ĐBQH Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm, sự hỗn loạn danh xưng trong thế giới giải trí hiện nay làm mất định hướng cho công chúng. (Ảnh: NVCC) |
Đó là chia sẻ của ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam với Báo Thế giới & Việt Nam xung quanh việc loạn danh xưng trong giới giải trí thời gian gần đây.
Chiếc trực tăng Bell 505 số hiệu VN-8505 gặp nạn. Ngay sau đó, Đen Vâu và ekip của anh đã khóa MV triệu view “Trời hôm nay nhiều mây cực” vì không muốn tăng lượt xem theo cách buồn bã thế này, đồng thời gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân. Đây là hành động tử tế hiếm có ở showbiz vốn đầy rẫy những chiêu trò, thị phi.
Giữa những xô bồ, thị phi của showbiz, có không ít người bất chấp tất cả, tự tạo scandal để nổi tiếng thì hành động của Đen Vâu là sự tinh tế và thể hiện sự tử tế của người làm nghệ thuật. Đây có được xem là hành động truyền cảm hứng?
Tôi nghĩ, đây là hành động đáng được khen ngợi, đặc biệt hơn trong bối cảnh hiện nay khi nhiều nghệ sĩ đang tìm mọi cách để câu view, like, share, kể cả sử dụng những chiêu trò lố bịch, phản cảm. Do vậy, những hành động hướng về lẽ phải, tôn vinh giá trị đạo đức đích thực giúp điều tiết những giá trị cho thị trường giải trí.
Điều này cũng chứng minh những nỗ lực quản lý văn hóa, áp lực của dư luận xã hội và công tác truyền thông của chúng ta đã có những thành quả nhất định. Hành động tử tế của Đen Vâu chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ khác - những người luôn muốn đóng góp và có trách nhiệm đạo đức trước những vấn đề của xã hội. Để họ có ứng xử tương tự, tạo điều kiện để mọi người có nhận thức tốt hơn về giá trị của cuộc sống và ý nghĩa của nghệ thuật đối với cuộc sống.
Thực tế, có nhiều người bất chấp để nổi tiếng, câu view rẻ tiền hoặc một số nghệ sĩ nhận show quảng cáo mà không kiểm chứng được độ tin cậy của sản phẩm, đánh mất hình ảnh, hình tượng trong lòng khán giả. Góc nhìn của ông ra sao về thực trạng này?
Có rất nhiều lý do khiến không ít người bất chấp tất cả để câu view, like, share với mong muốn trở nên nổi tiếng, hay kể cả một số nghệ sĩ nhận quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, không phù hợp.
Đầu tiên, có lẽ nguyên nhân đến từ mặt trái của sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường giải trí. Giờ đây, việc có thương hiệu (dù hiểu theo nghĩa tốt hay xấu) đồng nghĩa với việc có được lợi ích về tiền bạc. Nhiều người mong muốn mình nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ công chúng.
Để đạt được điều đó, họ làm tất cả miễn có được sự quan tâm ấy. Điều này sẽ trở nên tích cực nếu đến từ quyết tâm khổ luyện, rèn giũa đạo đức của mỗi người. Nhưng sẽ tiêu cực nếu làm điều đó một cách lệch lạc, không phù hợp.
Thời gian qua, chúng ta cũng chứng kiến nhiều hiện tượng tiêu cực như vậy xảy ra, từ những danh xưng hào nhoáng đến phát ngôn giật tít, hành động kỳ quặc. Điều này lại được cộng hưởng bởi sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới, nhất là mạng xã hội.
Ở đó, những thông tin lệch lạc dễ tránh được sự kiểm soát, nhanh đến với công chúng mạng xã hội hơn. Thêm vào đó, sự dễ dãi của công chúng, cộng với sự thiếu kiểm duyệt của các cơ quan chức năng, áp lực từ dư luận xã hội cũng khiến các hiện tượng này có cơ hội lan rộng, tồn tại trong xã hội hiện nay.
