📞

Để công dân Việt Nam di cư an toàn, hợp pháp, tránh rơi vào cạm bẫy mua bán người

Thu Trang - Tuấn Việt 11:49 | 27/06/2024
Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang nêu những nguy cơ lao động Việt Nam thường gặp khi làm việc ở nước ngoài và đưa ra lời khuyên với công dân Việt Nam chuẩn bị đi làm việc xa xứ, thúc đẩy di cư an toàn.
Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang phát biểu tại khóa tập huấn về di cư an toàn và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Tuấn Việt)

Bên lề khóa tập huấn về di cư an toàn và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài (25-26/6), Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang đã trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh nhiều công dân bị lừa đi làm việc bởi các cơ sở trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á ngày càng nhức nhối.

Xin bà cho biết những khó khăn, nguy cơ mà lao động Việt Nam thường gặp phải khi đi làm việc ở nước ngoài?

Hiện nay, công dân đi làm việc ở nước ngoài theo nhiều hình thức rất đa dạng: thông qua các công ty dịch vụ, các tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài; theo chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ mà Việt Nam đã ký kết với một số nước, các chương trình lao động thời vụ, hợp tác lao động qua biên giới ở cấp địa phương với Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoài ra, còn có một bộ phận người lao động tự phát, trong khu vực biên giới hoặc ở lại nước ngoài làm việc bằng con đường du lịch.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện có khoảng 650.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, nhiều nhất là tại khu vực Đông Bắc Á. Lao động nữ chiếm hơn 30% đến hơn 40% theo từng thị trường và từng giai đoạn. Nếu tính cả những người đang lao động theo hình thức khác thì con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều.

Trong quá trình làm việc ở nước ngoài, người lao động Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn, nguy cơ khác nhau, tùy theo từng hình thức đi làm việc ở nước ngoài và loại hình công việc. Những khó khăn dễ nhận thấy nhất là rào cản ngôn ngữ, giao tiếp, sự khác biệt về văn hóa lối sống, việc khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, bảo trợ xã hội, những vấn đề về tâm lý khi phải xa gia đình, người thân, một mình nơi xứ người.

Bên cạnh đó, người lao động cũng có thể đối mặt với những nguy cơ bị tổn thương như bị thu giữ giấy tờ tùy thân, bị phân biệt đối xử, bị ngược đãi, bị làm việc quá giờ, bị tai nạn, không được trả lương theo hợp đồng, không được bảo đảm điều kiện làm việc, bị ép thực hiện hành vi vi phạm pháp luật... Và đối với nhóm người làm việc theo các kênh không chính thức, thì rủi ro còn nhiều hơn thế.

Đặc biệt, tình trạng công dân bị lừa đi làm việc tại các cơ sở lừa đảo trực tuyến trong khu vực Đông Nam Á thời gian qua cho thấy những nguy cơ đó đã trở thành vấn đề hết sức nhức nhối khi quyền và lợi ích chính đáng của công dân bị xâm phạm nghiêm trọng, nhiều người trong số họ trở thành nạn nhân của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, hoặc trở thành nạn nhân bị mua bán.

Trung tâm Lao động ngoài nước - Bộ LĐTBXH tổ chức khóa học tiếng Hàn để tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. (Nguồn: Hà Nội mới)

Trước tình trạng công dân Việt Nam bị bóc lột tại các cơ sở lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, công tác bảo hộ và hồi hương công dân Việt Nam trong các trường hợp này đang được triển khai như thế nào?

Thời gian qua, tình hình công dân bị đưa sang một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines (trung chuyển qua Thái Lan) nhằm mục đích ép buộc làm việc tại các cơ sở lừa đảo trực tuyến tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp.

Theo tổng hợp sơ bộ của Cục Lãnh sự, từ 2021 đến nay, có khoảng 4.000 công dân được các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giải cứu, hỗ trợ và đưa về nước; một số trường hợp được xác định là nạn nhân bị mua bán.

Trước thực trạng trên, Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn theo dõi sát tình hình, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, triển khai ngay các công tác xác minh, giải cứu khi nhận được thông tin từ cơ quan chức năng trong nước, từ gia đình, người thân của công dân thông qua trao đổi, làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng nước sở tại cũng như trong nước và các tổ chức có liên quan nhằm kịp thời bảo hộ, hỗ trợ và đưa công dân về nước.

