quan chuyên trách việc soạn thảo, cơ quan tham mưu tư vấn và các bên liên quan tiếp tục và đẩy mạnh hợp tác với Hội đồng Anh Việt Nam để đạt mục tiêu tới cuối năm 2014 Việt Nam sẽ có dự thảo Khung trình độ quốc gia. Thứ trưởng cũng khẳng định về việc sẽ thiết lập một lộ trình rõ ràng bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.
Tọa đàm cũng thảo luận về tiến trình xây dựng Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF). AQRF là cơ sở để đối chiếu, so sánh bằng cấp giữa các quốc gia, hỗ trợ việc công nhận bằng cấp, phục vụ tốt hơn cho việc quy đổi tín chỉ, hỗ trợ việc dịch chuyển của sinh viên và người lao động giữa các quốc gia trong khu vực. AQRF giúp tạo nên thị trường lao động thống nhất và hiệu quả khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015. Khung trình độ quốc gia là điều kiện cơ bản để các bằng cấp quốc gia được công nhận theo Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF).
Chia sẻ với báo giới tại buổi tọa đàm, ông David Lythe, chuyên gia tư vấn từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nêu lên những nhân tố cần thiết để Việt Nam hoàn thiện Khung trình độ quốc gia vào năm 2015. Trong đó, bên cạnh các cơ quan chính phủ, việc xây dựng Khung trình độ quốc gia rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực của nền kinh tế - trong vai trò người sử dụng lao động. Các doanh nghiệp sẽ đưa ra tiêu chuẩn năng lực của các lĩnh vực trong nền kinh tế một cách xác thực nhất.
Ông David Lythe cũng gợi ý, trước mắt Việt Nam nên chú trọng xây dựng Khung trình độ quốc gia đối với một số lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế cho giai đoạn tới năm 2015. Đối với các lĩnh vực khác, Việt Nam có thể tiến hành hoàn thiện trong giai đoạn tiếp theo.
Bà Hoàng Thị Vân Anh, Giám đốc Chương trình Giáo dục Đại học và Kĩ năng nghề, Hội đồng Anh Việt Nam cho biết: ‘Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh về hệ thống kĩ năng nghề bởi nó đóng vai trò rất trọng yếu để thúc đẩy việc dịch chuyển lao động trong khu vực và quốc tế và gia tăng triển vọng phát triển của người trẻ tuổi. Đặc biệt, đối với Việt Nam hiện nay khi cơ cấu lao động dưới 35 tuổi chiếm 60%, hệ thống kĩ năng là rất cần thiết trong hiện tại và tương lai.
Tọa đàm là một phần trong việc xây dựng Khung trình độ quốc gia và là một trong các chương trình Hội đồng Anh hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để hỗ trợ xây dựng lộ trình và thực hiện.
Lê Trang