"Hành động tử tế của Đen Vâu chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ khác - những người luôn muốn đóng góp và trách nhiệm đạo đức trước những vấn đề của xã hội. Để họ có ứng xử tương tự, tạo điều kiện để mọi người có nhận thức tốt hơn về giá trị của cuộc sống và ý nghĩa của nghệ thuật đối với cuộc sống". |
Tất nhiên, nguyên nhân cũng có thể đến từ sự chủ quan như nghệ sĩ quá tin tưởng vào nhãn hàng mà thiếu đi sự kiểm tra. Kể cả những nguyên nhân như chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ còn có nhiều vướng mắc, khó khăn. Dẫn đến việc nghệ sĩ phải lăn lộn ở ngoài, chấp nhận phải đi sự kiện, tham gia quảng cáo để tự tìm kiếm thu nhập, bù đắp cho những thiếu thốn, nỗi lo "cơm áo gạo tiền" mà họ gặp phải trong cuộc sống. Nhưng tôi tin, đây là những lý do phụ, ngoài lề mà thôi.
Tôi cho rằng, những hiện tượng như vậy là hết sức đang lên án. Những hiện tượng xấu, ác dù nhỏ nhưng sẽ chứa đựng nguy cơ làm băng hoại đạo đức xã hội. Nếu chúng ta không kịp thời lên án, chấn chỉnh thì những lệch lạc, không phù hợp này có thể dẫn lối cho cái ác, cái xấu len lỏi, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội của chúng ta.
Đàm Vĩnh Hưng gỡ bỏ từ "ông hoàng" trong tiêu đề phim sau khi nhận chỉ trích gay gắt từ dư luận. (Ảnh: FBNV) |
Thế còn những danh hiệu lạ lùng như “ông hoàng”, “nữ hoàng” thì sao dưới góc nhìn của ông? Làm sao để hạn chế tình trạng “ra ngõ gặp hoa hậu”?
Việc tạo ra những thương hiệu là đặc điểm của nền kinh tế thị trường. Thực tế, chúng ta chủ yếu tiêu thụ các thương hiệu là chính.
Giả sử tôi và bạn vào siêu thị, chúng ta không lựa chọn theo cách quan sát, đọc các thông số kỹ thuật có liên quan đến các sản phẩm để từ đó quyết định mua gì. Chúng ta lựa chọn các sản phẩm theo gợi ý từ quảng cáo là chính.
Quay trở lại vấn đề văn hóa, nghệ thuật cũng tương tự. Đó là lý do giờ đây chúng ta được nghe quá nhiều danh hiệu, thậm chí lạ lùng. Đó là những sản phẩm của thị trường giải trí trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt.
Thực ra, việc xây dựng thương hiệu, tạo ra danh hiệu cũng có nhiều điểm tích cực ở phương diện nào đó. Đó là cách xã hội, thị trường tôn vinh những sản phẩm, sự kiện, nghệ sĩ có những đóng góp nổi bật.
Từ đó, khiến họ phải quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh. Nếu làm tốt điều này, chúng ta sẽ tạo ra những tấm gương truyền cảm hứng và động lực cho những người khác.
Vì vậy, chúng ta cũng luôn có những hình thức tôn vinh như thông qua danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, qua các hình thức khen thưởng khác nhau...
"Để chấn chỉnh hoạt động này, đặc biệt là của các nghệ sĩ, trước hết chúng ta cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tác hại của việc phát ngôn, quảng cáo sai sự thật, trục lợi. Điều này có tác dụng rất lớn đến việc hình thành các hành vi phù hợp hơn của các nghệ sĩ". |
Điều chúng ta lên án là việc tạo ra các danh hiệu một cách kệch cỡm, không phù hợp, không xứng đáng. Điều này khiến xã hội không phân biệt được thật giả, làm rối loạn thị trường giải trí, mất định hướng cho công chúng.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần những giải pháp tổng thể, từ việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị thực của danh hiệu, qua đó hình thành nên những hành động cụ thể để chấn chỉnh việc lạm phát danh hiệu.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần cẩn trọng, kỹ lưỡng hơn trong việc cấp phép tổ chức các sự kiện tôn vinh, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra các sự kiện, xử lý nghiêm để giáo dục, làm gương cho các sự kiện khác.
