📞

ĐBQH Nguyễn Anh Trí: 'Chống dịch như chống giặc', chỉ cần chậm một chút sẽ thành ‘sai một ly, đi một dặm’

Yến Nguyệt 08:35 | 27/07/2021
GS. TS. Nguyễn Anh Trí cho rằng, chống dịch Covid-19 phải tính theo đơn vị là ngày, là giờ, chỉ cần chậm một chút thì dịch rất dễ leo thang.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhận định, chống dịch Covid-19 phải tính theo đơn vị ngày, đơn vị giờ. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Chia sẻ với Thế giới & Việt Nam, GS. TS. Nguyễn Anh Trí (Đại biểu Quốc hội, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) nêu quan điểm, chống dịch Covid-19 hiện nay phải tính theo đơn vị là ngày, là giờ, chỉ cần chậm một chút, 'chùng' một chút thôi thì dịch rất dễ leo thang, bùng phát.

Ông nhận định thế nào về diễn biến dịch Covid-19 tại nước ta hiện nay?

Tại thời điểm này, dịch Covid-19 ở nước ta vô cùng phức tạp, khó lường về diễn biến, khó biết về tác nhân và biến chủng mới.

Nhận định thì khó như vậy, nhưng dù sao cũng phải nỗ lực tìm hướng giải quyết, nếu nhận định sai thì sẽ dễ thành “sai một ly đi một dặm”. Đặc biệt, nếu nhận định sai theo hướng chủ quan hơn, “chùng” hơn thì thậm chí có thể sẽ không còn cơ hội để sửa chữa.

Vậy ông đánh giá ra sao trước các phản ứng hiện nay của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội?

Tại TP. Hồ Chí Minh gần như đều đã kích hoạt, vận dụng tối đa những biện pháp tốt nhất, hợp lý nhất, cần thiết nhất. Tôi cho rằng bây giờ phải kiên trì theo hướng đó.

Gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã kêu gọi lực lượng y tế, sinh viên, kể cả cán bộ hưu trí công lập và dân lập vào cuộc để tham gia chống dịch. Điều này tôi cho là rất đúng, rất nên làm.

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, để chống dịch thì huy động lực lượng tại chỗ mới quan trọng. Thực tế, tại TP. Hồ Chí Minh, bệnh viện dã chiến xây rất nhiều, hàng loạt nhưng các bệnh viện tư nhân chưa được tận dụng tối đa.

Tôi được biết, tại TP. Hồ Chí Minh còn một lực lượng cán bộ y tế tư nhân, cán bộ y tế đã về hưu. Tại sao nguồn lực lớn như vậy lại chưa được khai thác sử dụng mà phải chờ đợi nguồn 10 nghìn người từ các tỉnh, thành khác vào hỗ trợ? Cá nhân tôi cho rằng, trong cuộc chiến với dịch, tốt nhất nên tận dụng tối đa lực lượng tại chỗ.

Về phía Hà Nội, trước lúc có công diện 15, tôi đã lo sợ Thủ đô sẽ bị bùng phát. Nhưng rất may, thành phố kịp thời đưa ra các công điện 15, 16, 17. Tôi đánh giá cao về biện pháp “ra đòn” nhanh, đúng, trúng, quyết liệt mang tính kịp thời để ứng phó với dịch của lãnh đạo Hà Nội. Nếu không có những phản ứng tức thời, đúng đắn, nhanh nhạy trong những ngày qua thì nguy cơ Hà Nội bùng phát là có thật.

Là người trong ngành y, tôi cho rằng chống dịch phải tính theo đơn vị ngày, đơn vị giờ. Nghĩa là, chỉ cần chậm một chút, “chùng” một chút thôi thì dịch rất dễ leo thang, rất dễ bùng phát.

Hà Nội nên tính toán phương án thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong thời điểm hiện tại như thế nào để tránh bị động, theo ông?

Phải khẳng định các ca F1, F0 là cần phải cách ly. Cách ly tức là tập trung vào một chỗ để quản lý, để theo dõi diễn biến và để khoanh vùng, dập dịch.

Còn cách ly tập trung hay tại nhà lại phụ thuộc vào số lượng và mức độ dịch. Nếu với số lượng ít - vài trăm ca, hoặc tối đa là vài nghìn ca thì cách ly tập trung là hợp lý; nhưng nếu số lượng lớn lên đến vài vạn ca thì để cách ly ở nhà. Và đó lại là một phương án tối ưu.

Tuy nhiên, phải hiểu “cách ly” ở nhà chứ không phải là cho về nhà, là buông bỏ. Tránh tình trạng nhận thức sai, để rồi làm sai gây ảnh hưởng đến chính sách, phương án phòng, chống dịch của Chính phủ.

Nghĩa là, họ phải cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K, được cán bộ y tế khám, xét nghiệm ra sao, được giám sát thế nào…

Quan trọng nhất là phải có một phác đồ chuẩn của Bộ Y tế dùng chung cho cả nước, để người được cách ly tại nhà biết theo dõi nhiệt độ, uống thuốc, tiên lượng được sức khỏe của mình như thế nào, ăn uống, ngủ nghỉ ra sao, tình trạng thế nào thì phải vào viện…

Như vậy, dù ở nhà hay tập trung thì đều phải cách ly có sự chăm sóc chứ không phải buông bỏ. Đây là việc buộc phải làm, cũng là trách nhiệm chung của cộng đồng, của gia đình.

Đồng thời, mỗi người dân cũng không được phó thác tính mạng, sức khỏe, đùn đẩy hết trách nhiệm chăm sóc mình cho Nhà nước. Mỗi người dân phải cùng vào cuộc, chia sẻ khó khăn, thể hiện trách nhiệm xã hội trong lúc dịch bệnh cam go như hiện nay.

Lời khuyên của ông là gì để người dân có thể “bình tĩnh sống”?

Với tình hình dịch bệnh như hiện tại thì mình phải hết sức bình tĩnh. Đặc biệt, không nên hoảng loạn, hoang mang, lo sợ đua nhau đi mua đồ ăn, máy móc tích trữ đầy nhà, chẳng giải quyết được gì, lại thêm nguy cơ lây nhiễm khi tụ tập đông người.

Tuy nhiên, cũng không được chủ quan, xem thường dịch bệnh. Phải xem dịch như giặc, chúng có thể xuất hiện, tấn công mình bất cứ lúc nào nếu chủ quan, xem thường, lơ là, không tuân thủ 5K và các quy định chống dịch của Chính phủ.

Là chuyên gia y tế, đồng thời cũng là một Đại biểu Quốc hội, theo ông, bài học nào được rút ra trong chính sách phòng chống Covid-19?

Thứ nhất, đó là không một phút được lơ là, tuyệt đối không được mất cảnh giác đối với Covid-19. Có những bài học tưởng nhỏ nhưng nếu không cẩn thận thì hậu quả để lại sẽ rất lớn.

Đây là bài học chung cho toàn thế giới chứ không riêng gì nước ta. Nếu chững lại, một đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy cả cánh rừng, nguy cơ bùng dịch rất dễ xảy ra.

Chỉ một phút chủ quan có thể dẫn đến mất kiểm soát, thất thủ, chống dịch sẽ khó gấp bội lần. Bài học nhãn tiền từ nhiều nước trên thế giới rất rõ.

Trong khi đó, mục tiêu kép khi vận dụng phải rất linh hoạt. Nhưng chống dịch phải luôn là chính, luôn được đặt lên hàng đầu, là ưu tiên đặc biệt. Nguồn lực, tài lực lúc này phải tập trung cho phòng, chống dịch.

Thứ hai, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, sức mạnh đoàn kết lúc này vô cùng quan trọng. Đó là sự nghiêm túc chấp hành những Chỉ thị, quy định của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế.

Chính phủ, Bộ Y tế phải làm mọi cách để có vaccine để tiêm chủng cho nhân dân sớm nhất, đầy đủ nhất. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Tôi cho rằng, nguyên tắc 5K và vaccine sẽ hỗ trợ, bổ sung cho nhau, phối hợp và cả hai chiến lược này đều cần thiết, quan trọng. Trong đó, vaccine là chiến lược lâu dài, căn cơ, bền vững. Nhưng không phải tiêm vaccine rồi thì chúng ta bỏ khẩu trang, không cần giữ khoảng cách.

Thực tế, vaccine không có tác dụng ngăn ngừa 100% bởi các biến chủng thay đổi liên tục, và khi tiêm vaccine thì cũng phải có đủ thời gian mới sinh đủ kháng thể để phòng dịch.

Trong chiến lược chống dịch, có hai loại "vaccine". Vaccine tiêm vào người là “vaccine sinh học”. Còn việc chấp hành các chỉ thị của Chính phủ, thực hiện nguyên tắc 5K, làm tốt trách nhiệm xã hội của cả cộng đồng là “vaccine tinh thần”. Cả hai "vaccine" này theo tôi đều cần thiết như nhau.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)