Dù thực tế gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận, xử lý nhưng thời gian qua công tác này đã được triển khai hết sức tích cực và kịp thời, với tinh thần trách nhiệm rất cao và hơn hết là xuất phát từ sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc với những tổn thương mà công dân đã phải trải qua.

Theo đánh giá của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), vấn đề này đang trở nên báo động trên toàn cầu do có sự liên hệ chặt chẽ của các loại hình tội phạm có tổ chức khác nhau cùng với việc lạm dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi trách nhiệm hợp tác ứng phó, giải quyết của tất cả các quốc gia.

Do đó, trong phạm vi của mình, Bộ Ngoại giao cũng đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực, đề nghị trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong giải cứu công dân tại các cơ sở lừa đảo trực tuyến, xác định những trường hợp nạn nhân của mua bán người, tăng cường hợp tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này.

Bà có thể đưa ra lời khuyên dành cho các lao động Việt Nam đang chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài và các công dân Việt Nam đang lao động ở nước ngoài mà gặp phải các tình huống khẩn cấp hoặc khủng hoảng?

Người lao động Việt Nam có ý định đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình hợp tác lao động, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được đăng tải trên các trang thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH, các cơ quan chức năng địa phương.

Người lao động cần chuẩn bị sẵn sàng không chỉ về trình độ, chuyên môn mà còn về kiến thức chính sách pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận, nội dung hợp đồng, cách thức ứng xử, vấn đề phòng, chống mua bán người, cưỡng bức lao động. Đây là những thông tin được cung cấp qua các chương trình giáo dục định hướng.

Đồng thời, người lao động cũng cần chủ động tăng cường ngoại ngữ, có ý thức tuân thủ pháp luật Việt Nam và nước ngoài. Trong quá trình làm việc ở nước ngoài, nếu có vấn đề phát sinh, người lao động cần trao đổi và khiếu nại với người sử dụng lao động, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi, cũng như các cơ quan đầu mối trong hợp tác lao động giữa Việt Nam và nước ngoài, đề nghị có biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích của mình.

Đối với những trường hợp đi làm việc không thông qua các doanh nghiệp dịch vụ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ nội dung công việc, địa điểm dự kiến làm việc, chế độ, quyền lợi được hưởng hợp đồng lao đồng có tin cậy hay không, nhân thân người giới thiệu... trước khi quyết định xuất cảnh.

Trong trường hợp tình huống khẩn cấp và khủng hoảng, công dân Việt Nam nói chung cũng như người lao động Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, cần liên hệ ngay với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại thông qua số điện thoại đường dây nóng của cơ quan đại diện hoặc liên hệ với Tổng đài bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao (tel:+84 981848484). Đồng thời, công dân Việt Nam cần tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chức năng sở tại.

Theo bà, chúng ta cần làm gì để thúc đẩy di cư an toàn trong thời gian tới?

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các dòng di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài đã phục hồi trở lại và có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, năm 2023 có gần 160.000 người ra nước ngoài làm việc.

Vì vậy, tôi cho rằng trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục triển khai đồng bộ một số biện pháp sau để tạo lập môi trường di cư an toàn, hợp pháp cho công dân:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền về các kênh di cư hợp pháp, an toàn hiện có, rủi ro của di cư qua kênh không chính thức, mua bán người, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, đưa người di cư trái phép, tăng cường giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến di cư, lao động, học tập ở nước ngoài, hướng đến những đối tượng cụ thể, bao gồm những trường hợp dễ bị tổn thương, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, của người di cư, đặc biệt là những người chuẩn bị di cư ra nước ngoài.

Thứ hai, tăng cường quản lý cư trú, xuất nhập cảnh, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hoạt động đưa người di cư trái phép, mua bán người, mở rộng các kênh di cư hợp pháp, an toàn với các nước, để người di cư có thể lựa chọn các kênh di cư hợp pháp phù hợp với bản thân, bởi lẽ di cư là sự lựa chọn chứ không phải là cần thiết, qua đó giúp ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép và mua bán người.

Thứ ba, nâng cao phối hợp liên ngành, tăng cường nhận thức chung và hành động chung trong giải quyết các vấn đề di cư và quản lý di cư nhằm thúc đẩy việc triển khai Thoả thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) của Liên hợp quốc theo Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/3/2020.

Xin cảm ơn bà!

(thực hiện)