Công chúng cũng tránh a dua, thái quá trong việc “trao tặng” những danh hiệu không phù hợp cho các nghệ sĩ, tránh để họ lợi dụng sự tôn vinh của công chúng để làm méo mó, lệch lạc danh hiệu cao quý, thực chất.
Bối cảnh ngày hôm nay rất dễ tạo ra người nổi tiếng. Bên cạnh đó, không ít phát ngôn, lạm dụng tên tuổi để quảng cáo sai sự thật, trục lợi?
Đúng là chưa bao giờ tôi thấy làm người nổi tiếng lại nhanh chóng như hiện nay. Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, gần đây là Tiktok đã khiến cho những hiện tượng kỳ quặc, phản cảm, phát ngôn nhảm nhí, kỳ cục cũng trở thành xu hướng khiến giới trẻ bắt chước.
Những người nổi tiếng trên không gian mạng càng có cơ hội tác động nhiều hơn đến công chúng. Gần đây, ý thức nhiều hơn về tác hại của việc này, chúng ta đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, trong đó có cả việc quảng cáo sai sự thật, trục lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân cũng như đạo đức của xã hội.
Vậy theo ông, cần những biện pháp gì để chấn chỉnh và ngăn chặn hiện tượng người nổi tiếng lạm dụng danh hiệu, mạng xã hội khiến cho các hoạt động nghệ thuật thiếu lành mạnh?
Để chấn chỉnh hoạt động này, đặc biệt là của các nghệ sĩ, trước hết chúng ta cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tác hại của việc phát ngôn, quảng cáo sai sự thật, trục lợi. Điều này có tác dụng rất lớn đến việc hình thành các hành vi phù hợp hơn của các nghệ sĩ.
Chúng ta đã ban hành các bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng cũng như đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Bây giờ là lúc cần tuyên truyền rộng rãi hơn để mọi người cùng biết và thực hiện các quy tắc ấy một cách hiệu quả hơn.
Việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cũng rất cần thiết để có hành lang pháp lý và chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm. Nâng cấp Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật cần được tổng kết để nâng lên thành luật trong đó bao quát được những vấn đề liên quan đến không gian mạng.
Hoạt động truyền thông “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, giúp tăng sự tử tế và nâng cao trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hay như chúng ta nêu gương Đen Vâu trong trường hợp này cũng sẽ tạo tấm gương tốt cho xã hội.
Nhà nước cũng cần chú ý nhiều hơn, quan tâm thực đến đời sống của anh em nghệ sĩ, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho họ sáng tạo, phát huy hết năng lực, sở trường của mình trong nghệ thuật.
Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường để hình thành nên kiến thức cơ bản về nghệ thuật. Từ đó, hình thành nên bản lĩnh để tiếp nhận và ứng phó với cả yếu tố tích cực và tiêu cực của nghệ thuật.
Đó mới là những giải pháp tổng thể, toàn diện để nghệ thuật góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Xin cảm ơn ông!
| 'Mỗi thanh niên phải là người tiên phong chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện' Chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cho rằng, mỗi đoàn viên, ... |
| Đi dã ngoại để rèn các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ Việc tổ chức chuyến dã ngoại, trải nghiệm thực tế là một trong những hoạt động quan trọng của công tác giáo dục nhưng nó ... |
| GS. Hà Vĩnh Thọ: Trường học hạnh phúc nên chú trọng các giá trị đạo đức Điều quan trọng giáo viên phải hiểu rằng, hạnh phúc của họ đi liền với hạnh phúc của người khác, của xã hội và lợi ... |
| Làm gì để kiểm chứng mức độ hiệu quả và hữu ích của buổi dã ngoại? TS. Vũ Thu Hương băn khoăn, làm cách gì để kiểm chứng mức độ hiệu quả và hữu ích của buổi dã ngoại đến giá ... |
| Cần những hoạt động dã ngoại mang tính giáo dục cao, để không 'cưỡi ngựa xem hoa' Không phải ngẫu nhiên, câu chuyện học sinh đi dã ngoại lại trở thành đề tài nóng, nhận được nhiều sự quan tâm như hiện ... |