ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần thiết trang bị kỹ năng, kiến thức cho trẻ em trên môi trường mạng. (Ảnh: NVCC) |
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố loạt sai phạm của TikTok tại Việt Nam, nhiều nội dung độc hại với trẻ em khiến dư luận bất ngờ. Từ đó, càng thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ trước những nội dung độc hại trên mạng xã hội.
Việt Nam là quốc gia ký công ước quốc tế về quyền trẻ em rất sớm, nhưng trong thực hiện công ước vẫn còn nhiều trở ngại. Nói chính xác hơn, có những nội dung chúng ta thực hiện chưa tốt, hiệu quả chưa cao. Có những khía cạnh về quyền trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Việc bảo vệ trẻ em một cách toàn diện trong đời sống là một đòi hỏi, một yêu cầu chính đáng để trẻ em có được môi trường, điều kiện phát triển tốt nhất.
Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai, hầu như ai cũng thuộc lòng câu khẩu hiệu này. Nhưng chúng ta nuôi dưỡng, chăm chút cho "thế giới ngày mai" như thế nào đang còn nhiều điều đáng bàn. Riêng việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải là vấn đề bây giờ mới đề cập nhưng rõ ràng vẫn còn quá nhiều lỗ hổng.
Với sự phát triển quá nhanh và mạnh của Internet, của các thiết bị công nghệ khiến các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta thiếu và chưa đồng bộ. Hệ thống công nghệ thu thập, giám sát dữ liệu đang phải “chạy theo” thông tin độc hại. Bên cạnh đó, các quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ trẻ em còn thiếu, chưa đủ sức nặng để thực hiện...
Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 - 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số).
Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.
Những năm gần đây, mạng xã hội đã trở nên phổ biến vào cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Việt Nam. Đồng thời, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet ngày càng tăng của Việt Nam. Lợi thế dân số trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số và có tính kết nối cao, do vậy Việt Nam là một trong số các quốc gia có số lượng người sử dụng mạng xã hội cao nhất thế giới.
Trong thời kỳ cuộc Cách mạng 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, mỗi cá nhân phải liên tục nỗ lực để cập nhật những thành tựu mới nhất của khoa học, công nghệ. Nhưng dường như chúng ta mới quan tâm đến yếu tố khách quan, tức là những tri thức, cách thức để ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) mà chưa quan tâm đúng mực đến yếu tố chủ quan. Đó là văn hóa ứng xử trên không gian mạng, là kỹ năng tự bảo vệ bản thân và người thân (trong đó có trẻ em) trong "thế giới ảo" mà rất thật.
Cần tạo "vaccine số" cho trẻ em trên môi trường mạng. (Nguồn: TTXVN) |
Bởi vậy, mạng xã hội tràn lan những thông tin xấu độc, thông tin nhạy cảm, có hại với trẻ em mà không có bất cứ rào cản nào. Trong khi đó, việc trẻ em tiếp cận với mạng xã hội lại quá dễ dàng bởi các em được sở hữu các thiết bị công nghệ (máy tính, điện thoại thông minh, Ipad...) vừa phục vụ nhu cầu học tập, vừa phục vụ nhu cầu giải trí.
Thực tế, trẻ em gần như không được bảo vệ trên không gian mạng, có thể tiếp cận với bất cứ thông tin, nội dung gì. Mà rất nhiều trong số đó là những nội dung xấu, độc đối với trẻ, đó là điều rất đáng lo ngại. Cho nên, chúng ta không thể chần chừ hơn nữa trong việc hành động để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo tôi, điều này vô cùng quan trọng bởi mạng xã hội có sức hấp dẫn rất lớn không chỉ với trẻ em mà cả với người lớn. Trong kỷ nguyên số, chúng ta không thể cấm trẻ em tiếp cận với mạng xã hội mà phải có những biện pháp quản lý đủ mạnh, hiệu quả cao để bảo vệ trẻ em. Nếu không, những nội dung độc hại trên mạng xã hội sẽ tác động rất xấu đến sự hình thành nhân cách của trẻ em. Từ đó, sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy
Vậy nên, cần thiết có biện pháp, công cụ để đảm bảo an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ. Nói về công cụ bảo vệ là chúng ta đang nói về các quy định của pháp luật. Theo tôi, cần rà soát lại tổng thể những quy định có liên quan vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng xem đã đầy đủ và chặt chẽ chưa để tiếp tục hoàn thiện. Song song với đó là nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về vấn đề này.
