📞

ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga: Cải cách tiền lương là đòi hỏi cấp thiết hiện nay

Nguyệt Anh 10:12 | 16/05/2024
Tiền lương không phản ánh đúng vị trí việc làm, năng lực, trình độ của công chức, viên chức sẽ khó động viên người lao động nỗ lực phấn đấu.
ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, thời điểm này khá hợp lý để chúng ta thực hiện cải cách tiền lương. (Ảnh: NVCC)

Vừa qua, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024. Dự kiến tổng nguồn ngân sách trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, ngân sách đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.

Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội liên quan vấn đề này…

Quan điểm của bà về cải cách tiền lương vào ngày 01/7/2024 trong việc bảo đảm cho người lao động đủ sống bằng lương?

Tôi cho rằng, cải cách tiền lương 2024 hoàn toàn cần thiết. Bởi lẽ, trên thực tế hiện nay, cách tính lương ở khu vực công của chúng ta đã quá lạc hậu. Tổng thu nhập từ lương, thưởng của người lao động khu vực công đã trở nên rất thấp so với mặt bằng cuộc sống. Nhất là từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, tác động tiêu cực của dịch bệnh cộng với sự suy thoái của kinh tế thế giới khiến cho đời sống người dân nói chung và công chức, viên chức nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn do giá cả các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu đều tăng cao.

Kế hoạch cải cách tiền lương khu vực công đã được xây dựng từ đầu nhiệm kỳ, nhưng do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, chúng ta phải dành nguồn lực để chống chọi với đại dịch và khôi phục kinh tế sau đại dịch nên thời điểm cải cách tiền lương bị lùi lại.

Thời điểm này khá hợp lý để chúng ta thực hiện cải cách tiền lương. Hơn nữa, nạn "chảy máu chất xám" ở khu vực công diễn ra trong thời gian mấy năm gần đây đã đến mức đáng báo động, đặc biệt ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế. Mà một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các công chức, viên chức rời bỏ công việc của mình ở khu vực công chính là tiền lương thấp, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Như vậy, cải cách tiền lương là đòi hỏi cấp thiết trong thời gian này.

"Nếu chỉ đơn thuần tăng lương thì chưa chắc tạo ra được đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, chuyên cần. Tăng lương khu vực công cần đi đôi với một số giải pháp khác như nâng cao năng suất lao động, xây dựng đội ngũ tinh gọn, giàu năng lực; đổi mới cách đánh giá, khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức... Có như vậy chúng ta mới xây dựng được đội ngũ khu vực công đạt yêu cầu chuyên nghiệp, chuyên cần".

Với việc cải cách tiền lương lần này, chúng ta có phương pháp tính lương mới ở khu vực công, trả lương theo vị trí việc làm, hoàn toàn khác cách tính lương truyền thống dựa trên thang bảng và hệ số lương. Cách tính lương mới này về cơ bản đã điều chỉnh thu nhập của người lao động theo hướng tăng lên đáng kể, khoa học hơn, công bằng hơn. Đồng thời, sẽ khắc phục được tình trạng cùng làm một công việc, cùng năng lực trình độ nhưng có những người lương rất cao - do làm lâu năm, cứ mỗi thời gian định kỳ lại tăng lương một lần; có người lương lại rất thấp - do mới ra trường, mới đi làm...

Tiền lương không phản ánh đúng vị trí việc làm, năng lực, trình độ của công chức, viên chức nên khó động viên người lao động nỗ lực phấn đấu. Cách tính lương mới đã tiệm cận với cách tính lương của nhiều quốc gia trên thế giới.

Khi lương ở khu vực công được điều chỉnh theo hướng tăng cao thì chúng ta sẽ giữ chân và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh minh họa)

Nước ta luôn coi con người là mục tiêu, là động lực của sự phát triển. Góc nhìn của bà về việc tăng lương để thu hút nhân lực chất lượng cao cũng như “giữ chân” công chức của khu vực công?

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Cải cách tiền lương sẽ công bằng hơn trong cách trả lương, lương của người lao động tăng lên sẽ tạo ra động lực để giữ chân và thu hút người tài ở khu vực công. Với người lao động, trước khi quyết định gắn bó với công việc gì thì mối quan tâm đầu tiên bao giờ cũng là mức lương, sau đó đến môi trường làm việc và cơ hội, khả năng phát triển. Ở khu vực tư nhân, cạnh tranh về lương và các chế độ đãi ngộ luôn là mấu chốt để thu hút người tài.

Mức lương còn thể hiện uy tín, tiềm lực và khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi vậy, khi lương ở khu vực công được điều chỉnh theo hướng tăng cao thì chúng ta sẽ giữ chân và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo nhiều quan điểm, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đủ để đáp ứng những nhu cầu cuộc sống, rất khó tạo ra đội ngũ công chức chuyên nghiệp, tận tâm và có chất lượng. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

Đúng là việc tiền lương công chức, viên chức chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống thì sẽ khó tạo ra đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, chuyên cần. Bởi lẽ, khi còn phải loay hoay quá nhiều với vấn đề cơm áo gạo tiền sao cho đủ, thì công chức viên chức sẽ "san sẻ" thời gian, năng lực và tâm huyết vào các công việc khác để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Đó có thể là tìm công việc làm thêm, thậm chí là nguồn gốc cho những hành vi tham nhũng, hoặc có tâm lý chán nản, sẵn sàng chuyển công việc khác khi có cơ hội.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng nếu chỉ đơn thuần tăng lương thì chưa chắc tạo ra được đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, chuyên cần. Tăng lương khu vực công cần đi đôi với một số giải pháp khác như nâng cao năng suất lao động, xây dựng đội ngũ tinh gọn, giàu năng lực; đổi mới cách đánh giá, khen thưởng, kỷ luật công chức, viên chức... Có như vậy chúng ta mới xây dựng được đội ngũ khu vực công đạt yêu cầu chuyên nghiệp, chuyên cần.

Xin cảm ơn bà!

Tiền lương y tế, giáo dục sẽ cao hơn so với mặt bằng chung

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác. Bởi vì chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Nhất là qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi cho thấy cần phải quan tâm nâng cao đời sống của đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc nhiều hơn nữa.

"Qua 4 lần cải cách tiền lương, tôi thấy chưa có lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Đây là một chính sách lương mới rất tiến bộ, công bằng, thật sự hài hòa và hợp lý", Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói.

Tiếp tục tăng lương thêm 7%/năm từ 2025

Theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để thực hiện được chính sách cải cách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành trong thời gian qua. Trong đó phải kể đến nỗ lực trong việc tạo nguồn cho cải cách tiền lương. Tuy nhiên, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững. Vì vậy, việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương sau giai đoạn 2024 - 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.