Câu chuyện nhà trường bỏ quên trẻ trên ô tô vừa xảy ra hôm qua (6/8) thực sự khiến dư luận hoang mang. Là một Đại biểu Quốc hội, ông có ý kiến gì?
Phải nói là tôi rất bức xúc bởi việc làm vô trách nhiệm của nhà trường. Đứa trẻ phải vật lộn với cái nóng, cái đói, ngạt khí, với nỗi sợ hãi khi một mình trên xe và cuối cùng cháu đã không qua khỏi, vậy lời xin lỗi nào, trách nhiệm nào có thể bù đắp?
Thực tế, câu chuyện để quên trẻ chết ở trên xe ở nước ngoài cũng đã xảy ra nhiều, ngay cả cha mẹ cũng bỏ quên con. Đến người thân còn có những lúc bỏ quên con trên xe thì đối với người xa lạ thì thế nào?
Mới là thời gian đầu đưa đón con em người ta, để trẻ quen dần với môi trường học mới thì càng cần có sự chuẩn bị chu đáo cao hơn, tăng trách nhiệm hơn nhưng ngược lại nhà trường lại quá vô trách nhiệm. Mặc dù đây không phải việc giết người nhưng sự tắc trách, thiếu trách nhiệm lại gây ra sự việc đau xót.
Bởi vì, một cháu bé chưa có đủ trải nghiệm, lần đầu tiên trong cuộc đời tiếp cận với hoạt động, dịch vụ mới thế này. Lẽ ra người ta phải có dịch vụ kiểm soát chặt chẽ hơn ngay từ ban đầu, tránh sơ ý, tắc trách.
ĐBQH. Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: NVCC) |
Như vậy, theo ông, nghĩa là trách nhiệm thuộc về nhà trường?
Ở đây, nói chung trách nhiệm chính thuộc về nhà trường bởi đã không quán triệt nhân viên của mình, không quán triệt lái xe, không quán triệt các cô giáo cần phải làm những hành động như thế nào để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc như thế.
Bây giờ, việc đau lòng này truy tố ai, ai là người chịu trách nhiệm thì phải theo quy định, nếu nhà trường giao cho ai làm mà người ta tắc trách, không hoàn thành thì người đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng tất nhiên, nhà trường phải chịu trách nhiệm chính trước xã hội, trước công chúng về sự việc gây rúng động này.
Trong sự việc này, có phải mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình vẫn còn lỏng lẻo, cần sự chuyên nghiệp hơn, thưa ông?
Trong câu chuyện này, tôi không đánh giá mối quan hệ lỏng lẻo. Tôi chỉ đánh giá bên đơn phương nhà trường phải có trách nhiệm. Bởi gia đình giao con nghĩa là người ta tin tưởng, chứ lúc này gia đình đâu có can thiệp được, có được đi cùng trên xe với con họ đâu? Lẽ ra cô giáo, người dẫn đường hay người đón đưa, tài xế nhà trường phải có sự bàn giao trách nhiệm, phân công cụ thể, phải kiểm soát.
Cho con đến trường, gia đình cũng chỉ biết dặn dò con nhưng trẻ đâu đã đủ lớn, đủ kỹ năng để có thể đối phó với những hiểm nguy và những tình huống ngoài dự tính? Trẻ ngủ quên làm sao gia đình theo được, biết được? Do đó, mới cần những người có trách nhiệm đưa đón trẻ, chỉ cần một hành động nhỏ rà soát lại xe một lần, chỉ cần một lần thôi đã có thể cứu được một đứa trẻ...
Vậy tức là quy trình đưa đón trẻ có vấn đề vì chưa thực hiện việc kiểm tra chéo?
Đúng là vấn đề nằm ở quy trình và việc xác định trách nhiệm cá nhân. Hiện nay, tôi không biết vấn đề chịu trách nhiệm cá nhân ở các cơ quan, trường học thế nào nhưng đã là trách nhiệm cá nhân thì phải có sổ sách bàn giao, phải có quy chế nội bộ chứ không thể nói người này có trách nhiệm, người kia không có trách nhiệm.
Ví dụ, lái xe chịu trách nhiệm đến đâu, cô giáo chịu trách nhiệm đến đâu, người đưa đón trẻ chịu trách nhiệm đến đâu phải có bảng phân công cụ thể. Từ đó, tránh việc thờ ơ, tắc trách, thiếu trách nhiệm để rồi khi xảy ra sự việc lại có tình trạng quanh co chối tội hoặc người này đổ lỗi cho người kia.
Tôi không biết thủ tục kiểm tra chéo có chưa nhưng tóm lại về mặt nguyên lý là phải có các thủ tục như thế và phải có sự phân công, sự chuyên nghiệp, đòi hỏi tính trách nhiệm cao.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung: "Từ sự việc đau lòng này, chắc chắn có trách nhiệm của giáo viên liên quan đến hành trình đưa đón. Khi lên xuống có kiểm đếm sĩ số hay không, kiểm đếm sót hay như thế nào thì cần phải điều tra làm rõ. Tôi đã yêu cầu trong ngày 7/8 phải làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan". |
Ông có nghĩ rằng vụ cháu bé bị bỏ quên trên xe ô tô đến trường là một cảnh báo về sự vô cảm và thiếu trách nhiệm, quan tâm lẫn nhau trong xã hội?
Ở đây không bàn đến sự vô cảm, tôi muốn nói đây là trách nhiệm - trách nhiệm xã hội, trách nhiệm pháp lý trước những người mình phải có trách nhiệm. Trong sự việc này, nhà trường phải có trách nhiệm với học sinh.
Tôi cho rằng, sự việc này là biểu hiện của việc thiếu tinh thần trách nhiệm, để lại sự cố hết sức nghiêm trọng. Dĩ nhiên, nhà trường không muốn nhưng khi đã không muốn thì phải lường trước được hậu quả.
Đối với nhà trường không phải chỉ là dạy dỗ mà còn phải bảo vệ con người, đặc biệt các em học sinh còn nhỏ, chưa có sự hiểu biết, chưa có sự trải nghiệm, chưa có nhiều kỹ năng thì càng cần có sự giám hộ chặt chẽ hơn.
Nhưng nhìn lại, vai trò của nhà trường trong việc giám hộ các cháu như vậy là không ổn, là có vấn đề. Tôi đề nghị phải xem xét lại trách nhiệm của nhà trường, trong trường hợp này cần thiết phải dừng lại việc học tập của trường này.
Câu chuyện này thêm một cảnh báo với ngành giáo dục, rằng không yêu nghề, yêu trẻ thì đừng nên làm nghề giáo?
Đã là giáo dục thì ngoài trách nhiệm còn phải có tình cảm với học trò, bởi là người dẫn dắt trẻ vào đời, dạy dỗ, chăm sóc, là người mẹ thứ hai của trẻ. Nhà trường nếu không có tính chuyên nghiệp, không xem trẻ là trung tâm của giáo dục thì tất nhiên họ tự đánh mất mình và sẽ bị... đào thải.
Xin cảm ơn ông!
Lúc hơn 16h ngày 6/8, khi chuẩn bị cho học sinh lên xe về, Trường quốc tế Gateway (Hà Nội) mới phát hiện cháu L.H.L. bất tỉnh trên xe và đưa vào phòng y tế sơ cứu, sau đó đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện E nhưng cháu bé đã không qua khỏi. |