Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Thanh Hóa tổ chức chương trình tuyên truyền về biển đảo và tặng quà cho học sinh nhân dịp năm học mới 2023-2024. (Nguồn: Tạp chí Nhân đạo) |
Kết hợp phương thức truyền thống và hiện đại
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có diện tích lớn, dân số đông và bờ biển trải dài 102km, có cảng nước sâu Nghi Sơn đóng vai trò là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào.
Trong những năm qua, Tỉnh đã nỗ lực triển khai công tác tuyên truyền biển đảo bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp tình hình của Tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn.
Đặc biệt, trong năm 2023, Tỉnh đã có nhiều đổi mới trong triển khai thực hiện các hình thức tuyên truyền biển đảo theo hướng ngày một đa dạng, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin.
Một mặt, tỉnh Thanh Hóa phát huy hiệu quả phương thức tuyên truyền truyền thống như tuyên truyền miệng; tuyên truyền cổ động trực quan (sử dụng pano, khẩu hiệu, chiếu phim lưu động…); bản tin nội bộ, đề cương tuyên truyền; tạo điều kiện để các nghệ sĩ tham gia sáng tác, biểu diễn về đề tài biển, đảo, biên giới, quảng bá hình ảnh, văn hóa, miền đất, con người xứ Thanh… Các cơ quan báo chí trên địa bàn ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền biển đảo.
Năm 2023, với gần 300 tin, bài, phóng sự về biển, đảo đã giúp thông tin, tuyên truyền, lan tỏa nhanh chóng, rộng rãi tới nhiều đối tượng khác nhau, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền biển đảo, đấu tranh có hiệu quả bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
Mặt khác, bên cạnh sử dụng các hình thức truyền thống, năm 2023, tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phương thức truyền thông mới, nhất là internet và các nền tảng mạng xã hội. Các báo điện tử có chuyên trang tiếng nước ngoài, cổng thông tin điện tử các trang mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên giúp thông tin nhanh chóng, đầy đủ về nội dung, hình thức hấp dẫn, lôi cuốn, lan tỏa và thu hút đông đảo người dân, nhất là giới trẻ. Việc sử dụng nền tảng xã hội mang lại hiệu quả cao trong dẫn dắt, điều tiết dư luận, tạo hiệu ứng lan truyền mạnh.
Song song với đó, Tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, chú trọng thông tin tuyên truyền đối ngoại về biển đảo dưới hình thức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức trực tuyến, mang lại trải nghiệm mới mẻ, phù hợp với giới trẻ, tiếp cận được đông đảo người dân trong nước, trong tỉnh, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu chính xác, đầy đủ và ủng hộ quan điểm, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề liên quan đến biển đảo, phù hợp với quy định của Việt Nam và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Dựa trên những phương tiện đa dạng và sinh động đó, năm 2023, Tỉnh đã tập trung tuyên truyền sâu rộng 3 nội dung chủ chốt góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về biển đảo Việt Nam. Đặc biệt, Tỉnh tăng cường cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, toàn diện về các vấn đề liên quan đến biển, đảo vào các thời điểm: Trung Quốc gia tăng hoạt động vị phạm pháp luật và các cam kết quốc tế trên Biển Đông; thời điểm thúc đẩy tiến trình vận động EC gỡ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam...
Trong năm qua, nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền biển đảo của Tỉnh đã tạo được tiếng vang như: Các hoạt động thăm đảo Mê, đảo Nẹ; hoạt động làm sạch biển, vệ sinh môi trường biển; các hoạt động "Nghĩa tình biên giới hải đảo"; "biển đảo quê hương"...
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau phối hợp Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 tổ chức tuyên truyền biển, đảo năm 2023. (Nguồn: Cà Mau Online) |
Góp phần cùng cả nước gỡ thẻ vàng
Cà Mau là một trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước và là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 245km. Vùng biển, đảo Cà Mau còn gặp một số khó khăn nhất định. Đó là địa bàn rộng, hệ thống sông ngòi chằng chịt, vùng ven biển Cà Mau có nhiều cụm tuyến dân cư sinh sống phân tán, phần đông trong số đó là dân di cư tự do, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Những năm qua, Tỉnh ủy Cà Mau luôn xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền biển, đảo trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về biển, đảo và sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, biển, đảo của Việt Nam, của Tỉnh.
Thực hiện các Kế hoạch phối hợp Tỉnh đã ký năm 2023, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Hải đoàn 42 tổ chức cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”; thực hiện chương trình Dân vận “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”… Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo báo Cà Mau, Đài Phát thành - Truyền hình Tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của địa phương… tăng cường chia sẻ các thông tin về biển, đảo Việt Nam. Các cơ quan báo chí của Tỉnh thường xuyên cử phóng viên, nhà báo tác nghiệp, viết tin, bài, ảnh, phóng sự tuyên truyền, phản ánh về hoạt động của lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Điểm nổi bật của tỉnh Cà Mau về công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2023, là xác định tuyên truyền về chống khai thác thủy, hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ban thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức tuyên truyền biển, đảo ở 4 huyện ven biển với hơn 1 nghìn lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang, học sinh và nhân dân, đặc biệt là nhân dân sống ven biển, sinh sống bằng nghề khai thác và đánh bắt hải sản, góp phần cùng với cả nước gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác thủy sản của Việt Nam.
Thông qua công tác tuyên truyền biển, đảo đã góp phần quan trọng làm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo vào không theo quy định. 100% tàu cá đang hoạt động trên biển đều đã được gắn thiết bị giám sát hành trình VMS, qua đó giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân trong Tỉnh hiểu rõ lập trường, quan điểm chủ trương của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến biển, đảo, trong bảo vệ và phát triển mối quan hệ hòa bình, hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia có liên quan trên Biển Đông, hạn chế tối đa tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của Tỉnh.
Tuy mỗi tỉnh có vị trí địa lý giáp biển khác nhau, đặc thù dân cư khác nhau nhưng Thanh Hóa và Cà Mau luôn coi trọng công tác thông tin tuyên truyền biển đảo và xem đây là một trong cách thức quan trọng để tăng cường nhận thức của từng người dân về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.