PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng muốn trẻ an toàn trên thế giới ảo thì cha mẹ phải hướng dẫn con sử dụng Internet một cách an toàn. |
Ngày 1/6/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng.
Những nguy cơ đến từ Internet
Có thể nói, Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025 là một giải pháp chiến lược thúc đẩy sự an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên. Đây cũng là cơ sở để gia đình, nhà trường và cộng đồng tăng cường sự hỗ trợ và bảo vệ chặt chẽ với trẻ em. Đồng thời, đây còn là nền tảng để phát triển các nghiên cứu về môi trường mạng an toàn, qua đó tiếp tục xây dựng và điều chỉnh chính sách.
Tuy nhiên, có 5 nguy cơ lớn mà giới trẻ sẽ gặp phải khi tham gia thế giới ảo. Thứ nhất, bị mất cân bằng trong việc sử dụng Internet và các hoạt động trong thế giới thực. Giới trẻ trở nên lạm dụng quá mức dẫn đến nghiện Internet, nghiện game online, nghiện cờ bạc online. Những nghiên cứu đã chỉ ra tỉ lệ giới trẻ có các biểu hiện phụ thuộc, lạm dụng và nghiện internet lên tới hơn 20%.
Thứ hai, các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin. Có đến 60% bạn trẻ vô tư kích hoạt quyền riêng tư và không ý thức được việc bị theo dõi, thu thập và sử dụng các thông tin cá nhân bởi các bên thứ ba hoặc bị đánh cắp, bị truy cập các tài khoản với mục đích xấu như lừa đảo.
Thứ ba, nguy cơ tiếp cận thông tin sai lệch, tin giả, thông tin đồi trụy, thông tin gây thù địch, khuyến khích sử dụng chất gây nghiện, khuyến khích tự gây tổn thương và tự sát, thư rác lừa đảo... Những thông tin này là ảo nhưng đã gây ra các hậu quả thật.
Thứ tư, các vấn đề liên quan đến bạo lực, bắt nạt, quấy rối và xâm hại trực tuyến. Những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy đến hơn 50% các bạn học sinh đã từng chứng kiến các vụ việc bắt nạt trên mạng. Đồng thời, có đến 26% học sinh thừa nhận đã từng trực tiếp tham gia các vụ việc bắt nạt trên mạng trong các vai trò khác nhau như thủ phạm hoặc vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân.
Cuối cùng là các nguy cơ liên quan đến virus và các phần mềm độc hại. Truy cập mạng, bấm vào các link hay tải file đều có nguy cơ khiến thiết bị dính phải những phần mềm độc hại khác nhau được tạo ra với mục đích xấu nhằm khai thác lỗ hổng trên máy tính của bạn để truy cập trái phép và đánh cắp các thông tin cá nhân.
Cần tạo hệ miễn dịch số cho trẻ
Để trang bị cho trẻ năng lực miễn dịch số khi tham gia môi trường mạng, kinh nghiệm các nước đều có chiến lược giúp học sinh tiếp xúc với giáo dục an toàn mạng từ sớm (giai đoạn 6-8 tuổi). Bởi lẽ, đây là lứa tuổi đã được cha mẹ cho sử dụng mạng một cách độc lập và có nguy cơ cao nhất.
Đồng thời, trẻ cũng chịu tác động lớn nhất của những nội dung xấu, tương tác xấu trên mạng như bắt nạt trực tuyến, sexting và các hành vi. Do đó, tôi cho rằng giáo dục về an toàn mạng cho trẻ cần bắt đầu sớm và thường tập trung vào 6 nhóm vấn đề:
Một là, sự cân bằng và lành mạnh trong không gian ảo và cuộc sống thực. Trẻ tìm hiểu cách để thời gian sử dụng mạng Internet phù hợp, lành mạnh, đem lại lợi ích. Đồng thời, các em khám phá dần ảnh hưởng của việc sử dụng Internet đối với cuộc sống hàng ngày, đối với sức khỏe, các mối quan hệ. Từ đó tự đánh giá, tìm hiểu và lên kế hoạch thực hiện các chiến lược cân bằng giữa việc sử dụng mạng và cuộc sống thực.
Hai là, hình ảnh của bản thân trên mạng. Trẻ tìm hiểu và nhận diện trách nhiệm của cá nhân trên môi trường mạng. Đồng thời, xem xét lợi ích và nguy cơ của việc chia sẻ trên mạng, xem xét những tác động của hành động đó đối với danh tính, hình ảnh của bản thân và các mối quan hệ. Ngoài ra, trẻ có cách để quản lý thông tin của bản thân, tận dụng công nghệ trong việc xây dựng hình ảnh bản thân tích cực và hiệu quả.
