ĐBQH. Hà Ánh Phượng đề nghị tăng lương cho giáo viên. (Nguồn: Quốc hội) |
Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng đã nêu về thực trạng lương giáo viên và đề nghị trong lần cải cách tiền lương tới đây nâng lương lên mức cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Đại biểu Hà Ánh Phượng: Cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất...
Đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) cho biết, theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo có nêu "lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".
Tuy nhiên, theo Đại biểu Phượng, qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc là làm thêm, vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề.
Bên cạnh vấn đề lương giáo viên, đại biểu Hà Ánh Phượng cũng kể đến đội ngũ nhân viên trường học. Đây là bộ phận chiếm tỷ lệ không quá 10% biên chế trường học nhưng giữ vai trò quan trọng trong vận hành trường.
Đại biểu Hà Ánh Phượng nói: "Mặc dù làm 8 tiếng/ngày nhưng họ không được hưởng trợ cấp công vụ như công chức và cũng không được hưởng thâm niên như nhà giáo mặc dù làm cùng trong ngành giáo dục. Hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có vị trí không được hưởng phụ cấp gì".
Từ đó, nữ đại biểu đoàn Phú Thọ đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại biểu cũng cho rằng, phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Hiện tại, bảng lương của giáo dục, y tế quá thấp
ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga. |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, cải cách tiền lương là nội dung nhận được sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn.
Bà Việt Nga cho hay: "Với cách tính hiện nay, tiền lương của những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước quá ít ỏi và lạc hậu so với mặt bằng giá cả cuộc sống nói chung. Cải cách tiền lương không đơn thuần là tăng lương mà cách tính lương mới, không giống với thang bảng lương cũ truyền thống".
Đồng thời, lần cải cách tiền lương này, điều quan trọng, là thang bảng lương được xếp theo yêu cầu công việc. Tức là với mỗi vị trí việc làm nhất định, người lao động được ấn định mức lương cụ thể, không phụ thuộc người ở vị trí đó có bao nhiêu năm kinh nghiệm, bao nhiêu năm công tác.
Nữ Đại biểu nói: "Hy vọng với cách tính lương mới, lương mới đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước".
Riêng đối với giáo viên và bác sĩ, bà Nga nhìn nhận, đây là 2 lực lượng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Song thang bảng lương của ngành y tế, giáo dục hiện nay rất thấp, đây là nguyên nhân chính đẫn đến chảy máu chất xám ở 2 ngành nghề quan trọng này.
"Chính phủ đang nỗ lực xây dựng Luật Nhà giáo, trình Quốc hội năm 2024. Hy vọng với những chế độ chính sách quy định trong Luật Nhà giáo, thu nhập của nhà giáo sẽ được cải thiện", bà Nga nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng chỉ ra thực tế hiện nay, giáo viên, y bác sĩ đều đã có chế độ phụ cấp. Nhưng mức phụ cấp không đáng kể, chủ yếu là ghi nhận sự đóng góp cống hiến trong nghề. Do đó, bà Nga kiến nghị cần xem xét chế độ phụ cấp của giáo viên, y bác sĩ.
Bà Nga nêu quan điểm: "Với ngành đặc thù như y tế, giáo viên, ngoài lương, cần quan tâm đến phụ cấp đặc thù nghề nghiệp. Quan trọng, phụ cấp đặc thù nghề nghiệp cần có tác dụng để cải thiện thu nhập chứ không chỉ để động viên tinh thần. Cùng với sự cải cách tiền lương, xem xét phụ cấp của các ngành nghề đặc biệt, làm sao để thu nhập của người làm trong ngành y tế, giáo dục - ngành quan trọng trong đời sống con người được cải thiện đáng kể, ngăn chặn chảy máu chất xám, để họ yên tâm công tác".
Đại biểu Dương Văn Phước: Cần có chế độ tiền lương tương xứng với giáo viên
Trong phiên thảo luận chiều 31/10, Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho hay, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học là 2022-2023 cả nước còn thiếu 118.000 giáo viên, làn sóng giáo viên nghỉ việc chưa dừng lại, khi gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua.
Qua giám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội cho thấy, hiện nay tình trạng tinh giản biên chế cơ học cào bằng 10% với ngành đặc thù như ngành giáo dục là chưa khoa học, trong khi quy định của ngành giáo dục rất rõ về tỷ lệ giáo viên đứng lớp.
Khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn tình trạng thiếu giáo viên còn nghiêm trọng hơn nhiều, nhiều giáo viên xin chuyển công tác về xuôi, trong khi việc tuyển mới là rất khó khăn. Nhiều người không tham gia dự tuyển, thậm chí có người khi trúng tuyển tại khu vực này cũng bỏ việc, không nhận công tác ở những khu vực khó khăn như vậy.
Trước thực trạng đó, Đại biểu Phước đề nghị, Chính phủ cần sớm có chính sách ưu tiên đãi ngộ, có chế độ tiền lương tương xứng đối với giáo viên, trước mắt là giáo viên ở miền núi, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn để đội ngũ giáo viên này yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng dạy và học.
Ông Phước cũng đề nghị có chủ trương xét tuyển giáo viên ở các cấp học thay cho thi tuyển để kịp thời bổ sung, giải quyết tình trạng khó khăn thiếu giáo viên hiện nay ở khu vực miền núi.
Đồng thời, việc đào tạo giáo viên sư phạm phải đáp ứng với yêu cầu dạy và học, tránh tình trạng làm mất cân bằng giữa các ngành học, giữa các vùng, theo tinh thần "ở đâu có trường, có lớp ở đó phải có học sinh, giáo viên đứng lớp".
Hiện nay, với cách tính lương dựa vào hệ số và mức lương cơ sở, lương giáo viên thấp nhất là 3,348 triệu đồng/tháng (áp dụng đối với giáo viên mầm non hạng IV). |