Nhỏ Bình thường Lớn

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Cần một cuộc đổi mới mang tính cách mạng trong quản lý và phát triển văn hóa

Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam, ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, xây dựng văn hóa trong bối cảnh hiện nay có những phức tạp riêng, do đó, cần có một cuộc đổi mới mang tính cách mạng trong quản lý và phát triển văn hóa.
'Cần một cuộc đổi mới mang tính cách mạng trong quản lý và phát triển văn hóa'
ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho biết, xây dựng văn hóa trong thời đại ngày nay gặp rất nhiều thách thức. (Ảnh: NVCC)

Ông đánh giá như thế nào về những đổi thay của bộ mặt văn hóa nước nhà sau một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra?

Năm 2022 là một thời điểm đáng nhớ trong quá trình phát triển văn hóa đất nước. Sau hơn 2 năm trải qua đại dịch Covid-19, cuộc sống bình thường đã trở lại, tạo điều kiện cho các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khởi sắc, qua đó làm giàu có thêm đời sống tinh thần của toàn xã hội.

Có thể nói, sau một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chúng ta đã nhìn thấy sự khởi sắc đáng kể của nền văn hóa nước nhà. Trong đó, phải kể đến sự quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong phát triển văn hóa được thể hiện qua việc ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, tổ chức các hội nghị, hội thảo… Đặc biệt, Hà Nội đã ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, đầu tư khoảng 14 nghìn tỷ đồng cho di sản văn hóa.

Thực tế đời sống văn hóa giúp cho chúng ta có sự tin tưởng nhiều hơn vào sự khởi sắc của văn hóa. Đó là khi các sự kiện lớn được tổ chức, tạo tinh thần cho toàn xã hội như lễ đón bằng di sản thực hành Then Tày, Nùng, Thái hay di sản Xòe Thái được UNESCO ghi danh, các liên hoan phim quốc tế, các tuần lễ sáng tạo hay rất nhiều sự kiện du lịch văn hóa ở các vùng miền...

Tất cả cho chúng ta tin rằng quyết tâm đưa văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội đang được chúng ta thực hiện tốt.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương phải quan tâm nhiều hơn đến văn hóa… Thông điệp này đã được hiện thực hóa và đi vào đời sống thế nào, theo ông?

Những thông điệp quan trọng về văn hóa trong chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự có tác động tích cực đến nỗ lực của lãnh đạo các cấp trong phát triển văn hóa. Sự chuyển biến về nhận thức của lãnh đạo các cấp rất có ý nghĩa để chúng ta thực hiện các hành động cụ thể.

Những nỗ lực đó đã được hiện thực hóa thành các hội nghị, hội thảo, nghị quyết, kết luận, trong đó, các đề án, dự án, tăng đầu tư ngân sách, hay các chính sách tạo thuận lợi khác ở cả Trung ương và đặc biệt là địa phương đã cho thấy những chuyển biến thực chất trên thực tế.

Đời sống văn hóa nghệ thuật rất sôi động thời gian qua, nhất là ở các đô thị lớn với các lễ hội thiết kế sáng tạo, tuần lễ thiết kế Hà Nội, liên hoan phim quốc tế Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh với lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô...

Thậm chí, nhiều tỉnh, thành khác cũng tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật rất có bản sắc của mình, cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển văn hóa đất nước. Chắc hẳn có nhiều lý do nhưng tôi nghĩ nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là bắt nguồn từ cảm hứng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Xây dựng văn hóa trong bối cảnh hiện nay gặp những rào cản gì, thưa ông?

Rõ ràng, xây dựng văn hóa trong bối cảnh hiện nay có những phức tạp riêng, do đó cần có một cuộc đổi mới mang tính cách mạng trong quản lý và phát triển văn hóa.

Chúng ta đang sống ở một xã hội chịu các tác động từ nền kinh tế thị trường, cả tích cực và tiêu cực, được cộng hưởng bởi quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Sự nhộn nhịp, rất nhanh của xã hội khiến con người dễ bị lạc lối, mất phương hướng vì thiên về hành động theo cảm xúc mà thiếu đi sự kiểm soát.

Trong khi đó, tất cả những vấn đề trong xã hội đều liên quan đến văn hóa nên nhiều bất cập xảy ra đối với văn hóa, kể cả hiện tượng xuống cấp đạo đức trong xã hội, nhiều khi lại xuất phát từ những nguyên nhân khác như kinh tế, chính trị… Đó chính là thách thức mà chúng ta đang đối mặt trong giai đoạn hiện nay.

