Tại sao dư luận lại đặc biệt quan tâm về điều cấm này?
Trước hết, đây là điều cấm rất dễ bị vi phạm. Với sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội, người ta có thể vi phạm chỉ bằng một cú click chuột. Tuy nhiên, khi đã được đăng tải lên Facebook, Zalo… một tiết lộ có thể sẽ bị chia sẻ, nhân bản và gửi đi đến hàng vạn, hàng triệu người ngay lập tức.
Từ ngày 1/6/2017, Luật trẻ em chính thức có hiệu lực. (Nguồn: QBTTEVN) |
Hai là, đôi khi động cơ tiết lộ trong nhiều trường hợp lại hoàn toàn trong sáng. Thấy cháu bé có cách nhăn mặt quá ngộ nghĩnh, người ta chỉ muốn cho mọi người cùng được chiêm ngưỡng. Nhiều ông bố, bà mẹ đăng ảnh con ở truồng chỉ để khoe về sự đáng yêu của nó chứ hoàn toàn không phải để bêu xấu nó. Động cơ yêu thương xung đột với pháp luật là điều chúng ta có thể thấy rất rõ ở đây. Như vậy, tuân thủ là điều khó, áp đặt sự tuân thủ cũng không dễ.
Ba là, về kỹ thuật lập pháp, điều luật để lại quá nhiều khoảng trống.
Khoảng trống thứ nhất, điều luật này chỉ bảo vệ quyền riêng tư mà không bảo vệ quyền nhân thân của trẻ em. Rõ ràng, nhiều khi các cửa hàng đăng hình ảnh trẻ em chủ yếu là để khai thác lợi ích thương mại của các hình ảnh này, chứ không hẳn là để tiết lộ bí mật đời tư. Một đứa bé đẹp như thiên thần có thể quảng cáo cho bộ quần áo mặc trên người, cho thứ sản phẩm mà đứa trẻ cầm trên tay. Vấn đề là không nên cấm việc đăng tải hình ảnh như vậy, mà nên bắt buộc người sử dụng hình ảnh vì mục đích thương mại phải trả tiền cho cháu bé. Cháu bé có toàn quyền đối với hình ảnh của mình.
Khoảng trống thứ hai, phạm vi bị cấm là không đủ rõ. Có thể, có quá nhiều cách hiểu ở đây. Cách hiểu thứ nhất: việc tiết lộ bí mật đời tư của trẻ em chỉ bị cấm đối với trẻ em từ 7 tuổi trở lên, còn dưới 7 tuổi trở xuống thì không bị cấm. Cách hiểu thứ hai: việc tiết lộ bí mật đời tư của trẻ em dưới 7 tuổi chỉ cấm đối với người ngoài, chứ không cấm đối với cha, mẹ và người giám hộ. Cách hiểu thứ ba: việc tiết lộ bí mật đời tư của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên chỉ cần sự đồng ý của đứa trẻ đó là được. Cách hiểu thứ tư: việc tiết lộ bí mật đới tư của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên có được sự đồng ý của em đó thì vẫn chưa đủ, mà cần có được cả sự đồng ý của bố, của mẹ hoặc nếu không có bố, mẹ, thì của người giám hộ. Nếu phạm vi bị cấm là không rõ như vậy, dĩ nhiên việc tuân thủ quả thực sẽ rất khó khăn.
Thực ra, phạm vi bị cấm chỉ có thể được làm rõ trong sự giải thích và áp dụng của tòa án để phán quyết về những vi phạm cụ thể. Rất đáng tiếc, khác với các nước trên thế giới, ở ta, tòa án lại không có thẩm quyền giải thích pháp luật. Quyền giải thích pháp luật thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Mà như vậy, thì chỉ riêng đối với khoản này của Điều 6, Luật trẻ em, UBTVQH sẽ có rất nhiều công việc phải làm. Nếu không được quan tâm thấu đáo, thì điều khoản này của Luật trẻ em sẽ trở thành dễ cấm, nhưng khó áp đặt tuân thủ.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội