📞

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Bình đẳng giới không thực chất nếu mặc nhiên việc nhà, chăm sóc mọi người là của phụ nữ

Nguyệt Anh 15:14 | 05/08/2022
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho rằng, từ những việc nhỏ nhất trong gia đình, mặc nhiên người phục vụ tất cả các thành viên là người mẹ, người vợ, mặc định việc nhà là của phụ nữ... đã khiến cho bình đẳng giới không đi vào thực chất.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm, phụ nữ hiện đại thời 4.0 cần có quan niệm hiện đại, trước tiên về bình đẳng giới.

Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới, song vấn đề này vẫn đang còn tồn tại không ít thách thức? Góc nhìn của bà?

Đúng là tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới còn tồn tại không ít khó khăn, thách thức, cho dù thời gian qua chúng ta đã nỗ lực đạt được nhiều thành tựu.

Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia xoá bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 25 năm qua. Một trong những điểm đặc biệt của việc xoá bỏ định kiến giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách bình đẳng giới.

Theo tôi, những khó khăn, thách thức trong vấn đề bình đẳng giới ở nước ta hiện nay là việc khoảng cách giới vẫn còn tồn tại khá lớn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Dù đã được cải thiện nhiều, song sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực chính trị còn rất hạn chế. Tỷ lệ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý còn rất thấp so với các vị trí lãnh đạo, quản lý nói chung và so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ hằng năm.

Trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội tiếp cận việc làm có thu nhập cao của nữ giới kém hơn nam giới. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ còn chưa được cải thiện nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi...

Phụ nữ và trẻ em gái vẫn là đối tượng chủ yếu của nạn bạo hành gia đình. Phụ nữ ít được san sẻ việc nhà và hầu hết những công việc phục vụ không được trả thù lao đều dồn cho phụ nữ.

Đồng thời, nhận thức về bình đẳng giới còn mơ hồ, thậm chí ngay cả phụ nữ nhiều khi cũng không được tiếp cận những tài liệu đúng đắn về bình đẳng giới. Tất cả những điều đó tạo nên thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện bình đẳng giới ở nước ta.

Theo bà, những thành tựu về thu hẹp khoảng cách giới ở nước ta là gì?

Những thành tựu về thu hẹp khoảng cách giới ở Việt Nam trong vòng 25-30 năm qua rất quan trọng và rất đáng tự hào. Chúng ta đã xây dựng, ban hành những văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới và công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ các hình thức phân biệt chống lại phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Việt Nam cũng ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 -2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp trong việc thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế nhằm vượt qua những thách thức liên quan đến nhận thức về bình đẳng giới, xoá bỏ định kiến giới và bạo lực gia đình… Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong số 499 ĐBQH khoá XV có 151 ĐB là nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%. Trong nhiều ngành, lĩnh vực có sự tham gia của cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Rõ ràng, đây là những thành tựu đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách về giới. Ngay quan niệm khi có con "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" cũng đã thay đổi rất nhiều. Lớp trẻ hiện nay quan tâm đến việc nuôi dạy con cái cho tốt hơn là quan tâm đến việc sinh con theo giới tính.

Vấn đề đặt ra là cần chú trọng lồng ghép bình đẳng giới vào các chính sách an sinh xã hội thế nào, thưa bà?

Trước tiên là vấn đề bảo hiểm xã hội. Chúng ta đã rất quan tâm đến việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của nữ giới so với nam giới do những đặc thù về giới; quan tâm đến chế độ nghỉ thai sản, ốm đau cho phụ nữ, chế độ cho phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Tuy nhiên, chế độ thai sản chưa bao phủ được cơ bản đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ do có một lực lượng lớn lao động nữ nằm ở khu vực nông thôn, khu vực lao động phi chính thức nên không thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhân văn này. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ và trẻ em, ảnh hưởng tới nguồn nhân lực bền vững của đất nước.

Những chính sách phúc lợi dành riêng cho phụ nữ chưa nhiều và chúng ta cũng đang còn thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên sâu cho phụ nữ, trẻ em gái. Điều đó đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp tổng thể lồng ghép bình đẳng giới vào các chương trình an sinh xã hội.

Bình đẳng giới là không phân biệt đối xử trên cơ sở định kiến giới, nam và nữ đều được tạo cơ hội như nhau trong quá trình phát triển. (Ảnh: Hùng Thoa)

Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam. Vậy theo bà, nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới là gì?

Nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, theo tôi là việc thay đổi nhận thức xã hội. Chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức bởi rào cản lớn nhất gặp phải chính là nhận thức về vấn đề này. Chừng nào còn chưa có những nhận thức đúng đắn, khoa học và tiến bộ về bình đẳng giới, chừng đó chúng ta còn chật vật trong quá trình thực hiện.

Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á vẫn còn chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của hệ tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ, nên để thay đổi nhận thức của con người (mà những nhận thức đó đã ăn sâu vào tiềm thức, tính cách, thậm chí in dấu trong phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá...) không phải thay đổi được trong ngày một ngày hai.

Mặt khác, Việt Nam là đất nước có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những phong tục, tập quán riêng nên để hướng tới mục tiêu chung là bình đẳng giới cũng cần rất nhiều nỗ lực. Nhiều khi chúng ta hô hào thực hiện bình đẳng giới nhưng chỉ là phong trào mà thôi.

Những việc nhỏ nhất trong gia đình, mặc nhiên người phục vụ tất cả các thành viên là người mẹ, người vợ, mặc định việc nhà là của phụ nữ... đã khiến cho bình đẳng giới dù được nhắc tới nhiều nhưng hoàn toàn không thực chất.

Ngay chính những người phụ nữ nhiều khi cũng an phận, bằng lòng với việc bất bình đẳng giới, điều này tạo nên "sức ỳ" khiến cho việc thu hẹp khoảng cách giới còn nhiều rào cản.

Là một phụ nữ trong thời đại số, theo bà, phụ nữ Việt cần làm gì để không bị lỗi nhịp trước sự chuyển biến nhanh chóng của thời cuộc, cần thể hiện mình ra sao và quảng bá, tiếp thị hình ảnh cá nhân?

Tôi thấy hiện nay có cách hiểu rất sai về bình đẳng giới là phụ nữ được quyền làm tất cả những gì đàn ông làm, phụ nữ không cần trau dồi công dung ngôn hạnh như truyền thống. Thực ra, đó là quan niệm đi ngược lại với truyền thống, không phải là đấu tranh cho bình đẳng giới. Thực tế, bình đẳng giới không có nghĩa là biến tất cả phụ nữ thành đàn ông - một việc không tưởng, hoang đường.

Phụ nữ có những đặc điểm tâm sinh lý và những thiên chức đặc trưng, nên không thể đòi hỏi "như nam giới" tất cả mọi phương diện. Theo tôi, bình đẳng giới là không phân biệt đối xử trên cơ sở định kiến giới, nam và nữ đều được tạo cơ hội như nhau trong quá trình phát triển.

Phụ nữ hiện đại thời 4.0 cần có quan niệm hiện đại, trước tiên về bình đẳng giới. Phải là người phụ nữ độc lập, tự chủ và tự tin; là người luôn có ý chí vươn lên nhưng cũng không bỏ quên thiên chức cao cả của mình.

Xin cảm ơn bà!

Kể từ khi ASEAN thành lập vào ngày 8/8/1967 đến nay, phụ nữ ASEAN đã có những cống hiến rất tích cực vào tăng trưởng và thịnh vượng của các nước thành viên. Tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội tại nhiều quốc gia ASEAN đã đạt mức trên 20%. Số lượng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã tăng đáng kể gần đây, nhiều phụ nữ là chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Theo báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen), nền kinh tế ASEAN đã tăng trưởng mỗi năm ở mức 5% trong thập kỷ vừa qua và dự kiến sẽ tăng thêm 30% trong giai đoạn 2013-2025 nhưng phụ nữ chỉ đóng góp vào 11% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN. Do đó, các nước ASEAN cần chung tay hành động và có các giải pháp hiệu quả để nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời đại mới.

Phụ nữ các nước ASEAN đã có nhiều hợp tác và hoạt động tích cực nhằm nâng cao vai trò, vị thế của mình. Năm 2015 Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội đã thành lập với thành phần là các phu nhân và cán bộ nữ của Bộ Ngoại giao Việt Nam và của các Cơ quan đại diện các nước ASEAN tại Hà Nội. Nhóm là cầu nối hữu nghị và hợp tác giữa phụ nữ Việt Nam với phụ nữ các nước ASEAN và giữa ASEAN với bạn bè quốc tế, tạo cơ hội để phụ nữ trong khu vực được chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ ngoại giao.