Để giúp văn hóa phát triển, tạo điều kiện xây dựng con người toàn diện và đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chúng ta cần xây dựng những hệ giá trị nào?

Theo tôi, để giúp văn hóa phát triển và xây dựng con người toàn diện, cần hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia. Qua đó, để điều tiết con người từ trong chính mỗi cá nhân, đến gia đình và xã hội.

Những hệ giá trị này giúp con người hiểu những gì nên và không nên làm, làm cơ sở như hình thành nên dư luận xã hội ủng hộ giá trị tích cực của xã hội. Bên cạnh vai trò là nền tảng tinh thần, văn hóa có một tác dụng rất lớn, đó là hệ điều tiết cho sự phát triển mỗi cá nhân và toàn xã hội.

'Cần một cuộc đổi mới mang tính cách mạng trong quản lý và phát triển văn hóa'
Người trẻ và văn hóa truyền thống. (Nguồn: Đại đoàn kết)

Trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn…”. Góc nhìn của ông về tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc?

Phát triển văn hóa chính là xây dựng con người, đồng thời là mục tiêu chính của sự phát triển đất nước. Vì thế, mọi sự phát triển kinh tế - xã hội cần xoay quanh việc phát triển văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho thực thi quyền văn hóa. Còn văn hóa trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ở bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông, khoa học công nghệ... khi được điều tiết bởi văn hóa, thông qua hệ giá trị đạo đức, sẽ hướng đến con người nhiều hơn, trở nên bền vững hơn.

Không những thế, trong giai đoạn hiện nay, khi các quốc gia tập trung nhiều hơn để xây dựng sức mạnh mềm, văn hóa có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế của đất nước.

Chúng ta cũng cần tạo ra một hành lang pháp lý đủ thông thoáng, đủ tiến bộ để tạo điều kiện quyền văn hóa của người dân nhằm tạo ra sự năng động của văn hóa, nghệ thuật. Khi người dân được tạo điều kiện để hưởng thụ, sáng tạo và tôn trọng tự do biểu đạt văn hoá nghệ thuật thì sẽ là môi trường tốt để phát triển văn hóa.

Để làm được như vậy, chúng ta phải thực hiện tốt quan điểm Chính phủ kiến tạo trong lĩnh vực văn hóa. Khi đó, Nhà nước tập trung nhiều hơn đến việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển văn hóa.

Dự kiến Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ diễn ra vào tháng 12 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” chính là nhằm cụ thể hóa tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ông đánh giá thế nào về những nội dung của hội thảo này?

Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa cũng như việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra.

Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa để đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến của các địa biểu, từ đó, trực tiếp đưa những ý kiến, kết luận của Hội thảo vào thực tiễn cuộc sống qua việc ban hành luật pháp, chính sách và giám sát các hoạt động phát triển văn hóa.

Từ sự chuyển biến về luật pháp, chính sách lớn đối với văn hóa như khai thông nguồn lực tài chính, con người, hạ tầng cho văn hóa, các cấp, các ngành, các địa phương sẽ có điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển văn hóa.

Với tầm quan trọng đó, tôi nghĩ Hội thảo lần này sẽ là một dấu mốc quan trọng tiếp theo để tiếp tục phát triển văn hóa Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Nghề giáo phải là một nghề thực sự danh giá

Nghề giáo phải là một nghề thực sự danh giá

Nếu coi mỗi người là một chiếc máy tính siêu hiện đại thì nghề giáo là nghề “cài đặt hệ điều hành và các phần ...

GS. Huỳnh Văn Sơn: Người dạy học phải là một 'đạo diễn' tài ba...

GS. Huỳnh Văn Sơn: Người dạy học phải là một 'đạo diễn' tài ba...

Chia sẻ với báo Thế giới và Việt Nam, GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh ...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giáo viên phải là người truyền cảm hứng, tôn trọng sự khác biệt, năng khiếu của mỗi học sinh

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giáo viên phải là người truyền cảm hứng, tôn trọng sự khác biệt, năng khiếu của mỗi học sinh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực. Giáo viên phải là người ...

Ngày 20 tháng 11: Áp lực giáo viên và câu chuyện tăng lương

Ngày 20 tháng 11: Áp lực giáo viên và câu chuyện tăng lương

Mỗi lần xây dựng luật trong các kỳ họp Quốc hội, câu chuyện lương giáo viên vẫn được nhắc đến và người cầm phấn lại ...