📞

ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga: Cần tìm 'chìa khóa' cho vấn đề tăng năng suất lao động

Nguyệt Hà 13:50 | 09/11/2022
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, để tăng năng suất lao động, cần chú trọng nhiều hơn công tác giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo nghề...
ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, để tăng năng suất lao động cần chú trọng nhiều hơn công tác giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. (Ảnh: NVCC)

Bà nhận định thế nào về thị trường lao động hiện nay, liệu đã theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hay chưa?

Thị trường lao động hiện nay của Việt Nam đã có nhiều cải thiện. Về số lượng, chúng ta có khoảng trên 50 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Đây là một lợi thế. Với kết cấu dân số trẻ, số lượng lao động dồi dào, Việt Nam có nhiều điểm cộng trong thị trường lao động.

Tuy nhiên, chất lượng lao động của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ cũng chưa đạt đến 30%.

Lao động Việt Nam làm việc ở khu vực phi chính thức nhiều hơn lao động chính thức rất nhiều lần. Người dân ở khu vực nông thôn tham gia thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị.

Như vậy, trong thị trường lao động của chúng ta, cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Tất cả những điều trên bộc lộ rằng, lao động Việt Nam dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa thích ứng cao với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa. Vậy theo bà, cần có giải pháp gì để tránh nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng?

Đúng vậy, khoảng cách về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực vẫn còn rất xa. Ở Đông Nam Á, giai đoạn 2010-2019, năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Timor- leste, Campuchia và Myanmar (theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2019).

Báo cáo năm 2020 của Tổ chức năng suất châu Á cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm, Malaysia 40 năm và Nhật Bản 60 năm. Do đó, chúng ta cần tìm “chìa khóa” cho vấn đề tăng năng suất lao động.

Giải pháp để nâng cao năng suất lao động, theo tôi, cần phải nhìn vào thực tế nguyên nhân dẫn đến tình trạng năng suất lao động còn rất thấp.

Thứ nhất, do trình độ và kỹ năng của lao động Việt Nam vẫn ở mức thấp so với yêu cầu và so với nhiều nước trong khu vực.

Điều này, con số về lực lượng lao động đã qua đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ đã nói lên đầy đủ. Trong số những lao động đã được cấp văn bằng, chứng chỉ, số lao động khi tham gia thị trường lao động phải đào tạo lại, đào tạo thêm rất nhiều chứng tỏ chất lượng giáo dục nghề nghiệp của chúng ta chưa cao.

Thứ hai, khả năng hội nhập của người lao động Việt Nam chưa cao, trình độ tay nghề còn thấp so với tiêu chuẩn khu vực và trên thế giới. Kỹ năng lao động thấp chính là rào cản lớn trong việc nỗ lực nâng cao năng suất lao động.

Thứ ba, ý thức kỷ luật lao động của lao động Việt Nam còn chưa cao, chưa theo kịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

Từ nhận diện trên, chúng ta có thể tính đến những giải pháp để nâng cao năng suất lao động như: Chú trọng nhiều hơn công tác giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng và kỷ luật lao động.

Cùng với đó, tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.

Đồng thời, tăng cường đầu tư vào khoa học và công nghệ để cải thiện hạ tầng lao động. Khi đầu tư vào khoa học, công nghệ và máy móc thì năng suất lao động sẽ được cải thiện rõ rệt.

Đầu tư vào khoa học, công nghệ và máy móc thì năng suất lao động sẽ được cải thiện rõ rệt. (Nguồn: VGP)

Vậy cần phát triển toàn diện nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề cao thế nào, theo bà?

Việt Nam có cơ cấu “dân số vàng” với lực lượng lao động dồi dào khoảng 51,6 triệu người, chiếm trên 55% dân số, là lợi thế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, tạo nên sức cạnh tranh khi nước ta hội nhập quốc tế, tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài.

Dù vậy, trước yêu cầu ngày càng cao về lao động có kỹ năng nghề phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập.

Thời gian vừa qua, tình trạng công chức, viên thức thôi việc khá lớn, nhất là viên chức y tế, giáo dục. Đây chính là sự lãng phí nguồn nhân lực. Vấn đề cải cách tiền lương có phải là lối ra cho thực trạng này?

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã xác định nhân tố con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.

Do đó, cần chú trọng phát triển toàn diện nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề cao, đồng thời cần phải biết cách giữ chân những công chức, viên chức, người lao động có năng lực. Đây được coi là giải pháp đột phá, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Muốn tìm lối ra cho thực trạng công chức, viên chức thôi việc thời gian qua, chúng ta phải hiểu rõ nguyên nhân. Theo tôi, tiền lương chưa thỏa đáng chỉ là một trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng là nguyên nhân khá chính yếu. Bởi vậy, cải cách tiền lương cần sớm tiến hành, đặc biệt trong bối cảnh nhân lực ngành giáo dục và y tế đang thiếu trầm trọng.

Xin cảm ơn bà!

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu và tham khảo từ ILO, năm 2020, năng suất lao động của Việt Nam chỉ tăng 5,4% (năm 2019 là 6,2%) và ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cụ thể, năng suất lao động bình quân đạt mức 117,94 triệu đồng, tương đương khoảng 5.081 USD/lao động.

Trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam là 5,1%, cao hơn mức trung bình của ASEAN, chỉ đứng sau Campuchia.

Mức tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Tung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan.

Theo Cục việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm của Việt Nam là 2,51% (so với 1,5% năm 2019), ở mức cao nhất trong 5 năm qua.