ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa nêu quan điểm, cần quan tâm hơn nữa đến nhóm yếu thế trong xã hội. (Nguồn: Quochoi) |
Dịch Covid-19 đã và đang tạo ra khoảng cách xã hội ngày càng lớn khi làm giảm thu nhập và phân phối lại thu nhập. Ông bình luận thế nào về thực trạng này?
Hố sâu ngăn cách giàu nghèo không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Covid-19 đã và đang tạo ra khoảng cách xã hội ngày càng lớn khi làm giảm thu nhập và phân phối lại thu nhập.
Trong đại dịch, nhóm những người giàu nhất đang ngày càng giàu hơn, trong khi tình trạng của nhóm những người nghèo khổ bấp bênh nhất lại càng trở nên tệ hại.
Trên thế giới, năm 2020, trong khi phải đối mặt với các diễn biến khó khăn của đại dịch, các tỷ phú vẫn kiếm thêm được hơn 3.000 tỷ USD nhờ giá bất động sản và cổ phiếu gia tăng. Hơn 10% dân số giàu nhất thế giới sở hữu đến hơn 3/4 tài sản của nhân loại, trong lúc 50% dân số thế giới, gồm những người nghèo nhất, chỉ sở hữu 2%.
Tại các nước phát triển, chính quyền đã rót những khoản tiền trợ cấp khổng lồ để bảo vệ doanh nghiệp, duy trì thu nhập của người dân và tránh để tình trạng nghèo đói bùng phát. Tuy nhiên, bên hưởng lợi lại phần lớn là các đại gia. Điều này khiến khoảng cách giàu nghèo tăng mạnh hơn.
Ở nước ta, trước đại dịch, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội cũng đã rõ. Đại dịch Covid-19 làm cho khoảng cách giữa nhóm đầu tiên và nhóm cuối cùng tăng lên.
Kết quả khảo sát mức sống dân cư trong năm đầu tiên dịch Covid-19 xuất hiện (2020) cho thấy, thu nhập bình quân của nhóm hộ giàu nhất cao gấp 8 lần nhóm hộ nghèo nhất. Sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất lên tới 3,5 lần (4,8 triệu đồng so với gần 1,4 triệu đồng).
Nhóm cuối cùng là nhóm dễ bị tổn thương, thu nhập của họ trông đợi vào lao động hằng ngày, ráo mồ hôi là hết tiền, không có tích lũy. Khi Covid-19 xảy ra, những giải pháp phòng dịch như giãn cách xã hội, tạm dừng các hoạt động sản xuất, tạm dừng cung cấp dịch vụ dẫn đến những người trong nhóm đó không có thu nhập, rơi vào tình cảnh rất khó khăn.
Trong khi đó mọi hoạt động trợ giúp của Nhà nước hay các nhóm thiện nguyện cũng không đến ngay lập tức, tạo ra những vấn đề xã hội như thiếu ăn, thiếu nhu yếu phẩm, không chỗ ở, không có điều kiện phòng dịch.
Hai vấn đề nổi lên trong lúc này là bình đẳng về kinh tế và bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ bảo vệ sức khỏe. Sự trợ giúp của Nhà nước với hệ thống an sinh xã hội tương đối nhiều tầng bậc và càng muốn bảo đảm công bằng thì có vẻ như sự trợ giúp đến với người nghèo càng lâu hơn.
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là an sinh xã hội dành cho nhóm dễ bị tổn thương.
Trên diễn đàn Quốc hội, ông đã nhấn mạnh rằng, chính sách an sinh xã hội cần tập trung vào nhóm đối tượng yếu thế nhất, thiệt thòi nhất. Ông có thể nói cụ thể hơn?
Theo Báo cáo của Chính phủ, việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng, đặc biệt trong năm 2021 (lần lượt là 3,22% và 3,1%). Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,5 triệu người, giảm 0,8 triệu người so với năm trước.
Có hơn 28,2 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có 4,7 triệu người bị mất việc làm; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm; 18,9 triệu người bị giảm thu nhập.
