Với mong muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước bạn bè châu Phi trong tình hình mới, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững” vào ngày 9/9.
Hội thảo thu hút sự tham dự của 500 đại biểu đại diện các bộ, ngành, ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam và các nước châu Phi thường trú và kiêm nhiệm, một số tổ chức quốc tế và cơ quan phát triển…
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội thảo trực tuyến "Hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững" ngày 9/9. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam và các quốc gia châu Phi đều coi nông nghiệp là lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Với Việt Nam, nông nghiệp không chỉ có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững trong nước mà còn đóng góp vào hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, gắn kết với thị trường quốc tế và thích ứng biến đổi khí hậu.
“Việt Nam luôn coi trọng việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị với các quốc gia châu Phi. Với tiềm năng to lớn và nền tảng quan hệ tốt đẹp, trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi bên và ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp là hết sức to lớn, làm tiền đề để chúng ta cùng hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu SDGs 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc”, Bộ trưởng khẳng định.
Tin liên quan |
Nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, kim ngạch thương mại hàng nông sản giữa Việt Nam và châu Phi thời gian qua không ngừng tăng trưởng.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang châu Phi đạt gần 950 triệu USD, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang châu Phi, với các mặt hàng chính là gạo, cà phê, thủy sản…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 1,4 tỷ USD hàng nông lâm thủy sản từ châu Phi, trong đó trên 80% là mặt hàng điều.
Ông Chekoi Ossouman, Trưởng đại diện Tổ chức Pháp ngữ (OIF) tại châu Á - Thái Bình Dương nhận định, nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng khi các bên đều nhìn thấy những cơ hội vô cùng lớn trong trao đổi thương mại, đầu tư, trong không gian Pháp ngữ bao gồm 88 quốc gia thành viên đang nằm ở giao lộ của các hiệp định hợp tác, thương mại tự do lớn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA)…
Đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề về hợp tác nông nghiệp là trọng tâm trong hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) khẳng định: “Nhiều người cho rằng cả Việt Nam và châu Phi đều có nhiều thế mạnh về nông nghiệp. Châu Phi có diện tích đất canh tác rộng lớn, lực lượng lao động dồi dào. Do đó, châu Phi và Việt Nam sẽ ít có khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong thương mại nông sản, thủy sản. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam và châu Phi có rất nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác trong lĩnh vực này”.
Bà Lê Hoàng Oanh đã chỉ ra hai lợi thế chính:
Thứ nhất, mặc dù chiếm đến 65% diện tích đất có thể canh tác nông nghiệp của cả thế giới, các nước châu Phi luôn phải đối mặt với bài toán đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 1,3 tỷ dân. Hằng năm châu Phi nhập khẩu ròng nông sản và phải nhập khẩu đến 74 tỷ USD giá trị nông sản thực phẩm các loại, bao gồm gạo, ngũ cốc, thủy sản, thịt, đường, sản phẩm sữa, thực phẩm chế biến.
Trong đó, 1/3 nhu cầu tiêu thụ gạo của châu Phi là phải nhập khẩu. 35% nhu cầu thủy sản của châu Phi cũng là nhờ nhập khẩu.
Riêng cá đông lạnh nguyên con mỗi năm châu Phi nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn.
Việt Nam có nhiều tiềm năng và trên thực tế đang cung cấp các mặt hàng này cho châu Phi, đặc biệt đối với mặt hàng gạo và thủy sản.
Thứ hai, châu Phi có thế mạnh sản xuất một số nông sản nguyên liệu mà Việt Nam đang rất cần như điều, bông, gỗ, các loại hạt.
Mỗi năm châu Phi đóng góp gần 75% tổng sản lượng điều thô của toàn thế giới, 6% sản lượng bông toàn cầu.
Châu Phi còn là khu vực xuất khẩu gỗ nguyên liệu lớn nhất thế giới với giá trị gần 4 tỷ USD mỗi năm.
Nguồn cung nguyên liệu từ châu Phi đã đóng góp hiệu quả giúp nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam đạt kết quả tích cực trong thời gian vừa qua, đặc biệt là ngành điều, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ.
“Như vậy, mặc dù đều có thế mạnh về nông nghiệp nhưng cơ cấu thương mại nông sản của hai bên lại mang tính bổ sung cho nhau trong rất nhiều lĩnh vực. Đây là tiền đề và cơ sở để Việt Nam và châu Phi tiếp tục khai thác, tăng cường hợp tác trong thời gian tới”, bà Oanh cho hay.
Thách thức song hành
Dù tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi là rất lớn, song theo nhiều đại biểu, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, quy mô và mức độ hợp tác giữa hai bên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn.
Theo bà Lê Hoàng Oanh, hạn chế trong thương mại nông sản, thủy sản Việt Nam - châu Phi chủ yếu xuất phát từ việc cộng đồng doanh nghiệp hai hên chưa xây dựng được mối liên kết chặt chẽ và sâu sắc đủ để vượt qua các khó khăn về lòng tin, về khoảng cách địa lý, về thanh toán xuất nhập khẩu.
Trong khi đó, hệ thống cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ của Việt Nam ở châu Phi cũng như hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại của châu Phi ở Việt Nam còn mỏng.
Chỉ có 10/55 nước châu Phi đặt cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam và Việt Nam cũng mới có đại diện ngoại giao tại 15/55 nước châu Phi, có thương vụ tại 5/55 nước châu Phi.
“Hệ thống cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại như vậy chưa đủ dày để hỗ trợ xây dựng, củng cố và phát triển mối liên hệ chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên”, bà Oanh nhận định.
