Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng mưa khá cao. Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn (về lý thuyết khoảng 35.000 MW với điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm) và có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (NLTT) khác như gió, mặt trời, sinh khối… Đây là những tài nguyên sạch quý giá, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, các nhà máy thủy điện hiện đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (năm 2016, đã đóng góp khoảng 44% công suất và gần 40% điện lượng. Trong 8 tháng đầu năm 2017, thủy điện đã đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống điện) và điều tiết hợp lý giá điện ở Việt Nam, tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho lực lượng lao động trên cả nước, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước…
Đề cao vai trò của năng lượng, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, năng lượng có vai trò quan trọng đối với các ngành sản xuất kinh doanh cũng như đóng vai trò thiết yếu trong sinh hoạt tiêu dùng. Theo dự báo, đến năm 2030, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội đồng thời đảm bảo phát triển bền vững và hiệu quả, thân thiện với môi trường là yêu cầu cấp bách đang được đặt ra.
Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong vòng 5 năm qua. Nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng trung bình khoảng 11%/năm trong giai đoạn 2011-2016. Với mức dự báo nhu cầu năng lượng như vậy, Việt Nam đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu năng lượng sang nước nhập khẩu năng lượng.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Y.N) |
Chính vì vậy, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao, việc thúc đẩy quá trình sản xuất và sử dụng năng lượng thông qua các khung chính sách, đa dạng hóa các nguồn cung cấp đang được các nhà quản lý, giới chuyên môn đặc biệt quan tâm. Trong đó, vấn đề then chốt là làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ và thiết bị, tránh phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong chiến lược phát triển năng lượng đến năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định chú trọng việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ, chế tạo thiết bị phục vụ nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng tái tạo cũng như những giải pháp để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả. Để phát triển công nghệ năng lượng, Việt Nam cần có sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của các đối tác tiên tiến trong lĩnh vực cung cấp năng lượng.
"Chúng ta cần nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ, khai thác hợp lý nguồn thủy điện. Đồng thời, cần áp dụng các kết quả nghiên cứu trong thiết kế, quản lý, khai thác, tiến tới làm chủ công nghệ, hạ giá thành công trình, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành các công trình. Đó là cơ sở để chúng ta hy vọng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao công nghệ", Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, Việt Nam cần có chính sách hợp lý để các nhà sản xuất trong nước quan tâm đến thiết bị năng lượng vừa và nhỏ, khuyến khích các nhà sản xuất trong nước hạn chế nhập khẩu thiết bị nước ngoài.
Tại Hội thảo, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể bổ sung và tiếp tục thực hiện các dự án thủy điện nhỏ và vừa, nhưng điều kiện tiên quyết là cần thay đổi các chính sách, cơ chế, giải pháp để bảo đảm lợi ích dài hạn. "Việc phát triển các dự án thủy điện nhỏ và vừa là giải pháp nhằm tận dụng tài nguyên và giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiệt điện trong bối cảnh chúng ta đang phải nhập khẩu than" - ông nói.
Về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo như điện gió hay điện Mặt trời, ông Trần Đình Thiên cho rằng chính sách, cơ chế đang đóng vai trò rất quan trọng. Điều cần quan tâm là không được thu hút đầu tư nước ngoài tùy tiện và phải hướng đến công nghệ cao. Phấn đấu sản xuất được các thiết bị sản xuất năng lượng (như pin Mặt trời) thay vì chỉ nhập khẩu.