Dịch bệnh cũng khiến 1,3 triệu lao động và thân nhân di cư ngược lại khu vực nông thôn, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh (292 nghìn người) và các tỉnh, thành khu vực phía Nam (450 nghìn người).
Nhóm yếu thế như người nghèo, lao động tự do, xe ôm, bán hàng rong, kinh doanh cá thể, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ... là những người phần lớn làm việc trong khu vực phi chính thức; nay thu nhập của họ lại bị giảm, bị mất do Covid-19 mà bản thân họ và gia đình ít được bảo đảm, hỗ trợ bằng các "lưới" an sinh xã hội. Do đó, phải đưa nhóm yếu thế vào trung tâm, trọng tâm của các chính sách an sinh xã hội.
Thu nhập của những người thuộc nhóm yếu thế như người nghèo, lao động tự do… bị giảm do Covid-19. Vậy, đối tượng này cần được quan tâm trong đại dịch cũng như trong các quyết sách hậu đại dịch như thế nào, theo ông?
Dịch bệnh ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến tất cả các khía cạnh kinh tế, y tế, văn hóa, an sinh xã hội. Tăng trưởng kinh tế trong 2 năm liên tiếp 2020-2021 đạt mức thấp.
Theo kịch bản dự báo khả quan nhất, nếu không có các chính sách, giải pháp quyết liệt bình quân giai đoạn 2021- 2025, GDP chỉ tăng tối đa khoảng 5,4%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về ổn định vĩ mô, lạm phát, sản xuất kinh doanh, chi phí đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa, lao động, việc làm, an sinh xã hội và an ninh, trật tự an toàn xã hội...
Theo thống kê sơ bộ, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, tính đến giữa tháng 8/2020, khoảng 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng lao động nhận được hỗ trợ, với tổng số tiền giải ngân chỉ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 19%).
Tuy nhiên, những người được hỗ trợ đa phần là nhóm lao động có bảo hiểm, lao động là người có công, hộ nghèo. Trong khi đó, lao động chịu tác động mạnh nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được với hỗ trợ này.
Việc thực thi các chính sách hỗ trợ trực tiếp gặp rào cản lớn do chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý thông tin về người được hưởng hỗ trợ, dẫn đến việc thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ được thiết kế quá phức tạp, gây bất tiện cho người dân.
Xin nhấn mạnh rằng, chỉ số quan trọng nhất để đánh giá sự văn minh của một quốc gia, một thể chế, một xã hội chính là việc quốc gia đó đối xử với các thành viên của mình thế nào? Trong đó, chính sách an sinh xã hội là biểu hiện rõ nét nhất của sự đối xử này.
Trong bối cảnh như vậy, nhóm yếu thế cần phải được đặc biệt quan tâm. Trong đại dịch, do thu nhập của họ bị mất, giảm sút nghiêm trọng nên cần có chính sách hỗ trợ, bảo đảm một phần hoặc toàn bộ thu nhập cho họ thông qua trợ cấp bằng tiền mặt, cung cấp chăm sóc y tế cần thiết.
Hậu đại dịch, họ cần phải được đặt vào trung tâm của chính sách phục hồi và phát triển kinh tế thông qua các chính sách tín dụng, đào tạo, đào tạo lại và hỗ trợ giải quyết việc làm cùng với các chính sách an sinh xã hội cần thiết khác.
Nhóm yếu thế như người nghèo, lao động tự do, xe ôm, bán hàng rong... là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. |
Ông có khuyến nghị gì để chính sách an sinh xã hội đảm bảo hiệu quả, đúng và trúng đối tượng bị tác động nhiều nhất?
Mới đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố Báo cáo An sinh xã hội Thế giới 2020-2022: Hệ thống an sinh xã hội trước ngã ba đường – vì một tương lai tốt đẹp hơn. Báo cáo này mang lại một cái nhìn tổng thể toàn cầu về sự phát triển của những hệ thống an sinh xã hội, bao gồm cả sàn an sinh xã hội và đề cập tác động của đại dịch Covid-19.
