📞

Dạy trẻ bằng phần thưởng, lợi bất cập hại

23:10 | 26/02/2016
Vấn đề nan giải mà bậc cha mẹ nào cũng gặp phải là làm sao để con trẻ ngoan ngoãn nghe lời. 
Ảnh minh họa. (Nguồn:The Atlantic)

Và một trong những câu hỏi mà các bậc phụ huynh quan tâm nhiều nhất là có công cụ hoặc phương cách nào giúp họ đạt được mục tiêu này hay không?

Trào lưu bảng tính điểm ở Mỹ

Đây là phương pháp điều chỉnh hành vi, trong đó những đứa trẻ sẽ được tính điểm sau khi thực hiện những công việc hoặc nhiệm vụ mà bố mẹ chúng mong đợi như đánh răng, dọn phòng, làm bài tập… Sau đó, căn cứ trên điểm số tích lũy được, chúng sẽ được nhận quà, hoặc những phần thưởng khác.

Hiện chưa có thống kê về hiệu quả của phương pháp này, nhưng bảng tính điểm rất được các phụ huynh Mỹ ưa chuộng. Khi tìm kiếm những từ khóa như “sticker chart”, “chore chart” và “reward chart” (những từ này đều có nghĩa “bảng tính điểm”) trên Google, chúng ta có thể tìm thấy hàng triệu kết quả. Công ty bán hàng trực tuyến Amazon truy xuất ra hơn 1.300 kết quả sản phẩm sau khi gõ những từ khóa như trên.

Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự thích thú của các bậc cha mẹ khi họ biết về phương pháp dạy con “hiệu quả tức” thì này. Về mặt tích cực, phương pháp này có thể hiệu quả để rèn cho trẻ một số thói quen hàng ngày như đánh răng hoặc dọn dẹp sách vở… Những người ủng hộ phương pháp này cho rằng, bảng tính điểm sẽ giúp những bậc cha mẹ tránh được những cuộc xung đột, cãi vã với con cái, từ đó khiến cuộc sống gia đình trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Điều đó có thể đúng.

Tuy nhiên, những bảng tính điểm nói riêng và việc dạy dỗ con bằng phần thưởng nói chung có thể gây ra những hậu quả tiêu cực và lâu dài cho những đứa trẻ và cả gia đình của chúng sau này. Một ví dụ cho mặt trái của phương pháp này là khi một người mẹ trước đó từng rất hài lòng với hiệu quả của phương pháp bảng tính điểm đã sốc khi bảo đứa con trai 8 tuổi của mình dừng việc đang làm lại để lau vết bẩn cho em trai mình thì nó hỏi ngược lại: “Mẹ sẽ trả cho con cái gì đây?”. Còn một cặp vợ chồng khác thì phàn nàn rằng: “Chúng tôi bảo con rằng nó sẽ nhận được thêm điểm tích lũy để mua được chiếc điện thoại di động nếu giúp chúng tôi dọn bếp sau bữa ăn. Thế nhưng, nó trả lời: ‘Không, con cảm ơn! Chúng tôi phải làm gì với nó?”

Đừng lạm dụng điểm thưởng

Nhiều bậc cha mẹ quá hài lòng với phương pháp bảng tính điểm, đến mức họ bổ sung thêm nhiều phần thưởng để kích thích đứa trẻ thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi chúng không muốn làm việc gì đó, họ nghĩ rằng cứ cho chúng một điểm thưởng là xong.

Có thể gọi hiện tượng này là “phương pháp giáo dục bằng phần thưởng”. Theo phương pháp này, những đứa trẻ học cách trao đổi một nhiệm vụ được giao với một phần thưởng nào đó, có thể là đồ chơi, kem, sách vở… hay bất cứ đồ vật nào có thể được dùng để trao đổi sau đó. Nói cách khác, phương pháp giáo dục này cổ suý một hình mẫu “thương mại” trong việc giáo dục con cái. Những đứa trẻ chờ đợi một phần thưởng cho những việc làm tốt của mình và không muốn làm “không công” - tương tự như đứa bé 8 tuổi nói trên đã đòi hỏi phần thưởng khi mẹ bảo nó giúp em.

Một trong những mặt trái của bảng tính điểm chính là làm suy giảm bản năng và động lực của trẻ. Lâu dần, các bậc phụ huynh phải đưa ra nhiều phần thưởng có giá trị lớn hơn khi phần thường cũ không còn hấp dẫn trẻ. Nhưng điều đáng buồn hơn là phương pháp giáo dục bằng phần thưởng sẽ tác động sâu sắc đến cách suy nghĩ của trẻ em về các mối quan hệ trong gia đình và rộng hơn là trong xã hội.

Trong một số trường hợp, những đứa trẻ được thưởng không chỉ cho những công việc như đánh răng, dọn dẹp mà còn cho những hành vi mang tính xã hội như giúp đỡ, hợp tác và chia sẻ với người khác. Những nghiên cứu đã thể hiện rằng, việc thưởng cho trẻ những phần quà hữu hình để trẻ làm tốt công việc được giao dần dần sẽ huỷ hoại bản năng giúp đỡ người khác của chúng.

Trong nghiên cứu của mình, nhà kinh tế học hành vi Dan Ariely (Đại học Duke) đã phát hiện ra rằng, khi những bậc cha mẹ thưởng cho con mình vì chúng hoàn thành những nhiệm vụ được giao, cũng có nghĩa là họ đang mang những thiết chế thị trường vào trong cuộc sống gia đình, nơi mà thiết chế xã hội thường ngự trị.

Vì vậy, phương pháp giáo dục này chỉ là giải pháp nhất thời, nhưng tác hại lâu dài là hình thành trong tư duy của đứa trẻ suy nghĩ rằng, sự tồn tại của chúng trong gia đình chỉ là một công việc được trả lương. Và, nếu các phụ huynh xây dựng một mối quan hệ kinh tế với con mình thì điều gì sẽ chờ đợi họ khi họ trở nên già đi và không còn gì để trả cho chúng?

(theo The Atlantic)