Nông lâm thủy sản Việt Nam được thị trường nhiều nước châu Phi ưa chuộng. (Nguồn: VOV) |
Đề cập đến hỗ trợ thanh toán quốc tế cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại thị trường châu Phi, bà Đào Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tỷ trọng thanh toán của doanh nghiệp qua hệ thống các ngân hàng Việt Nam tại thị trường châu Phi còn rất thấp, chỉ chiếm 2% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Việc thiếu thông tin khách hàng, đối tác ngân hàng thương mại bên phía thị trường châu Phi khiến việc trao đổi thông tin còn nhiều hạn chế…
Đại diện Tập đoàn T&T, một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh với các nước châu Phi, ông Lê Anh Dũng, Giám đốc Ban Quản lý nông lâm thủy sản đề xuất, thời gian tới, các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước châu Phi có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối với đối tác, tìm hiểu thị trường, giúp doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp thương mại, dự báo kiến nghị để doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh hợp lý.
Tại Hội thảo, nhiều băn khoăn, trăn trở về những bất cập, khó khăn đang cản trở nỗ lực thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai bên cũng được đại diện các tỉnh thành, các hiệp hội, ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước hai bên thẳng thắn chia sẻ.
Hướng tới mô hình hợp tác nông nghiệp bền vững
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thông qua mô hình hợp tác Nam-Nam, Việt Nam đã gửi nhiều chuyên gia đến các nước châu Phi như: Tanzania, Mozambique, Sudan, Libya, Namibia, Sierra Leone….
Các kỹ thuật viên từ các nước châu Phi cũng được cử đến Việt Nam để thăm các trung tâm nghiên cứu hoặc khu vực nông nghiệp, học tập kinh nghiệm và kiến thức của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hỗ trợ nhiều nước châu Phi về năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nông nghiệp.
Bộ trưởng Nông nghiệp Tanzania mong muốn, Việt Nam đầu tư sản xuất chế biến hạt điều thô, hợp tác sản xuất giống cây trồng nhằm nâng cao năng suất vụ mùa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, gia tăng giá trị xuất khẩu.
Bộ trưởng Chăn nuôi và Thủy sản Bờ Biển Ngà cho rằng tiềm năng sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà còn rất lớn và đề nghị hai bên nghiên cứu khả năng hợp tác sản xuất chế biến nông sản, nhất là sản phẩm ca cao, mặt hàng thế mạnh của Bờ Biển Ngà…
Tin liên quan |
Để người tiêu dùng Nam Phi 'nghiện' hàng Việt Nam |
Các đại biểu đánh giá tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi là rất lớn và nhất trí nhiều phương hướng và cách tiếp cận mới nhằm nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại nông sản hai bên thông qua đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, xúc tiến thương mại và chú trọng hơn nữa đến thúc đẩy giao thương trực tuyến.
Các ý kiến cũng lưu ý đến việc tăng cường kết nối hệ thống phân phối, liên kết giữa các doanh nghiệp, tận dụng các nền tảng kỹ thuật số trong nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu nông sản.
Nhiều đại biểu đề xuất thúc đẩy quan hệ ngân hàng hoặc tìm kiếm một cơ chế tài chính phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh toán, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đầu tư vào các hoạt động chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp, tích cực tìm kiếm, phối hợp chặt chẽ để vận động các nguồn tài chính và nguồn nhân lực để triển khai dự án hợp tác nông nghiệp…
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu: “Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi có ý nghĩa quan trọng về cả kinh tế và chính trị - xã hội. Đứng trước cơ hội và thách thức trong hợp tác nông nghiệp nêu trên, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực, làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho nông sản, Bộ Ngoại giao xác định phải hết sức nỗ lực, sáng tạo thực hiện tốt “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra, vừa triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế. Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tình hình mới, ngoại giao kinh tế “đột phá-mở đường”, “đồng hành”, “phục vụ” với đối tượng trung tâm phục vụ là người dân, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam, vì sự nghiệp phát triển đất nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chức năng tìm hướng đi mới cho hợp tác nông nghiệp; tích cực hỗ trợ, tìm kiếm và cung cấp thông tin thị trường, hàng hóa nông sản; tăng cường liên kết và kết nối cơ hội hợp tác nông nghiệp, nhất là trao đổi thương mại nông sản cho các địa phương, doanh nghiệp và công dân Việt Nam tại châu Phi và ngược lại. Bộ Ngoại giao cũng tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước”. |
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc, Viện Khoa học Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Các dự án hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi đều rất đáng ghi nhận và thành công về mặt hỗ trợ kỹ thuật nhưng lại gặp vấn đề về tính bền vững. Trong khi các dự án thường không tác động được đến các khâu của toàn chuỗi giá trị, từ giống, chăm sóc nuôi trồng đến chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ bán hàng. Vì vậy, sau khi cán bộ Việt Nam về nước, địa phương không đầu tư tiếp, cũng không có thị trường để bán hàng nên khó phát triển mở rộng. Vì vậy, bài học ở đây chính là cần phát triển đồng bộ các khâu của chuỗi giá trị. Thêm vào đó, dự án cũng chưa hợp tác được với khối tư nhân của sở tại. Hiện nay, các nước châu Phi đã chú ý phát triển khối tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vì vậy, cần hợp tác toàn diện hơn với khối này để tạo thành chuỗi giá trị mới bền vững được”. |
| Nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi trong tình hình mới Ngày 9/9, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức quốc tế Pháp ... |
| PGS. TS Đào Thế Anh: Hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi sang trang mới, bình đẳng, cùng có lợi Trao đổi với TG&VN, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc, Viện Khoa học Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng ... |