Báo cáo cũng nêu những khoảng trống về an sinh xã hội và đưa ra những khuyến nghị chính sách then chốt, trong đó bao gồm cả những khuyến nghị liên quan đến các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển Bền vững.
Hiện nay, chỉ có 47% dân số toàn cầu được bảo vệ hiệu quả bởi ít nhất một loại hình trợ cấp an sinh xã hội, trong khi còn 4,1 tỷ người (53%) hoàn toàn không được đảm bảo an ninh thu nhập từ hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Ở nước ta, tính đến năm 2021, tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là trên 16,17 triệu người (đạt 32,49% lực lượng lao động); tổng số người tham gia BHYT là hơn 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số.
Điều này cho thấy số lượng người dân chưa được bao phủ bởi hệ thống an sinh xã hội, nhất là BHXH còn rất lớn. Phần lớn những người này làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc có điều kiện, hoàn cảnh cá nhân mà không thể tham gia thị trường lao động.
Vì vậy, với nguồn lực và thời gian có hạn, cần xác định cụ thể hơn đối tượng và nội dung chính sách an sinh xã hội để bảo đảm hiệu quả, tập trung vào nhóm đối tượng có nhu cầu cấp bách nhất, bị tác động nhiều nhất, đang thiệt thòi nhất, yếu thế nhất trong xã hội.
Theo đó, tôi đề nghị:
Thứ nhất, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết số 42 năm 2020 của Chính phủ, nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn các chính sách cho khu vực phi chính thức, nhất là nhóm yếu thế, trong đó có chính sách trợ cấp bằng tiền mặt. Hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân góp phần kích cầu đối với nền kinh tế. Đây cũng là giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng, trong đó có các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Thứ hai, nghiên cứu bổ sung nguồn vốn tín dụng cho Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững và CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 bên cạnh nguồn vốn dự kiến .000 tỷ đồng cho CTMTQT về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ ba, nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển việc làm công nhằm giải quyết lượng lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động di cư về quê theo quy định của Luật Việc làm năm 2013.
Bên cạnh đó, cần chính sách hỗ trợ phát triển việc làm thế nào để nhằm giải quyết lượng lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn, để đảm bảo người lao động có việc làm bền vững, “ly nông bất ly hương”, theo ông?
Nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và CMCN 4.0. Do đó, để giải quyết việc làm, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, có tầm nhìn.
Một hệ thống chính sách pháp luật phù hợp để bảo vệ người lao động và phát triển nguồn nhân lực là điều kiện cần thiết để tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh của lực lượng lao động nước ta, góp phần quan trọng vào việc đưa nước ta từ vị trí top 15 về dân số thành vị trí top 15 về nguồn nhân lực và top 15 về kinh tế trong tương lai.
Nhằm giải quyết lượng lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn, để đảm bảo người lao động có việc làm bền vững, “ly nông” nhưng không phải “ly hương", ngoài các chính sách như đã nêu ở trên, phải cải cách toàn diện hệ thống giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng thực hành.
Đồng thời, phát triển năng lực theo hướng đa kỹ năng. Tăng cường sự kết nối giữa cơ sở đào tạo và thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào giáo dục, đào tạo nghề.
Đặc biệt, cần điều chỉnh địa bàn và lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Theo đó, người lao động sẽ không phải đi tìm việc mà công việc hay nguồn vốn sẽ tìm đến nơi có người lao động có đủ năng lực, chất lượng ngay trên quê hương mình. Khi đó, người lao động ly nông mà không phải ly hương.
Xin cảm ơn ĐBQH!
TS. Phạm Trọng Nghĩa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật học tại ÐH Brunel, Vương quốc Anh (2010), Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Ðại học Princeton, Mỹ (2015-2016) và tại Ðại học Oxford, Vương quốc Anh (2016-2017) theo Chương trình Nghiên cứu Lãnh đạo toàn cầu. |