Nhiều khi chính những bậc làm cha làm mẹ cũng chưa hiểu hết tác hại của những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội với con em mình. Thậm chí, nhiều phụ huynh cũng chưa phân biệt được một cách đúng đắn đâu là thông tin xấu, đâu là thông tin trẻ em được phép tiếp cận. Bí mật đời tư của các em nhiều khi bị chính cha mẹ, người thân "công bố với cả thế giới" một cách hồn nhiên trên mạng xã hội. Tôi muốn nhấn mạnh, mỗi cá nhân phải thực sự nỗ lực để thích ứng với kỷ nguyên số, bắt đầu từ những yếu tố chủ quan.
Điều đáng nói, có một số người cho rằng, để chấn hưng văn hóa thì đầu tiên cần chấn hưng văn hóa mạng. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như vậy. Văn hóa là một khái niệm rất rộng và yếu tố văn hóa có mặt trong tất cả mọi hoạt động, lĩnh vực, mọi thành tố của đời sống xã hội. Không thể cắt khúc rằng, bắt đầu chấn hưng văn hóa phải làm từ việc này, xong đến lĩnh vực kia. Làm sao có thể chấn hưng văn hóa mạng nếu như trong đời sống xã hội hàng ngày, trong đời thực chúng ta không chấn hưng văn hóa, không quan tâm đúng mức đến việc bồi đắp các giá trị văn hóa.
Tôi cho rằng, việc thanh lọc không gian mạng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, nguồn nhân lực công nghệ thông tin của chúng ta còn quá ít ỏi, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này lại càng hiếm. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động của Việt Nam chỉ ước đạt 1%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia mạnh về công nghệ thông tin (CNTT). Đây cũng là điểm yếu khiến cho công tác quản lý nhà nước về CNTT còn nhiều bất cập
Theo đó, cần những giải pháp đồng bộ. Vừa khẩn trương, tích cực rà soát thể chế để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Vừa tăng cường, tập trung cho giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân lực ngành CNTT chất lượng cao. Đồng thời, quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông để mỗi cá nhân có thêm nhiều kiến thức về mạng xã hội, về cách ứng xử và tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân trên không gian mạng, đặc biệt là trẻ em.
Ngoài ra, để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội, việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho các em theo từng độ tuổi là vô cùng quan trọng. Đó được xem như "vaccine số" để các em có thể tương tác an toàn cũng như biết cách tự bảo vệ mình trên không gian mạng.
| Chuyên gia Lê Quốc Vinh: Định danh mạng xã hội làm sao để giúp người dùng an toàn hơn, có kỹ năng thích ứng với cuộc sống số Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Le Invest Corporation cho rằng, làm sao để người dùng nhận ... |
| Báo chí chính thống vẫn có chỗ đứng vững chắc trong 'trận địa' thông tin mở Nhà báo Nguyễn Thành Lợi cho rằng, báo chí vẫn có chỗ đứng vững chắc trong "trận địa" thông tin mở như hiện nay. Muốn ... |
| 'Dọn sạch' không gian mạng: Cần đề cao văn hóa ứng xử trực tuyến Theo ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, văn hóa ứng xử là cốt cách của mỗi người, nên được thể hiện cả trên không gian mạng lẫn ... |
| Bức tranh sáng của du lịch Hà Nội Thời gian qua, ngành Du lịch Hà Nội đã dần hồi phục; các doanh nghiệp du lịch đã chủ động, sáng tạo giới thiệu nhiều ... |