Ba là vấn đề bảo mật. Trẻ nhận diện những nguy cơ liên quan đến vấn đề bảo mật, rèn luyện kỹ năng đánh giá, nhận diện và có cách để bảo vệ thông tin cá nhân, riêng tư trên mạng.
Bốn là vấn đề giao tiếp và tương tác trên mạng. Trẻ tìm hiểu cách thức để xây dựng mối quan hệ tích cực trong thế giới ảo. Các em sẽ tìm hiểu những lợi ích và nguy cơ đến từ mối quan hệ trên mạng.
Năm là bắt nạt trực tuyến, các sự cố trên mạng. Trẻ khám phá văn hóa ứng xử với người khác trên mạng một cách phù hợp, tôn trọng và hợp pháp. Đồng thời, học cách trở thành người chứng kiến tích cực, bảo vệ bản thân và người khác khỏi bắt nạt trực tuyến, xây dựng mối quan hệ tích cực.
Sáu là tin tức mạng và nhận thức về truyền thông. Trẻ tìm hiểu và rèn luyện kỹ năng, thái độ và tư duy phản biện đối với các thông tin trên mạng, hình thành khái niệm quyền sở hữu nội dung trực tuyến. Từ đó nhận diện trách nhiệm của bản thân với việc tạo ra, lưu trữ, sử dụng và truyền tải thông tin của bản thân và người khác trên mạng.
"Muốn trẻ biết bơi thì người dạy phải biết bơi"
Trước hết, cha mẹ cần được cập nhật kiến thức và kỹ năng để hỗ trợ hoạt động trực tuyến của trẻ, hiểu rõ về lợi ích và nguy cơ tồn tại ở thế giới số và những kỹ năng để nhận diện khi trẻ có nguy cơ bị lạm dụng trực tuyến cũng như biết cách ứng phó, nơi tìm kiếm sự hỗ trợ.
Phụ huynh cũng phải khám phá các ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đang có rất nhiều trên các gian hàng của nền tảng Android hoặc IOS để giúp cho việc học tập và rèn luyện của con trên môi trường số trở nên hứng thú hơn. Ví dụ các ứng dụng tham quan bảo tàng ảo, công trình kiến trúc ảo; các trò chơi hướng nghiệp; các ứng dụng làm thí nghiệm thực tế ảo liên quan đến chương trình học...
Nói tóm lại, muốn dạy trẻ bơi thì người dạy cũng phải biết bơi và biết phương pháp huấn luyện bơi, trên “đại dương số” cũng như thế.
Sai lầm "không quản được thì cấm"
Cha mẹ thường hay rơi vào sai lầm, đó là cái gì không quản được thì cấm. Ngày 3/6/2020 Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia và Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030. Vậy làm sao trẻ có thể tuyệt giao với Internet và công nghệ được. Nếu phụ huynh cấm tức là sẽ lấy mất các cơ hội kết nối, giải trí, cập nhật thông tin và tự giáo dục của đứa trẻ. Điều này sẽ làm trẻ tụt hậu và không thể trở thành công dân toàn cầu được.
Nhưng để cho con có thể "sống" an toàn trên môi trường ảo, đầu tiên cha mẹ cũng cần cởi mở để tự cập nhật bản thân mình với các kỹ năng công dân số. Đồng thời, ở trong gia đình, cha mẹ cũng phải trở thành tấm gương cho việc sử dụng mạng an toàn vì thực tế không ít bậc người lớn cũng đang mắc các lỗi sử dụng mạng không an toàn.
Cụ thể hơn, cha mẹ nên bắt đầu bằng những hoạt động đồng hành với con trên môi trường mạng. Để đồng hành với con, cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách tìm hiểu các ứng dụng yêu thích của con mình và dùng thử nó. Cũng có thể cùng xem một chương trình online mà con hay xem để hiểu tại sao con lại thích nội dung ấy.
Cha mẹ có thể thống nhất với con về khoảng thời gian cả gia đình sẽ không sử dụng mạng Internet để tập trung vào những tương tác thực. Đưa ra những nguyên tắc sử dụng mạng an toàn như không chia sẻ danh tính bản thân và thông tin riêng tư cho bất kỳ ai trên môi trường số; hướng dẫn con đặt mật khẩu mạnh và không chia sẻ mật khẩu với bất kỳ ai.
Thống nhất với con sẽ không tự tìm kiếm các thông tin mang tính tiêu cực, không phù hợp với tuổi như thông tin xúc phạm, miệt thị người khác hay các tin không rõ nguồn gốc, thông tin đồi trụy và bất cứ khi nào cảm thấy khó chịu và tiêu cực trên môi trường số cần báo ngay cho cha mẹ.