ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, vụ việc học sinh xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang là không thể chấp nhận được. (Nguồn: Quốc hội) |
Sự xuống cấp đạo đức trong trường học
Vụ học sinh dồn ép cô giáo vào góc lớp, ném dép vào cô giáo tại một trường THCS ở tỉnh Tuyên Quang lộ ra lỗ hổng nghiêm trọng về tinh thần tôn sư trọng đạo. Góc nhìn của bà về câu chuyện này thế nào?
Trước tiên, vụ việc ở Tuyên Quang khiến tôi một lần nữa cảm thấy rất buồn. Đây không phải lần đầu tiên hồi chuông cảnh báo về bạo lực học đường, về sự xuống cấp đạo đức, văn hóa trong một bộ phận học sinh được gióng lên. Tuy nhiên, với vụ việc này, mọi thứ dường như nghiêm trọng hơn. Bởi lẽ, những người gây ra bạo lực học đường là các em học sinh cấp THCS - những đứa trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới", còn rất ngây thơ và non nớt trong mắt cha mẹ, người thân. Còn người chịu bạo lực là cô giáo trực tiếp giảng dạy các em.
Nếu không trực tiếp xem đoạn clip được đưa lên các mạng xã hội thì chính bản thân tôi cũng không tin nổi rằng những học trò mới chỉ học lớp 7 có thể buông lời xúc phạm, nhục mạ chính cô giáo đang giảng dạy mình, ném dép vào cô, nhét rác vào cặp cô... Bởi đó là những ứng xử khủng khiếp đi ngược lại truyền thống đạo lý của dân tộc, đi ngược lại những nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng môi trường học đường văn minh.
Qua theo dõi vụ việc, tôi thấy có nhiều tranh luận từ phía công chúng. Có người biện hộ cho học sinh, cho rằng cô giáo cũng từng có những hành động mang tính bạo lực với học trò như cầm dép đuổi đánh học trò; hoặc cô từng có những ứng xử, phát ngôn chưa chuẩn mực... Tuy nhiên, dù vì bất cứ lý do gì, những việc làm của học sinh trong vụ việc này là không thể bao biện theo hướng xuê xoa được. Các em đã sai, sai cả về đạo lý và pháp lý.
Chúng ta cần nghiêm khắc với những sai trái này. Không phải nghiêm khắc để xử phạt các em thật nặng, mà nghiêm khắc để thấy rằng những hành động như thế không được phép diễn ra trong môi trường học đường - nơi các em đang học để làm người, vừa học nền tảng kiến thức, vừa học nền tảng đạo đức để sau này các em trở thành những con người tích cực.
Đây là một câu chuyện buồn để chúng ta suy ngẫm và hành động. Về phía nhà trường, cần nhìn nhận lại trách nhiệm trong quản lý giáo dục (sự việc học sinh coi thường, chống đối, lăng mạ giáo viên đã diễn ra nhiều lần). Về phía cô giáo, cần nghiêm túc nhìn nhận lại những thiếu sót của bản thân. Nghề giáo là một nghề đặc biệt. Tôi nghĩ "tài liệu" dạy học quan trọng nhất chưa phải là sách vở, là những kiến thức của người thầy, mà là chính nhân cách, phẩm giá và cách ứng xử của người thầy.
Những lời răn dạy học trò dù hay biết bao nhiêu cũng chưa tác dụng bằng sự làm gương của chính người thầy. Về phía gia đình, cũng cần phải xem xét lại cách dạy dỗ, uốn nắn con trẻ. Còn mỗi cá nhân trong xã hội, cũng cần nhìn nhận lại, rằng bản thân mình đã làm gì để tạo nên một "bầu khí quyển văn hóa" lành mạnh cho con trẻ lớn lên. Trẻ em là tấm gương phản chiếu của những ứng xử của người lớn. Tôi nghĩ, không ai vô can trong sự việc đáng buồn này.
Ảnh chụp từ clip. (Nguồn: NLĐ) |
Dạy làm người hơn dạy chữ
Có người cho rằng, hiện nay, việc giáo dục nhân cách, lễ nghĩa và đạo đức, lối sống cho học sinh, tinh thần tôn sư trọng đạo chưa được chú trọng đúng mức, thậm chí đứng sau điểm số và thành tích. Bà có nghĩ như vậy?
Tôi đồng tình với nhận định này. Có một sự thật là khi nói đến thành tích của một trường, một lớp, một học sinh, theo thói quen, chúng ta hầu như chỉ quan tâm đến thành tích, kết quả học tập.
Mong chờ, kỳ vọng nhất của các bậc cha mẹ với con cái mình bao giờ cũng là phải giỏi giang, mà giỏi giang được đo bằng điểm số các môn học ở trường. Bởi thế, việc rèn đạo đức cho học sinh còn có lúc chưa thực sự được chú trọng đúng mức. Đây là nguồn cơn dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc mà vụ việc ở Tuyên Quang vừa rồi là một ví dụ. Việc rèn đạo đức cho học sinh không chỉ tập trung trong một môn học cụ thể nào, không chỉ thể hiện ở những biểu hiện bên ngoài trong ứng xử của các em với bè bạn, thầy cô.
Giáo dục đạo đức cho học sinh là giáo dục một cách toàn diện về lối sống, nhân sinh quan cho các em. Nhiều khi, chính những ứng xử tưởng như rất nhỏ của người lớn lại tác động đến con trẻ nhiều hơn những lời dạy lý thuyết. Chúng ta khó có thể yêu cầu học sinh trung thực nếu như bỏ qua những hành vi quay cóp bài, nói dối. Khó có thể dạy các em lễ phép, kính trọng thầy cô nếu những hành vi của thầy cô không chuẩn mực.
Cho nên, tôi mong muốn việc giáo dục đạo đức cho học sinh cần được chú trọng hơn nữa, từ trong chiều sâu. Còn nếu chỉ chú trọng đến việc "dạy chữ" hơn việc "dạy làm người", thì hậu quả sẽ khôn lường. Một con người giỏi về kiến thức nhưng thiếu hụt về đạo đức sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, cho cộng đồng.
Cần đề cao giáo dục nhân cách cho trẻ
Là một trong những Đại biểu Quốc hội nhiều lần phát biểu về tình trạng đáng báo động trong một bộ phận giới trẻ hiện nay - đó là đạo đức xã hội xuống cấp, gia tăng bạo lực học đường. Theo bà, để hạn chế những sự việc, hiện tượng đau lòng như bạo lực học đường, cần chấn chỉnh và thay đổi quyết liệt trong giáo dục thế nào?
Tôi nghĩ, trong giáo dục thế hệ trẻ, trách nhiệm được chia đều cho gia đình - nhà trường và xã hội. Không ít người quan niệm việc giáo dục học sinh là trách nhiệm của riêng nhà trường. Những vấn đề xảy ra trong trường học như bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường. Gia đình cũng không thể "vô can" trong việc này. Và môi trường xã hội nói chung cũng không thể vô can. Những em học trò thản nhiên miệt thị và ném dép vào giáo viên có sự tác động nào từ phía gia đình không? Có chút gì bị ảnh hưởng từ xã hội không? Tôi nghĩ là có.
Khi các bậc làm cha làm mẹ hoàn toàn không biết con mình có những ứng xử thế nào với thầy cô ở trường (vụ việc tại Tuyên Quang không chỉ xảy ra có một lần), hoặc biết mà không kịp thời uốn nắn, bảo ban. Khi mạng xã hội còn nhan nhản những thông tin xấu độc và những trò bạo lực mà trẻ em dễ dàng tiếp cận. Khi những lối sống lệch chuẩn văn hóa từ một số người có ảnh hưởng tới giới trẻ chưa kịp thời bị lên án, chấn chỉnh mà còn được tung hô... thì không thể nói là gia đình, xã hội không có phần trách nhiệm trong lỗi của các em.
Cho nên, thay đổi đầu tiên tôi nghĩ là phải bỏ ngay tư duy đổ lỗi. Hễ học sinh có lỗi là chỉ tại nhà trường. Trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ không phải của riêng ai cả. Mỗi cá nhân hãy nghĩ rằng chính những hành vi, ứng xử hàng ngày của mình đều tạo nên môi trường văn hoá xã hội. Và lớp trẻ sẽ ảnh hưởng từ môi trường ấy để hình thành nhân cách.
Mỗi gia đình hãy chú trọng hơn nữa đến việc giáo dục con em mình. Cần quan tâm hơn nữa tới việc bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của mạng xã hội. Và cần phải nhấn mạnh hơn vai trò, vị thế của người giáo viên. Sắp tới Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Nhà giáo. Tôi hy vọng trong dự án Luật này sẽ quy định rõ ràng và hợp lý địa vị pháp lý của nhà giáo. Có như thế chúng ta mới hy vọng ngăn chặn, chấm dứt được những vụ việc đáng buồn như vừa qua.
Xin cảm ơn ĐBQH!
| Để trẻ em không sa vào 'hố đen' trên thế giới ảo... Để trẻ em không bị sa vào "hố đen" trên thế giới ảo, vấn đề quan trọng là cần giáo dục các em cách ứng ... |
| Để người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều từ chính sách an sinh xã hội Chính sách an sinh xã hội phải ngày càng phát triển, mở rộng để người dân được thụ hưởng ngày càng nhiều hơn từ sự ... |
| 'Chất' thanh lịch của Hà Nội mang hơi thở thời đại Theo GS. NGND Nguyễn Lân Dũng, chất thanh lịch theo người xưa, nếp cũ của Hà Nội cần hòa hợp với quá trình đô thị ... |
| Cần thay đổi nhận thức về bình đẳng giới Để lồng ghép giới tốt vào các chính sách an sinh xã hội, nhân sự tham gia quy trình ngân sách cũng cần có hiểu ... |
| Giáo viên thời số hóa... Xã hội phát triển, vai trò, vị trí của giáo viên sẽ thay đổi theo xu thế. Điều cốt lõi là họ phải luôn biết ... |